Cần bài thuốc đặc hiệu với dịch bệnh

06/10/2022 10:19

Ngày 3.10, Bộ Y tế đã xác nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam. Bệnh nhân đã có biểu hiện bệnh từ 18.9, đến 22.9 về Việt Nam và đến nay chưa ghi nhận trường hợp lây lan.

Cần bài thuốc đặc hiệu với dịch bệnh - Ảnh 1.

Khu vực cách ly bệnh đậu mùa khỉ của Bệnh viện Da liễu (TP Hồ Chí Minh) - Ảnh: THU HIẾN

Trên thế giới, khi bệnh đậu mùa khỉ gia tăng hồi tháng 5 vừa qua, đã có nhiều người lo lắng sẽ xảy ra "cơn lốc kiểu COVID-19 lần 2" với căn bệnh này. Nhiều tầng nấc giám sát được đặt ra, rồi kế hoạch mua vắc xin, sinh phẩm xét nghiệm... cũng được tính đến.

Nhưng đến nay sau năm tháng từ khi căn bệnh này gây náo loạn thế giới, ca mắc đầu tiên mới được ghi nhận tại Việt Nam, khác hẳn với tốc độ của dịch COVID-19 trước đây. Tất nhiên, không phải không có đậu mùa khỉ là chúng ta yên ổn.

Từ sau khi dịch COVID-19 giảm mức độ, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc gia tăng ca virus Adeno, đã có hàng chục trẻ em tử vong. Khu vực phía Nam, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh, bùng phát sốt xuất huyết, số ca tử vong trong mùa dịch này được ghi nhận nhiều nhất trong vòng 10 năm qua tại TP Hồ Chí Minh.

Đây mới là vấn đề đáng lo ngại, virus Adeno và sốt xuất huyết không phải là bệnh mới, nhưng số mắc, số tử vong đều tăng vọt. Các bệnh viện nhi đều đông nghẹt bệnh nhân, nhiều trẻ phải nằm ghép 2 - 3 cháu/giường, nhiều trẻ phải đi mấy bệnh viện mới được vào điều trị vì bệnh viện quá tải.

Sau dịch, ngành y tế khó khăn đủ thứ và giờ đây là câu chuyện đối phó với dịch bệnh. Chống dịch đã khó, nhưng tình huống mà người dân đang gặp phải thì vướng mắc ở đâu, cần gì để tháo gỡ, làm sao để giảm số tử vong do sốt xuất huyết, do virus Adeno thì chưa có câu trả lời. 

Đến nay Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế mới khuyến cáo không phải trẻ nào cũng cần xét nghiệm virus Adeno, trong khi từ tháng 8 virus Adeno đã tăng có phải là quá chậm hay không?

Và trước những nỗi băn khoăn rất "quen" này, nhân tố "lạ" đậu mùa khỉ không đáng lo, nhưng rất cần ngành y tế phải sớm có biện pháp đặc hiệu với dịch bệnh. 

Bởi sốt xuất huyết hiện không còn theo mùa mà gia tăng tất cả các mùa, chưa kể sau khi bùng phát ở phía Nam thì sẽ đến giai đoạn phát triển ở phía Bắc, nguy cơ rất lớn với người dân.

Trong khi đó, nhiều dịch bệnh khác cũng đang chực chờ: sau virus Adeno, sốt xuất huyết, đông xuân này sẽ là cúm, sởi, quai bị, rồi mùa hè đến sẽ là viêm não Nhật Bản. 

Đáng lo hơn khi năm nay "đặc biệt" hơn mọi năm ở chỗ đang thiếu vắc xin tiêm chủng theo lịch trong Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Liệu vì thế mà dịch bệnh có bùng phát theo?

Vẫn biết phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng năm nay thật sự khó khăn khi dịch nối dịch, khó khăn nối khó khăn...

Theo Tuổi trẻ

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cần bài thuốc đặc hiệu với dịch bệnh