Bí ẩn xứ Đông qua những hiện vật từ lòng đất

Xem - Nghe - Đọc - Ngày đăng : 09:00, 18/03/2023

Cuốn sách “Kỷ yếu khảo cổ học Hải Dương thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI” là nguồn tư liệu quý với những nhà nghiên cứu, người yêu thích lịch sử .


Sách “Kỷ yếu khảo cổ học Hải Dương thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI” đang lưu trữ tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương

Qua các cuộc nghiên cứu, khai quật tại Hải Dương, các nhà khoa học đã phát hiện hàng nghìn cổ vật có giá trị thuộc mọi loại hình, chất liệu. Để ghi nhận những kết quả của công tác khảo cổ học, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành cuốn sách “Kỷ yếu khảo cổ học Hải Dương thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI”.

Cuốn sách là tập hợp bài viết nghiên cứu khảo cổ của các nhà quản lý, nhà khoa học chuyên ngành trung ương và địa phương về Hải Dương trong hơn 1 thế kỷ. Các bài viết này được lưu giữ tại Viện Khảo cổ học Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Hải Dương. Hơn 1 thế kỷ qua, các nhà khoa học ở Trung ương và địa phương đã thực hiện trên 70 cuộc phát hiện, khai quật tại 50 địa điểm. 

Theo cuốn sách, khảo cổ học ở Việt Nam thực sự ra đời ở thế kỷ XIX do các nhà khảo cổ học phương Tây thực hiện. Năm 1942, khi dự kiến làm sân bay quân sự tại TP Hải Dương, các nhà khảo cổ học Pháp đã khai quật mộ tướng quân Đinh Văn Tả. Đến thế kỷ XX, nhiều cuộc điền dã, khai quật khảo cổ học đã được các nhà khoa học trong nước tiến hành ở nhiều địa phương, trong đó có Hải Dương. 

Cầm cuốn sách trên tay, người đọc như được tham gia chuyến du hành từ thời tiền sử qua các triều đại lịch sử, đến thời cận, hiện đại. Hải Dương vốn có địa hình khá đa dạng, phần lớn diện tích là đồng bằng, đất đai trù phú, sông ngòi dày đặc, khí hậu 4 mùa tương đối rõ rệt, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Từ những năm 60 của thể kỷ XX, Ty Văn hóa Hải Dương (cũ) đã quan tâm khảo sát, nghiên cứu các hang động ở thị xã Kinh Môn, đến năm 1967 hoàn thành kiểm kê bước đầu. Năm 1992, Bảo tàng tỉnh nghiên cứu các di tích hang động, phát hiện nhiều mộ cổ. Năm 1994, đơn vị phát hiện một số công cụ đá và đồng thuộc văn hoá Hạ Long và Đông Sơn tại khu vực này, tiến hành sao dịch 42 bia ma nhai tại động Kính Chủ… Vì thế, các nhà khoa học đã phát hiện hệ thống mộ cổ tại Hải Dương ở thời đại kim khí, thời kỳ Bắc thuộc, thời đại phong kiến ở TP Chí Linh, thị xã Kinh Môn, các huyện Bình Giang, Nam Sách…; kiến trúc cổ ở các khu di tích Côn Sơn, đền Phượng Hoàng, chùa Thanh Mai (TP Chí Linh), chùa Bảo Đới, Quang Minh (Gia Lộc), đền thờ Khúc Thừa Dụ (Ninh Giang)…

Với truyền thống hiếu học, Hải Dương có số lượng tiến sĩ đứng đầu cả nước, chưa kể hàng nghìn cử nhân, tú tài, vì vậy số lượng di sản Hán Nôm để lại rất phong phú. Đến nay, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, đăng ký, phân loại được trên 4.500 văn bản Hán Nôm có giá trị. Có 1.500 văn bia có niên đại từ thế kỷ XIV đến đầu thế kỷ XX, trong đó nhiều văn bia có giá trị như Thanh Mai Viên Thông tháp bi, Thanh Hư động, Sùng Thiên tự, Chí Linh bát cổ…

Cuốn sách là nguồn tư liệu quý với những nhà nghiên cứu, người yêu thích lịch sử, khơi dậy niềm hứng thú với khoa học khảo cổ, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, qua đó nâng cao ý thức bảo tồn, tôn tạo, phát huy tác dụng di sản văn hóa tại địa phương. 

Cuốn sách hiện được lưu trữ tại Thư viện tỉnh Hải Dương.

BÌNH AN