Trung Quốc hoạch định chiến lược xử lý ‘10 điểm nghẽn kinh tế’

26/10/2021 15:38

Truyền thông nhà nước Trung Quốc mới đây đã cho đăng tải bài bình luận về định hướng, cách thức chính phủ nước này xử lý thách thức kinh tế, từ thiếu hụt điện, cho tới thương mại và siết chặt quy định kiểm soát.

Chú thích ảnh
Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc trong quý 3 năm nay xuống mức 4,9%,giảm mạnh so với mức tăng 18,3% đạt được trong quý 1

Bài viết được công bố chính thức trên trang mạng Tân Hoa xã, sau đó được nhiều tờ báo lớn khác đăng tải lại. Nội dung được chắt lọc từ những nhận định, đánh giá của giới chuyên gia, học giả trong trả lời phỏng vấn Tân Hoa xã. Bài xã luận chỉ ra những định hướng lớn của Chính phủ Trung Quốc trong xử lý 10 thách thức, điểm nghẽn nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt.

Bài viết cũng gợi mở một số đường hướng chính sách của giới lãnh đạo Trung Quốc ngay trước thời điểm diễn ra một số hội nghị quan trọng, nổi bật là Hội nghị Trung ương 6 khóa 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc và Hội nghị kinh tế Trung ương thường niên năm 2021 (CEWC).

Những định hướng này được nêu ra tại thời điểm kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu giảm tốc, khi GDP quý 3 vừa qua chỉ đạt mức tăng khiêm tốn 4,9%, quý tăng thấp nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc và lan rộng trên toàn cầu.

Theo Tân Hoa xã, thúc đẩy đầu tư và tiêu dùng tư nhân sẽ là điểm ưu tiên trong chương trình nghị sự kinh tế mới của Trung Quốc trong điều kiện tăng trưởng chững lại. Tuy nhiên, chính quyền trung ương sẽ không quay trở lại những biện pháp truyền thống về nới lỏng tiền tệ, tăng chi tiêu để kích thích kinh tế.

Chính phủ sẽ giảm mức độ phụ thuộc của nền kinh tế vào bất động sản và vay nợ, kết hợp với biện pháp tăng cường giám sát các lĩnh vực công nghiệp có xu hướng dư thừa sản xuất và phát thải khí nhiên liệu hóa thạch ở mức cao. Trong 10 thách thức đặt ra với kinh tế Trung Quốc có những nguy cơ ngắn hạn, như tình trạng thiếu điện hay khủng hoảng với ông lớn bất động sản Evergrande. Nhưng bên cạnh đó còn có một số vấn đề dài hạn, như đường hướng “thịnh vương chung”.

“Trong bối cảnh môi trường bên ngoài đang có nhiều biến đổi cũng như việc tăng trưởng xuất khẩu có chiều hướng giảm trong thời gian tới, việc cần làm hiện nay là ổn định và mở rộng nhu cầu trong nước. Chi tiêu và đầu tư là hai động lực để tăng tiêu dùng nội địa”, bài viết nêu rõ. Chính phủ sẽ sớm triển khai một loạt giải pháp để thúc đẩy tiêu dùng tư nhân tại các thành phố lớn như Thượng Hải, Trung Quốc, và ngay cả vùng nông thôn.

Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy đầu tư hạ tầng. Yao Jingyuan, chuyên gia nghiên cứu tại Văn phòng Quốc vụ viện hồi tuần trước cho biết đầu tư hạ tầng sẽ đóng vai trò bản lề trong ổn định tăng trưởng quý 4 năm 2021 và cả năm 2022.

Tuy nhiên, giới phân tích lo ngại đà phục hồi tiêu dùng tư nhân, nhất là trong nhóm tầng lớp trung lưu, có thể bị cản trở bởi các đợt bùng phát dịch COVID-19. Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) trong khảo sát đầu tháng này cho biết tỉ lệ người dân có kế hoạch tiết kiệm chi tiêu đã tăng 1,4%, lên mức 50,8% trong giai đoạn từ quý 2 tới quý 3 năm nay. Tỉ lệ người có kế hoạch tăng chi tiêu dùng giảm 1%, xuống còn 24,1% trong cùng kỳ.

Lu Ting, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại tập đoàn Nomura nhận định chính sách “không COVID-19” (zero Covid) mà Trung Quốc theo đuổi cũng làm giảm tốc doanh số bán lẻ. Đợt dịch mới nhất đã lan ra 11 tỉnh, buộc nhiều tỉnh đóng băng hoạt động di chuyển liên tỉnh, tụ tập đông người.

Cùng lúc, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh điều chỉnh chính sách thuế để tăng nguồn thu và cải tổ hệ thống phân phối thu nhập. Tuy nhiên, bước đi này sẽ được thực hiện một cách tuần tự, có chọn lọc, gắn với nỗ lực tổng thể trong mục tiêu dài hạn về “thịnh vượng chung”.

Tác động lan tỏa từ vụ khủng hoảng Evergrande được cho là không lớn, không nghiêm trọng, bởi đây thuộc về “nguy cơ riêng lẻ’.

Trong phần kết luận, bài viết nhận định dù đang phải đối diện với một số thách thức liên quan đến cơ cấu, tính chu kỳ, nhưng Trung Quốc có đủ phương tiện và năng lực để duy trì phục hồi, giữ vững trọng tâm chiến lược chính và củng cố đà tăng trưởng. “Dưới sức ép, tự tin là điều quý hơn vàng ròng”, bài viết nhận định.

Theo Báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trung Quốc hoạch định chiến lược xử lý ‘10 điểm nghẽn kinh tế’