Zimbabwe: Tiền có mệnh giá đến 100.000 tỷ nhưng dân quyết không dùng

24/03/2023 17:30

Zimbabwe ghi nhận mức lạm phát vào tháng 1.2023 lên tới 230%, buộc người dân tìm mọi cách không dùng nội tệ.


Bảng giá các mặt hàng gia dụng bày bán tại một khu chợ ở Zimbabwe. Giá trị các sản phẩm đều được tính bằng đồng USD - Ảnh: REUTERS.

Vô vàn phương thức mua bán, miễn không phải tiền Zimbabwe

Một buổi chiều đầu năm 2023 ở thủ đô Harare, chị Rutendo Manyowa dùng tờ 5 USD để trả hóa đơn gà rán 3,5 USD của mình. Thay vì thối lại 1,5 USD tiền mặt, nhân viên thu ngân đưa chị Manyowa ba phiếu giảm giá trị giá 50 cent/phiếu của nhà hàng này.

Đây không phải chuyện hiếm gặp ở quốc gia châu Phi này. Bất chấp những nỗ lực của chính phủ, người dân vẫn ưu tiên sử dụng đồng USD (đô la Mỹ) thay vì đồng ZWL (đô la Zimbabwe).

Tuy nhiên, nguồn cung ngoại tệ ở quốc gia này không đủ đáp ứng lượng cầu của nền kinh tế. Không đủ tiền USD, các đơn vị kinh doanh bắt đầu tìm những cách khác để trả tiền thừa cho khách.

"Người dân không tin tưởng chính phủ. Họ đặt niềm tin vào khu vực tư nhân. Nếu tôi nhận phiếu giảm giá của một nhà hàng, tôi tự tin rằng khi tôi quay lại đó vào ngày mai, phiếu giảm giá đó vẫn sẽ được chấp nhận", ông Gift Mugano, nhà kinh tế học sống ở thủ đô Harare, chia sẻ với báo Wall Street Journal.


Phiếu giảm giá được các nhà hàng thuộc chuỗi Simbisa Brands sử dụng thay tiền thừa cho khách. Số tiền ghi trên phiếu được tính bằng đồng USD - Ảnh: WALL STREET JOURNAL

Ngoài trả khách bằng phiếu giảm giá, ghi nợ cũng là phương thức được nhiều cửa hàng nhỏ lựa chọn. Họ viết tên khách hàng và số tiền nợ trong một quyển sổ để trừ vào những lần mua hàng sau này. Khách hàng dùng điện thoại quay lại từng lần mua hàng đề phòng chủ cửa hàng quên.

Nhiều cửa hàng khác lại dùng hàng hóa như cây bút, hộp sữa, lát phô mai… làm tiền thừa. Mặc dù những món đồ này thường không tương xứng với số tiền thừa của khách, họ cũng không còn lựa chọn nào khác.

Với những thương hiệu lớn và có đủ tiềm lực như chuỗi siêu thị Spar, có thể dùng ứng dụng trên điện thoại để trả tiền thừa cho khách hàng.


Sổ tiền nợ khách hàng của một cửa hàng ở thủ đô Harare - Ảnh: WALL STREET JOURNAL

Nỗ lực cứu vớt đồng tiền thất bại

Sự trượt dài của đồng đô la Zimbabwe bắt đầu từ những năm 2000, khi chính quyền cựu tổng thống Robert Mugabe cho in tiền ồ ạt để cứu vãn nền sản xuất nông nghiệp đang tuột dốc không phanh.

Từ đây, lạm pháp ở quốc gia này không ngừng tăng, có thời điểm đạt mốc 79,6 tỷ %. Đồng tiền mất giá đến mức tờ tiền 100.000 tỷ đô la Zimbabwe không đủ để mua một ổ bánh mì. Đến năm 2009, Chính phủ Zimbabwe quyết định từ bỏ đồng tiền nội địa và chuyển sang sử dụng đồng USD.

Nhờ chính sách này, kinh tế tiền tệ Zimbabwe trải qua một giai đoạn ổn định. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm, Ngân hàng dự trữ nhà nước đã không thể đáp ứng nhu cầu đồng USD.

Đầu năm 2019, Ngân hàng trung ương Zimbabwe quyết định tái phát hành đồng đô la Zimbabwe, cho quy đổi mọi khoản tiền gửi ngân hàng từ đồng USD sang đô la Zimbabwe.

Đồng tiền mới lập tức mất giá không phanh. Lạm phát năm 2019 của Zimbabwe đạt 255%, đến năm 2020 tăng vọt lên 557%, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới. Đến tháng 3.2020, Chính phủ Zimbabwe buộc phải cho phép sử dụng ngoại tệ trong giao dịch hằng ngày trở lại.

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Zimbabwe: Tiền có mệnh giá đến 100.000 tỷ nhưng dân quyết không dùng