Vải thiều - món quà quý từ quê hương

13/06/2021 06:03

Bên cạnh thị trường xuất khẩu và tiêu dùng thông thường, lâu nay người dân Thanh Hà còn cung cấp quả vải thiều đến những khách hàng "ruột" đặt mua để làm quà biếu người thân, bạn bè phương xa.


Lô vải tươi vừa hái được gia đình ông Đinh Ngọc Thanh, xã Thanh Sơn mang giao cho khách hàng đã đặt từ trước

Thu hút khách lẻ

Nổi tiếng là nơi có cây vải tổ nên từ lâu vải thiều ở xã Thanh Sơn (Thanh Hà) đã khẳng định chất lượng trong lòng du khách gần xa. Vải thiều ở đây thơm, ngọt, vỏ mỏng, cùi dầy, hạt nhỏ... nên thu hút nhiều khách thập phương đặt mua.

Vào vụ, gia đình ông Đinh Ngọc Thanh ở xã Thanh Sơn phải dậy sớm thu hoạch vải, nhưng chưa kịp bán cho thương lái thì đã có người đến mua hết tại vườn. Những sọt vải tươi roi rói, hồng tía của gia đình ông Thanh được ông Hoàng Văn Triều ở xã Thanh Hải mua cho người nhà ở Hà Nội. Mọi năm không có dịch Covid-19, em trai ông về tận vườn mua vải nhưng năm nay đi lại không thuận lợi nên tiện có việc lên Hà Nội ông Triều mua 50 kg vải thiều ngon mang lên cho em.

Phải đến 5 năm nay, chị Nguyễn Thị Huyền ở xã Thanh Lang đều đặt mua hàng tạ vải thiều ở đây để gửi làm quà cho anh chị em ở miền Nam và ở nước ngoài. Năm nay cũng vậy, dù gửi quà cho người thân không dễ vì dịch Covid-19 nhưng chị vẫn tìm mọi cách để những quả vải thơm ngon đến được tay anh chị em mình. "Vải là đặc sản quê mình. Ở nhà không thiếu nhưng anh em ở xa không có mà ăn, đi mua thì đắt đỏ. Tôi mới mua hơn 1 tạ vải đóng thành thùng lớn gửi cho các anh em, cũng là chuyển một chút hương vị quê nhà cho mọi người thưởng thức", chị Huyền nói. Những khách hàng này thường đặt vải ngay từ đầu mùa và khi được thu hoạch họ đến tận vườn để bẻ cùng chủ vườn cho "thật hàng".

Ở các xã Thanh Khê, Thanh Thủy, Thanh Xá cũng có những vườn vải thiều được khách đặt trước như vậy. Tuy lượng khách hàng lẻ không nhiều nhưng ở những vườn vải này không bao giờ có chuyện ế hàng hoặc giá thấp. Bởi bên cạnh việc áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, GlobalGAP, người trồng vải rất quan tâm đến mẫu mã và tạo dựng thương hiệu cho chính gia đình mình để năm sau khách hàng tiếp tục đến mua. Tuy là khách lẻ nhưng chính họ đã tạo động lực cho nông dân tiếp tục nâng cao ý thức trong sản xuất.


Dù ảnh hưởng do dịch bệnh nhưng việc tiêu thụ vải thiều vẫn thuận lợi

Chất lượng vượt bậc

Ở những vườn vải đặc biệt này không có chuyện vải xấu, sâu đầu. Nhiều khi quả vải còn đẹp, chất lượng cao hơn cả vùng vải xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Cường ở xã Thanh Thủy đã áp dụng quy trình VietGAP, GlobalGAP vào sản xuất, cẩn thận từng khâu chăm sóc. Năm nay, trong khoảng 4 tấn vải nhà ông thu được thì có khoảng 1tấn đã được đặt hàng từ trước để làm quà biếu, còn lại đã có công ty thu mua hết.

Vốn là người trồng vải có kinh nghiệm nên khu vườn của gia đình ông năm nào cũng thu hút nhiều người đến tham quan, học tập. Cũng nhờ cái duyên ấy mà ngay khi vải bắt đầu báo mã 1 đã có nhiều bạn bè gọi điện về đặt mua vì họ yên tâm khi vải của gia đình ông đã được kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Cường nói: "Cứ đến mùa là rất nhiều người đặt mua vải thiều làm quà. Vải thiều đã được coi là món quà quý để người dân xứ Đông mang đi biếu. Vì thế gia đình tôi luôn cố gắng để có những quả vải ngon, xứng đáng với niềm tin của khách hàng". Cứ đến mùa thu hoạch, ai nhanh chân đến những vườn vải này thì còn có để mua, chậm là hết. Vì vải ở đây không phải mang ra chợ hoặc bán cho thương lái.

Với việc được chọn làm quà biếu, vải thiều Thanh Hà đã có thêm một hướng tiêu thụ mới. Theo ông Phạm Huy Mơ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, so với những nơi khác, vải thiều Thanh Hà có vị ngon đặc biệt, là món quà thượng hạng để mang cho, biếu. Tính đến thời điểm này, vải vẫn được tiêu thụ thuận lợi dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Riêng vải để làm quà biếu, đặt trước đã được thu mua. Năm nay người dân đã chủ động hơn trong việc tìm đầu ra cho quả vải bằng cách sử dụng mạng xã hội để quảng bá hình ảnh quả vải thiều Thanh Hà, cam kết bảo đảm chất lượng. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ vải trên các sàn thương mại điện tử cũng giúp cho quả vải được biết đến nhiều hơn. Vì thế khách hàng các nơi có thể tìm hiểu, liên lạc trực tiếp với chủ vườn để mua vải. Ông Phạm Huy Mơ cho biết đây là phân khúc hàng cao cấp, người bán phải lựa chọn từng quả một để bán cho khách hàng. Vì thế nông dân đã biết quan tâm hơn đến mẫu mã, bao bì, tem nhãn để khẳng định thương hiệu. Với phân khúc này, chính quyền và nông dân cần tiếp tục quan tâm, quảng bá để duy trì và mở rộng hơn.

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Vải thiều - món quà quý từ quê hương