Tại sao cần cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng?

11/05/2023 09:12

Hiện nay, Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá không quy định về các sản phẩm “thuốc lá điện tử”, “thuốc lá nung nóng”, vì vậy các sản phẩm này chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành hợp pháp tại Việt Nam.

Trong ba năm trở lại đây, số người sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở Việt Nam. Trong ảnh tư liệu: Một số thanh thiếu niên ở Hải Dương hút thuốc lá điện tử

Theo kết luận của các nhà khoa học Mỹ (công trình nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y khoa New England), những người thường xuyên sử dụng thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc các bệnh ung thư cao gấp 15 lần so với những người hút các loại thuốc lá thông thường. Còn WHO đưa ra khuyến cáo, thuốc lá điện tử nguy hại hơn thuốc lá truyền thống. 

Hiện nay, trên thị trường ngoài thuốc lá truyền thống đang tồn tại hai loại thuốc lá thế hệ mới. Đó là thuốc lá điện tử (Electronic Nicotine Delivery - ENDs) và thuốc lá nung nóng (Heated Tobacco Product - HTPs). Hai loại thuốc mới này đang được quảng bá là ít gây độc hại, thậm chí không độc hại. Vậy bản chất thuốc lá thế hệ mới là gì?

Thuốc lá điện tử là thiết bị sử dụng pin làm nóng dung dịch điện tử (e-liquid) để tạo ra sol khí/khói cho người dùng hít vào, chứa chất tạo mùi, hòa tan trong Propylene Glycol hoặc/và Glycerin. Thành phần chính của dung dịch điện tử, bên cạnh nicotin, còn có propylene glycol và các chất tạo hương vị.

Có ít nhất 60 hợp chất hóa học đã được tìm thấy trong dung dịch thuốc lá điện tử (còn gọi là tinh dầu) và nhiều hợp chất khác có trong sol khí/khói tạo ra từ thuốc lá điện tử. Nicotine là một chất gây nghiện cao, gây tăng nhịp tim, co thắt mạch máu ở tim, tăng mạch và huyết áp. Nicotin còn ảnh hưởng đến sự phát triển và di căn của khối u và có khả năng thúc đẩy, hình thành các khối u.

Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử còn có glycerin, propylene glycol. Propylene glycol có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi. Glycerin khi được đun nóng và hóa hơi tạo thành acrolein, gây kích ứng đường hô hấp trên…

Thuốc lá nung nóng là sản phẩm sử dụng thiết bị điện tử để nung nóng điếu thuốc đến nhiệt độ đủ để tạo ra sol khí có thể hít vào, có chứa nicotin - chất gây nghiện cao và các hóa chất khác, các chất phụ gia không phải thuốc lá và thường có nhiều hương vị.

Tổ chức Y tế thế giới đã có khuyến cáo: thuốc lá làm nóng tạo ra chất khí độc hại, có nhiều chất độc giống như trong khói thuốc lá điếu thông thường. Dù được nung ở nhiệt độ thấp hơn, nhưng vẫn tạo ra những hóa chất tương tự như trong khói thuốc lá như: Acrolein (chất gây kích ứng đường hô hấp mạnh), glycidol, formaldehyde và acetaldehyde (chất gây ung thư), carbon monoxide, hydrocarbon thơm đa vòng và các kim loại (nhôm, titan, stronti, molypden, thiếc và antimon).

Như đã phân tích cho thấy thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đều có chứa các thành phần hóa chất rất độc hại cho sức khoẻ, nhiều hóa chất tương tự như thuốc lá truyền thống, nhiều hóa chất khác với thuốc lá truyền thống.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, các sản phẩm thuốc lá truyền thống hay thế hệ mới đều độc hại đối với sức khỏe và cho đến nay, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác hại của các loại thuốc lá thế hệ mới mà chúng ta đã phân tích ở trên.

Đặc biệt, về mặt xã hội, thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng với hình thức bắt mắt, nhiều hương vị tạo sự hấp dẫn, có xu hướng nhắm tới đối tượng là giới trẻ với nhiều hình thức tiếp cận bán hàng qua mạng xã hội, internet, qua app điện thoại… là những hình thức mà giới trẻ thường sử dụng sẽ làm ảnh hưởng xấu đến thế hệ tương lai với những nguy hại về sức khỏe khi sử dụng; đồng thời tiềm ẩn nguy cơ sử dụng các chất gây nghiện khác như ma tuý, rượu bia… gây những tác động nghiêm trọng hơn rất nhiều so với thuốc lá truyền thống.

Tại Việt Nam, thuốc lá điện tử chưa được phép lưu hành, song sản phẩm này có thể mua online dễ dàng, thậm chí học sinh cấp 2 cũng có thể tiếp cận và sử dụng. Vừa qua đã xảy ra vụ học sinh ngộ độc, nhập viện cấp cứu sau khi hút thuốc lá điện tử, trong đó, có mẫu thuốc lá điện tử của bệnh nhân phát hiện có chứa ma túy, cần sa tổng hợp.

Trong ba năm trở lại đây, số người sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng ở Việt Nam. Theo kết quả nghiên cứu về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội do Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế) thực hiện năm 2020, tỷ lệ học sinh hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở các lớp từ 8-12 là 8,35%, ở học sinh lớp 10-12 là 12,6%. Cũng theo kết quả khảo sát này, năm 2015, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở 34 tỉnh, thành phố chỉ khoảng 0,2%, nhưng đến năm 2020, đã tăng 18 lần lên khoảng 3,6%.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất cấm sản phẩm này tại Việt Nam, đồng thời, xử lý hình sự các đối tượng vi phạm.

PHƯƠNG PHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tại sao cần cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng?