Làng giò chả tấp nập những ngày áp Tết

30/01/2022 09:39

Vào dịp Tết Nguyên đán, các làng làm giò chả ở Hải Dương lại tất bật làm ngày, làm đêm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.


Gia đình bà Bùi Thị Tuyết ở thị trấn Gia Lộc phải thuê thêm người làm giò để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong những ngày áp Tết

Gần chục ngày nay, cứ khoảng 1 giờ đêm là gia đình bà Bùi Thị Tuyết ở phố Nguyễn Văn Trang, thị trấn Gia Lộc thức dậy để làm giò chả. Người xẻ thịt, người chuẩn bị máy xay, bếp, nồi để luộc giò, rán chả. Sau khi giao xong hàng cho khách, bà Tuyết lại quay lại làm giò xào, gói bánh chưng… Đến 9-10 giờ đêm, gia đình bà mới tạm dừng công việc để nghỉ ngơi.


Khách từ nhiều nơi tìm đến mua giò trâu tại cửa hàng của bà Nguyễn Thị Huệ ở thôn Vé, xã Đồng Tâm (Ninh Giang)

Cùng với nhiều gia đình khác, nhà bà Tuyết có truyền thống làm giò chả lâu đời ở thị trấn Gia Lộc. Mỗi gia đình có một bí quyết riêng để thu hút khách hàng. Với bà Tuyết, muốn giò chả ngon thì phải chọn được con lợn ngon. Thịt phải đỏ, dẻo và làm ngay sau khi lợn được xẻ thịt, thậm chí khi cho vào xay miếng thịt lợn vẫn còn ấm. Mỗi cân giò phải thêm một chút thịt mỡ cho mềm, nếu không sẽ bị khô. Trong quá trình luộc cũng phải chú ý lửa không quá to nhưng không được quá nhỏ, nước trong nồi lúc nào cũng phải ngập giò.

Công thức làm chả cũng không khác là mấy. Khi rán phải ngập dầu mỡ, lửa không được quá to nếu không miếng chả sẽ bị cháy. Miếng chả ngon phải có màu vàng sẫm, đều màu, mùi vị thơm ngậy…

Nức tiếng ở thị trấn Gia Lộc nên mỗi ngày gia đình bà Tuyết cung cấp từ 3-4 tạ giò, chả ra thị trường. Không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, trong nước, nhiều người còn mua giò, chả của nhà bà để gửi cho người thân ở nước ngoài. Để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, cứ vào dịp Tết gia đình bà Tuyết lại thuê thêm 5-7 người làm.

Dọc quốc lộ 37, đoạn qua thôn Vé, xã Đồng Tâm (Ninh Giang) những ngày này cũng khá đông vui, tấp nập bởi nhiều khách hàng đến mua giò trâu, giò bò. Theo ông Đỗ Mạnh Bằng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Vé, trong thôn có khoảng 15 cơ sở sản xuất, kinh doanh giò. Những ngày gần Tết, các hộ dân cung cấp ra thị trường từ 2-3 tấn giò các loại, gấp 4-5 lần so với ngày bình thường.


Người dân Tống Xá, phường Thái Thịnh (Kinh Môn) dùng máy xay giò

Vừa đóng hàng cho khách, bà Nguyễn Thị Huệ ở thôn Vé cho biết mỗi ngày gia đình bà bán khoảng 3 tạ giò, gấp 5 lần so với ngày thường. Bí quyết để làm giò ngon, không bị gây là phải chọn được con trâu ăn cỏ, được thả đi lại tự nhiên, không bị nhốt trong chuồng. Trong quá trình xay giò, bà Huệ cũng cho nhiều loại nguyên liệu khác nhau để tạo ra được mùi vị thơm ngon, hấp dẫn. “Năm nào cũng vậy, khách từ các tỉnh lân cận như Hưng Yên, Hải Phòng, Thái Bình đều gọi đặt vài ba chục cân. Có người tôi gửi xe song cũng có người sang tận nơi để lấy’’, bà Huệ nói.


Giò sau khi vớt ra, được treo lên để ráo nước

Những ngày này, làng giò chả Tống Xá, phường Thái Thịnh (Kinh Môn) rộn ràng tiếng máy xay thịt để kịp giao hàng cho khách. Là nghề truyền thống, chế biến giò chả được người dân Tống Xá làm quanh năm nhưng nhộn nhịp hơn cả vẫn là vào những ngày áp Tết. Không chỉ giao hàng trong thị xã, trong tỉnh mà giò chả Tống Xá được vận chuyển cả đi Quảng Ninh, Hải Phòng tiêu thụ. “Những ngày áp Tết, cả làng sôi động hơn hẳn bởi xe cộ ra vào giao nhận hàng. Cả khu dân cư làm khoảng 3-4 tấn giò chả để giao cho khách. Các gia đình hầu hết đều có mối quen nên đều làm theo đơn đặt từ trước. Từ lâu nghề làm giò chả đã mang lại thu nhập khá cho người dân’’, ông Phạm Bá Tuyến, Chủ tịch UBND phường Thái Thịnh cho biết.

Trong mâm cơm ngày Tết, giò chả là món ăn truyền thống. Không chỉ dùng trong gia đình mà nhiều người còn mua để làm quà, đi biếu nên nhu cầu tiêu thụ tăng khá cao. Chính vì thế, người dân ở các làng nghề rất phấn khởi khi Tết đến, xuân về. Mặc dù vất vả nhưng ai cũng cố gắng để có cái Tết ấm áp hơn.

NGỌC THỦY

(0) Bình luận
Làng giò chả tấp nập những ngày áp Tết