Thanh Hà phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung

25/08/2021 18:09

Phát huy lợi thế được bao bọc bởi các dòng sông, đất đai phù sa màu mỡ, rất thuận lợi trồng cây ăn quả, cây lâu năm, nhiều năm qua, huyện Thanh Hà đã quy hoạch sản xuất nông nghiệp tập trung, tạo thế mạnh cho từng nông sản.

Quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung là hướng đi đúng của huyện Thanh Hà


Đi đúng hướng

Trước đây, vùng đất Thanh Hà trũng nên gieo cấy lúa kém hiệu quả. Người dân làm nông nghiệp manh mún, thu nhập bấp bênh, kinh tế của huyện nhiều năm trì trệ so với những nơi khác.

Xác định được lợi thế của vùng đất ven sông, phù sa màu mỡ, huyện Thanh Hà đã tập trung cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Địa phương đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phát triển các vùng sản xuất tập trung, phát triển lợi thế của từng vùng theo hướng an toàn.

Giai đoạn 2016-2020, huyện đã tập trung thực hiện Đề án "Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững", khuyến khích nông dân phát triển mô hình tích tụ ruộng đất dưới các hình thức hợp tác. Tổ chức sản xuất, liên doanh, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Nông dân góp vốn bằng đất đai, cho thuê đất theo quy định của pháp luật để đưa cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất hàng hóa tập trung. Xây dựng mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp sạch gắn với du lịch sinh thái. Nâng cao vai trò của HTX và xã viên trong sản xuất, liên kết tiêu thụ gắn với hoàn thiện chương trình xây dựng nông thôn mới theo hướng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Mở rộng diện tích trồng cây ăn quả theo quy trình VietGAP, GlobalGAP và chuyển đổi diện tích vải kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Huyện cũng khuyến khích nông dân từng vùng xây dựng, phát huy tiêu chuẩn, thương hiệu, nhãn hiệu các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao giá trị nông sản. Đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại...

Ông Nguyễn Ngọc Tấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Hồng cho biết trước đây nông dân trong xã cũng trồng nhiều vải nhưng sau đó chuyển dần sang trồng bưởi đào do có  giá trị kinh tế cao hơn. Tuy nhiên không thể để người dân sản xuất ồ ạt, manh mún, huyện và xã đã tích cực tuyên truyền, quy hoạch vùng sản xuất tập trung tại thôn Lập Lễ. "Việc quy hoạch vùng tập trung giúp nông dân sản xuất đồng bộ, tiêu thụ thuận lợi hơn", ông Tấn nói.

Hái quả ngọt

Nhờ định hướng đúng, phù hợp với tình hình sản xuất nên đời sống người dân Thanh Hà ngày càng được nâng cao, kinh tế-xã hội phát triển. Chuyển biến rõ rệt nhất là huyện đã hình thành các vùng sản xuất lúa, trồng cây ăn quả tập trung với diện tích lớn, cho giá trị thu nhập cao và ổn định. Đây cũng là động lực mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới tại Thanh Hà.

Hầu hết nông sản được thu mua tại ruộng và hình thành chuỗi sản xuất, tiêu thụ thuận lợi. Điển hình nhất là quả vải thiều Thanh Hà, nhiều năm gần đây đã xuất khẩu thuận lợi sang các thị trường châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc... Các cấp, các ngành đều chung tay tìm đầu ra, xúc tiến thương mại cho quả vải, nhờ đó giá trị loại quả này ngày càng được nâng cao. Quả ổi cũng bước đầu được xuất khẩu và chế biến thành nước ép. Đây là một trong những hướng đi tiềm năng của quả ổi Thanh Hà.

Đến nay, toàn huyện có 29 vùng gieo cấy lúa tập trung "một vùng, một giống, một thời gian" với diện tích gần 500 ha. Cây vải được trồng tập trung với tổng diện tích 3.328 ha ở các xã khu Hà Nam, Hà Đông; 66 vùng trồng ổi ở khu Hà Bắc và các xã Thanh Xuân, An Phượng; 19 vùng trồng chuối ở các xã Thanh Khê, Tân An, Vĩnh Lập...; 3 vùng trồng bưởi ở xã Thanh Hồng và phát triển rươi, cáy ở xã Vĩnh Lập.

Sau khi triển khai Đề án "Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Hải Dương giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030” của tỉnh, huyện Thanh Hà đã có 9 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về sản phẩm OCOP. Đa số nông sản được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, có thương hiệu và tạo dấu ấn trên thị trường.

Ông Phạm Huy Mơ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thanh Hà cho biết Thanh Hà dần trở thành vùng quê trù phú, nổi tiếng nhất tỉnh với nhiều loại cây ăn quả đặc sản hiếm nơi nào có được. Địa phương sẽ có phương án khoanh vùng, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao theo chỉ đạo của tỉnh.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Thanh Hà phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung