Bỏ nơi trả lương cao về quê làm giàu

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 21:10, 10/03/2022

Hơn 8 năm làm trong doanh nghiệp với thu nhập gần 20 triệu đồng/tháng, nữ thanh niên quê Gia Lộc quyết định khởi nghiệp tại quê nhà, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.

Cơ sở may của chị Nguyễn Thu Hương (người đứng) ở xã Đoàn Thượng (Gia Lộc) đang tạo việc làm cho hàng chục thanh niên địa phương

Năm 2010, sau khi tốt nghiệp một trường đại học ở Nha Trang, chị Nguyễn Thu Hương (35 tuổi, ở xã Đoàn Thượng, Gia Lộc) trở về Hải Dương xin vào làm nhân viên văn phòng Công ty TNHH May xuất khẩu SSV. Từ đó, chị đã tìm thấy niềm đam mê với lĩnh vực may mặc. Chị chuyển sang một số doanh nghiệp may khác, đều làm ở vị trí quản lý, tích cực học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm. Do làm việc tại nhiều bộ phận, tiếp xúc với nhiều khách hàng cộng với niềm đam mê nên chị nhanh chóng có mối làm ăn riêng.

Trong quá trình làm việc, chị thấy nhiều thanh niên ở quê đều phải đi làm xa nhà nên đã có ý tưởng mở cơ sở may tại quê để thu hút lao động địa phương vào làm việc.

Chị Hương cho biết: "Tôi từng làm quản lý tại một công ty may với mức lương gần 20 triệu đồng/tháng. Nhưng để thỏa mãn đam mê, tôi cùng chồng bàn bạc và quyết định mở xưởng may tại quê để tạo việc làm cho lao động địa phương"

Nghĩ là làm, đầu năm 2019, chị thành lập xưởng may tại xã Đoàn Thượng. Xưởng may lúc đầu chỉ có 5 công nhân với những đơn hàng nhỏ lẻ. Đến nay, chị đã xây dựng được 2 xưởng may với khoảng 40 lao động, trong đó phần lớn là thanh niên địa phương với mức thu nhập ổn định từ 5-8 triệu đồng/người/tháng. Nhiều thanh niên có thu nhập cao hơn nếu tay nghề tốt.

Cơ sở của chị chuyên may quần áo theo đơn đặt hàng, xuất đi Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan và một số nước châu Âu. Mỗi năm doanh thu của cơ sở đạt khoảng 3,5 tỷ đồng. Chị đang mở rộng thêm một khu vực sản xuất rộng khoảng 300 m2, dự kiến tạo việc làm cho khoảng 20 lao động.

Chị Hương cho biết lúc đầu sản xuất, kinh doanh cũng gặp không ít khó khăn, nhất là vốn đầu tư. Nhưng để duy trì sản xuất và theo đuổi đam mê, chị đã vay mượn thêm người thân, ngân hàng. 2năm gần đây, cơ sở của chị bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch Covid-19 nên cũng có lúc thấy nản, nhưng nghĩ đến người lao động, chị lại gồng mình cố gắng. Chị chia sẻ: "Phương châm hàng đầu của chúng tôi là chú trọng đến chất lượng và tiến độ vì là sản phẩm xuất khẩu. Được các bạn hàng tin tưởng nên cơ sở vẫn duy trì đủ việc làm cho người lao động. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn thực hiện quy định phòng chống dịch nên chúng tôi vẫn duy trì sản xuất trong thời gian cách ly xã hội cũng như thời điểm hiện tại".

Anh Vũ Văn Đĩnh, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Đoàn Thượng cho biết ngoài việc năng động phát triển kinh tế, chị Hương còn tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, nhất là ủng hộ công tác phòng chống dịch Covid-19 và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Cơ sở may của chị đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho nhiều thanh niên và lao động lớn tuổi ở đây. "Với sự kiên trì, quyết tâm, chị Hương đã thành công bước đầu trong quá trình phát triển kinh tế. Qua đó, khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của thế hệ trẻ hôm nay", anh Đĩnh nói. 

THẾ ANH