Làm gì để thể thao Hải Dương trở lại top 10?

05/03/2023 10:45

Gặt hái nhiều thành tích nhưng không đạt mục tiêu chính tại Đại hội Thể thao toàn quốc, thể thao Hải Dương đang nỗ lực trở lại top 10 địa phương, ngành mạnh nhất quốc gia.


Không thành công tại Đại hội Thể thao toàn quốc ngay trên sân nhà, đội tuyển bóng bàn đang nỗ lực tập luyện để hướng đến các giải đấu lớn

Luyện tập không ngừng nghỉ

Trở về sau Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, đội tuyển Pencak Silat Hải Dương của huấn luyện viên từng vô địch thế giới Vũ Thế Hoàng đã tập luyện trở lại cho các mục tiêu ngắn hạn và cả dài hạn.

Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX, đội tuyển Pencak Silat Hải Dương giành tổng cộng 2 huy chương vàng (HCV), 2 huy chương đồng. Vốn không phải môn thể thao mũi nhọn theo định hướng của ngành, song từ nhiều năm nay, đội tuyển Pencak Silat Hải Dương luôn là "mỏ vàng" cho thể thao của tỉnh tại tất cả các tuyến thi đấu trong nước và quốc tế. 

Hiện nay, đội tuyển Pencak Silat Hải Dương đang có 20 võ sĩ trải đều ở các tuyến. Đội tuyển tự tin tiếp tục là một đối thủ mạnh trong những năm tới. Tại Giải vô địch pencak silat trẻ quốc gia năm 2022, đoàn Hải Dương nhất toàn đoàn, giành tổng cộng 9 huy chương gồm 4 HCV, 3 huy chương bạc và 2 huy chương đồng. Thành tích này đã vượt chỉ tiêu huy chương đặt ra trước giải là 1 HCV, 2 huy chương bạc, 2 huy chương đồng.

Cũng thi đấu thành công tại Đại hội Thể thao toàn quốc vừa qua, đội cử tạ Hải Dương đã để lại dấu ấn đậm nét với thành tích của lực sĩ Trần Đình Thắng đoạt 3 HCV, phá 3 kỷ lục quốc gia hay nữ lực sĩ Đinh Phạm Thị Hồng Nhung giành 1 HCV, 1 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Dù còn nhiều khó khăn, song đội tuyển do huấn luyện viên Nguyễn Thị Thiết dẫn dắt vẫn kiên trì tập luyện và sẵn sàng chinh phục các giải đấu sắp tới.

Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương hiện có 476 vận động viên (VĐV) và 44 huấn luyện viên. Đây là nơi đào tạo ra các VĐV chuyên nghiệp để thi đấu các giải trong nước và quốc tế. Rất nhiều VĐV từ đây đã đầu quân cho các đội tuyển quốc gia và thi đấu ở tất cả các đấu trường quốc tế, kể cả Olympic.

So với nhiều tỉnh, thành phố, nguồn lực đầu tư cho thể thao của Hải Dương còn khá khiêm tốn. Song với những gì đã đạt được, có thể thấy thể thao Hải Dương luôn là một thế lực mạnh từ trước đến nay. 


Pencak từng là "mỏ vàng" của thể thao Hải Dương và đang tự tin sẽ đào tạo được một lực lượng mạnh cho mục tiêu dài hạn

Nốt trầm 

Trong năm 2022, các VĐV Hải Dương tham dự 2 giải đấu lớn nhất trong nước và khu vực gồm SEA Games 31 và Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX. Ở SEA Games 31, Hải Dương có 17 VĐV, mang về 11 HCV, 7 huy chương bạc và 5 huy chương đồng.

Thế nhưng ở Đại hội Thể thao toàn quốc, đoàn thể thao thành tích cao Hải Dương chỉ đứng thứ 11, lần đầu tiên trong lịch sử 37 năm của 9 kỳ đại hội bị bật khỏi top 10 tỉnh, thành phố, ngành có thành tích dẫn đầu cả nước. Dự đại hội, đoàn Hải Dương tranh tài ở 19 môn, giành tổng số 68 huy chương, gồm 21 HCV, 19 huy chương bạc và 28 huy chương đồng.

Có lẽ nuối tiếc và thất vọng nhất đối với thể thao Hải Dương là môn bóng bàn tại đại hội. Được đặt chỉ tiêu 2 HCV khi thi đấu trên sân nhà, trong đội hình có nhiều tay vợt xuất sắc, nhất là Nguyễn Đức Tuân, đương kim vô địch đơn nam SEA Games, song đội tuyển không giành được HCV nào. Một số môn thế mạnh của Hải Dương cũng không đạt được số HCV như kỳ vọng như: bắn cung chỉ có 1 HCV của Phạm Trần Hoàng (chỉ tiêu 3 HCV), bắn súng có 1 HCV của Trần Quốc Cường (chỉ tiêu 3 HCV); wushu, karatedo, mỗi môn được giao 1 HCV nhưng không đạt chỉ tiêu.

Xếp thứ 11 trong tổng số 65 tỉnh, thành phố, ngành không phải là một thành tích quá tệ và chỉ kém đoàn xếp trên đúng 1 HCV, song rõ ràng thứ hạng này cho thấy thể thao Hải Dương đang gặp những thách thức rất lớn, nhất là trong bối cảnh các tỉnh, thành phố, ngành đã đầu tư rất mạnh cho thể thao và thu hút được nhiều VĐV giỏi do các chế độ đãi ngộ tốt.

Hầu hết các huấn luyện viên khi được hỏi đều e ngại khi nói về mục tiêu dài hạn của thể thao Hải Dương tại đại hội 4 năm tới, song đều nhấn mạnh cần sự quan tâm đầu tư cho các đội tuyển. Hiện nay, nhiều tỉnh, thành phố và ngành có tiềm lực kinh tế rất mạnh đã không tiếc tiền đưa VĐV đi ăn tập dài hạn ở nước ngoài. Nhiều đội tuyển ở các địa phương thuê huấn luyện viên chất lượng của nước ngoài. Trang thiết bị, trang phục, dụng cụ thi đấu ở nhiều địa phương cũng được đầu tư mạnh mẽ. Vì vậy, thể thao Hải Dương cần tiếp tục được đầu tư nhiều hơn để các VĐV có điều kiện thuận lợi tập luyện và thi đấu. Cần linh hoạt hơn trong vận động xã hội hóa, không thể chỉ trông chờ vào ngân sách như nhiều năm qua.

Điều quan trọng nữa là phải giữ chân được VĐV giỏi, không để "chảy máu" tài năng như đã từng xảy ra. Để làm được điều này, cần có cơ chế đặc thù để đãi ngộ VĐV. Các khoản lương, thưởng cần áp dụng linh hoạt để VĐV coi thể thao là một nghề nuôi sống được bản thân, gia đình, thậm chí làm giàu. Trong số 476 VĐV của tỉnh hiện nay chỉ có số ít người có lương, còn lại chỉ được hưởng tiền ăn, trong khi hầu hết VĐV là con nhà nghèo, không có sự hỗ trợ từ gia đình. Nhiều VĐV phải làm thêm để kiếm sống. Đơn cử như lực sĩ Trần Đình Thắng - người vừa giành 3 HCV, phá 3 kỷ lục đại hội - từng phải kiếm sống bằng nghề giao hàng... Vì vậy, nếu không có chế độ đãi ngộ tốt, khi hết hợp đồng, các VĐV tài năng hoàn toàn có thể đầu quân cho địa phương khác với chế độ lương, thưởng cao hơn gấp nhiều lần hiện tại. Một số VĐV đội tuyển bóng chuyền nữ gần đây đầu quân cho đội tuyển khác và được hưởng mức lương gấp chục lần.

Còn 4 năm nữa Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X mới diễn ra. Thật khó để nói thể thao Hải Dương có thể trở lại top 10 hay không, song ngay từ bây giờ, ngoài những nỗ lực, vất vả của đội ngũ VĐV, huấn luyện viên thì thể thao rất cần những nguồn lực đầu tư mạnh mẽ hơn.

CẨM GIANG

(0) Bình luận
Làm gì để thể thao Hải Dương trở lại top 10?