Lửa cháy rực trong lò và những lời hối hận của quan chức

03/01/2022 08:35

Những cái tên từng nổi như cồn bị réo gọi chốn công đường. Những lời hối hận, những giọt nước mắt cay đắng tuôn rơi đều là quá muộn cho những sai phạm, lỗi lầm đã gây ra.

Những ngày cuối cùng của năm 2021, Tòa án Nhân dân (TAND) TP Hà Nội và TAND TP Hồ Chí Minh liên tiếp đưa các cựu lãnh đạo Hà Nội và TP Hồ Chí Minh ra xét xử.

Chiều 13.12.2021, TAND TP Hà Nội tuyên phạt cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung mức án 8 năm tù vì tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Theo nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX), được sự hậu thuẫn, "bật đèn xanh" của bị cáo Nguyễn Đức Chung, Công ty Arktic đã độc quyền nhập chế phẩm Redoxy- 3C về Việt Nam.

Ông Chung chỉ đạo bị cáo Võ Tiến Hùng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội) mua chế phẩm này qua Công ty Arktic với động cơ không trong sáng, vi phạm các nguyên tắc, quy định của pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát cho nhà nước hơn 36 tỷ đồng.

Ngày cuối cùng của năm 2021, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội tiếp tục nhận thêm 3 năm tù.

Bản án sơ thẩm cho rằng, lợi dụng việc đang giữ chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Chung đã 3 lần gọi điện cho Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016, trái quy định.

Lửa cháy rực trong lò và những lời hối hận của quan chức
Bị cáo Nguyễn Đức Chung 

Sau đó, ông Chung yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phải lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp bảo đảm tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố; chỉ đạo sở trao đổi, làm việc với Công ty Nhật Cường Software để thực hiện thí điểm số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp, trước khi tiếp tục thực hiện gói thầu số hóa năm 2016...

Hành vi của bị cáo đã phạm vào tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cũng trong tháng 12.2021, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt cựu Phó Chủ tịch TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến 6 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

HĐXX cho rằng, ông Trần Vĩnh Tuyến với vai trò là Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, biết rõ dự án khu nhà ở tại khu phố 4, phường Phước Long B, quận 9 (TP Hồ Chí Minh) phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, phải tiến hành thẩm định giá, xác định giá trị chuyển nhượng theo thị trường và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Lửa cháy rực trong lò và những lời hối hận của quan chức
Cựu Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Trần Vĩnh Tuyến 

Bị cáo biết rõ SAGRI chưa xây dựng đề án tái cơ cấu doanh nghiệp và thoái vốn trình UBND thành phố phê duyệt; chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung liên quan đến quyền sử dụng đất; biết rõ SAGRI xin chuyển nhượng bất động sản nêu trên là chuyển nhượng phần góp vốn ra bên ngoài doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước...

Dù vậy, ông Tuyến vẫn ký quyết định chấp thuận cho SAGRI chuyển nhượng sang Tổng Công ty Phong Phú trái quy định của pháp luật.

Sáng 27.12.2021, TAND TP Hồ Chí Minh mở phiên xét xử đối với cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang và 19 đồng phạm.

Ông Tất Thành Cang và các đồng phạm bị xét xử về các tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và tham ô tài sản do liên quan đến sai phạm xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp Tân Thuận (gọi tắt là IPC, 100% vốn nhà nước), Công ty Sadeco (công ty con của IPC).

Ông Tất Thành Cang

Theo truy tố, ông Tất Thành Cang đã có bút phê đồng ý phát hành 9 triệu cổ phiếu của Sadeco cho cho Công ty Nguyễn Kim, bỏ qua đấu giá giá trị cổ phần. Từ bút phê này của ông Cang đã khiến Sadeco thất thoát 1.103 tỷ đồng.

Vụ án vẫn đang trong tiến trình xét xử và chắc chắn cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang sẽ phải đối diện với những sai phạm đã gây ra.

Những vụ án nóng

Trong năm 2021, không chỉ các cựu lãnh đạo của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh phải ra hầu tòa, hàng loạt các vụ án gây chú ý khác cũng đã được đưa ra xét xử.

Ngày 29.4.2021, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Vũ Huy Hoàng (cựu Bộ trưởng Công Thương) 11 năm tù vì tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng 

Bản án sơ thẩm cho rằng, các bị cáo trong vụ án đều là những người giữ vị trí lãnh đạo đầu ngành, cán bộ chủ chốt của Bộ Công thương và UBND TP Hồ Chí Minh; có trình độ chuyên môn và hiểu biết trong lĩnh vực công tác nhưng đã thực hiện hành vi phạm tội trong thời gian dài, chuyển dịch quyền quản lý, sử dụng khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP Hồ Chí Minh) là tài sản Nhà nước sang tài sản tư nhân, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước số tiền hơn 2.713 tỷ đồng.

Ngày 6.12.2021, hai đời Phó Tổng Giám đốc VEC là Nguyễn Mạnh Hùng và Lê Quang Hào lần lượt nhận 7 và 6 năm tù giam.

Theo HĐXX, ông Hùng và Hào trong quá trình tổ chức thi công dự án cao tốc Đà Nẵng đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, không có giải pháp kiểm tra chất lượng công trình, dẫn đến công trình chất lượng không bảo đảm.

Dù vậy, hai bị cáo vẫn ký các biên bản nghiệm thu công trình. Thực tế công trình dự án không bảo đảm chất lượng. Hành vi của hai ông và đồng phạm gây thiệt hại và phải chịu trách nhiệm với số tiền hơn 422 tỷ đồng.

Chiều 24.12.2021, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Dương Văn Hòa (cựu Hiệu trưởng Trường Đại học Đông Đô) 12 năm tù giam vì tội giả mạo trong công tác.

Bị cáo Dương Văn Hòa

Trong vụ án này, người cầm đầu là ông Trần Khắc Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị) đang bỏ trốn, nhưng hiệu trưởng, hiệu phó và nhiều cán bộ nhà trường đã phải nhận án tù vì đồng phạm với ông Hùng.

Theo bản án sơ thẩm, quá trình tuyển sinh, đào tạo của Trường Đại học Đông Đô, ông Hùng thấy một số cá nhân có nhu cầu lấy văn bằng 2 ngôn ngữ Anh để sử dụng làm nghiên cứu sinh, học thạc sĩ, thi tuyển công chức, thi nâng ngạch...

Vì vụ lợi, ông Hùng đã chỉ đạo Ban Giám hiệu, Viện Đào tạo liên tục, Viện 4.0, Phòng Đào tạo và quản lý sinh viên, Phòng Tài vụ làm, cấp văn bằng 2 giả của hệ chính quy ngành ngôn ngữ Anh cho những người có nhu cầu.

Từ ngày 4.2018- 3.2019, Trần Khắc Hùng và đồng phạm đã làm, cấp bằng, giấy chứng nhận giả cho 431 trường hợp, thu lợi bất chính số tiền hơn 7,1 tỷ đồng.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Lửa cháy rực trong lò và những lời hối hận của quan chức