Cảnh giác dịch cúm gia cầm

12/03/2023 09:30

Tại Việt Nam, dịch cúm gia cầm không đến mức khủng hoảng như một số quốc gia khác nhưng vẫn diễn biến âm ỉ.

Theo dõi các chương trình thời sự gần đây, tôi giật mình khi biết từ năm 2022 đến nay, Mỹ - một trong những cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới đã và đang phải trải qua một đợt dịch cúm gia cầm có tốc độ lây lan chưa từng có. Đến nay, quốc gia này đã ghi nhận gần 800 ổ dịch, hơn 58 triệu con gia cầm nhiễm virus cúm, trong đó hơn 40 triệu con buộc phải tiêu huỷ. Các nước Liên minh châu Âu và Anh cũng đang phải hứng chịu cuộc khủng hoảng cúm gia cầm tồi tệ chưa từng thấy khi có gần 50 triệu con gia cầm đã bị tiêu huỷ. Chỉ từ tháng 10.2022 đến tháng 2.2023, Nhật Bản đã xuất hiện 56 ổ dịch cúm gia cầm, gần 10 triệu con gia cầm các loại phải tiêu huỷ.


Ảnh minh họa

Tại Việt Nam, dịch cúm gia cầm không đến mức khủng hoảng như một số quốc gia khác nhưng vẫn diễn biến âm ỉ. Năm 2022, cả nước đã ghi nhận gần 50 ổ dịch cúm gia cầm tại 22 tỉnh, thành phố, trong đó có 45 ổ dịch cúm A H5N1, buộc tiêu huỷ gần 98.000 con gia cầm.

Việt Nam tạm thời đang kiểm soát được tình hình dịch cúm gia cầm. Hải Dương cũng chưa xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm nào. Thế nhưng điều này không đồng nghĩa chúng ta sẽ an toàn trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm. Hiện nay, Việt Nam đang đẩy mạnh hợp tác, giao thương kinh tế nhằm khôi phục kinh tế sau đại dịch Covid-19. Ở Hải Dương, các hoạt động buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm cũng đã khôi phục lại hoàn toàn từ 2 năm nay. Điều này kéo theo những lo ngại virus cúm gia cầm từ bên ngoài có điều kiện lây lan vào Việt Nam nói chung, Hải Dương nói riêng. Bên cạnh đó, tình trạng nhập lậu gia cầm không rõ nguồn gốc vẫn còn xảy ra. Việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia cầm tại không ít chợ chưa được kiểm soát chặt chẽ. Một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm tới chăn nuôi gia cầm theo hướng an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh. Tình trạng chủ hộ chăn nuôi, chủ trang trại không báo cáo dịch bệnh, bán tháo, giết mổ động vật mắc bệnh hoặc vứt xác ra môi trường vẫn còn. Một bộ phận người dân còn mơ hồ thông tin, chưa hiểu hết được sự nguy hiểm của dịch cúm gia cầm... Tất cả những hạn chế này đều làm gia tăng nguy cơ dẫn đến lây lan dịch bệnh, gây thiệt hại lớn đến kinh tế, nguy hại tới sức khoẻ, tính mạng người dân.

Nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy virus cúm gia cầm, đặc biệt là chủng cúm A H5N1 đã đột biến để dễ dàng lây lan sang các loại động vật có vú hơn. Nếu virus có thể lây truyền từ các động vật có vú thì nó có thể lây sang con người. Khi virus sinh sôi, biến đổi thì tốc độ lây nhiễm sẽ tăng rất nhanh, gây ra những tác động không thể lường trước tới sức khoẻ và tính mạng người dân. 

Nên nhớ rằng cuối tháng 2 vừa qua, Campuchia - một nước láng giềng của Việt Nam đã ghi nhận 2 bệnh nhân nhiễm cúm A H5N1, trong đó có 1 trường hợp tử vong. Đây là những ca bệnh cúm A H5N1 trên người mới nhất tại Campuchia kể từ năm 2014. Cuối năm 2022, Việt Nam cũng ghi nhận ca nhiễm cúm A H5N1 trên người đầu tiên kể từ năm 2014 tại tỉnh Phú Thọ. Virus cúm A H5N1 mặc dù lây truyền từ động vật sang người không nhiều nhưng tỷ lệ tử vong còn cao hơn cả SARS-CoV-2. Từ năm 2003-2023, Việt Nam ghi nhận gần 900 trường hợp nhiễm cúm A H5N1, trong đó 53% số ca bệnh tử vong. Số liệu này cho thấy sự nguy hiểm của dịch cúm A H5N1.

Các văn bản chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm đã được cấp trên chỉ đạo. Hải Dương cần chủ động, quyết liệt triển khai hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch ngay từ bây giờ thì mới hạn chế đến mức thấp nhất khả năng dịch cúm gia cầm bùng phát và lây lan.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cảnh giác dịch cúm gia cầm