Du lịch nông nghiệp, vì sao chưa phát triển mạnh?

28/05/2023 06:07

Nhiều điểm đến du lịch nông thôn đã được hình thành trên cơ sở khai thác giá trị đặc sắc, mang đậm dấu ấn của văn hóa, sinh thái vùng miền.

Hội nghị Giải pháp phát triển & xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea) và Tổng cục Du lịch chỉ đạo tổ chức

Tác động lan tỏa của du lịch nông nghiệp

Tại hội nghị Giải pháp phát triển & xúc tiến đầu tư bất động sản du lịch nông nghiệp Việt Nam do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnRea) và Tổng cục Du lịch chỉ đạo tổ chức; tham luận của Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết trong những năm qua hoạt động du lịch nông nghiệp đã được đẩy mạnh khai thác. Đến hết năm 2022, cả nước đang có 580 điểm du lịch được công nhận và gần 1.500 điểm du lịch đang hoạt động mà chưa được công nhận, trong đó có khoảng 70% điểm du lịch tại khu vực nông thôn. Hiện nay, Tổng cục Du lịch cũng đang hỗ trợ các địa phương khai thác sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn như "Sắc vàng Tam Cốc" (Ninh Bình), "Mùa quả ngọt Mộc Châu" (Sơn La), "Mùa vải thiều Thanh Hà" (Hải Dương)…

PGS.TS Phạm Hồng Long (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, du lịch nông nghiệp góp phần thực hiện một số tiêu chí cơ bản trong việc xây dựng nông thôn mới, như tạo sinh kế, tăng thu nhập cho nông dân, nâng cao chất lượng cuộc sống tại nông thôn, gìn giữ nghề truyền thống, duy trì sản vật địa phương có giá trị, tích tụ đất đai và lực lượng lao động nông nghiệp lành nghề, quản lý chất lượng sản phẩm nông nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Ngoài ra, du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng góp phần mở rộng không gian du lịch, làm giảm áp lực, tránh tình trạng quá tải tại khu vực đô thị.

“Văn hóa Việt Nam dựa trên văn hóa nông dân, nông nghiệp, lúa nước, xóm làng… 70% dân số vẫn đang sống ở nông thôn. Việc cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ du lịch tại chỗ sẽ tạo thêm nguồn sinh kế ổn định, cải thiện đời sống cho người nông dân, giúp người dân gắn bó với quê hương, nâng cao ý thức xây dựng môi trường văn hóa, cảnh quan; bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, tạo điểm khác biệt để thu hút khách du lịch.

Mặt khác, thông qua khách du lịch, sản phẩm nông nghiệp tại địa phương được tiêu dùng trực tiếp, thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ, đem lại giá trị gia tăng cho nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Ngoài ra, du lịch nông thôn còn hỗ trợ truyền thông cho sản phẩm nông nghiệp bản địa thông qua công tác truyền thông điểm đến, xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch”, PGS.TS Phạm Hồng Long nhấn mạnh.

Vẫn còn tình trạng tự phát, thiếu bài bản

Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Đại học Luật Hà Nội) đánh giá nhiều loại hình du lịch nông nghiệp tại Việt Nam đang phát triển một cách tự phát, nhỏ lẻ, thiếu chiến lược. Một trong những nguyên nhân là do thiếu hành lang pháp lý để điều chỉnh và khuyến khích các nhà đầu tư có năng lực tham gia phát triển bất động sản du lịch nông nghiệp một cách bài bản, chuyên nghiệp, tạo cơ sở hạ tầng, cơ sở lưu trú nền tảng để thu hút và giữ chân du khách khi trải nghiệm, khám phá du lịch nông nghiệp. 

Theo ông Phạm Duy Nghĩa - Giám đốc Vietfoot Travel, tình trạng tự phát, nhỏ lẻ khiến cho các mô hình du lịch nông nghiệp không phát huy hết giá trị vốn có và không đủ sức hấp dẫn để phát triển bền vững. "Nếu một khu vực định hướng phát triển du lịch nông nghiệp thì cần có quy hoạch bài bản, có doanh nghiệp đủ tầm để dẫn dắt, qua đó giúp điểm đến được nâng tầm và có giá trị hơn, tạo thêm công ăn việc làm và đem lại lợi ích chung. Khi nhiều bên được hưởng lợi, như người dân, cơ sở lưu trú, nhà hàng, nơi tiêu thụ sản vật hàng hóa địa phương, làng nghề truyền thống... thì tạo thêm nguồn lực để gìn giữ, bảo tồn văn hóa bản địa. Khi có quy hoạch và hành lang pháp lý cụ thể thì các doanh nghiệp cũng mạnh dạn hơn để đầu tư vào du lịch nông nghiệp".

Phía Tổng cục Du lịch cũng chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc của kinh doanh du lịch nông nghiệp hiện nay; trong đó chủ yếu liên quan đến xây dựng các công trình phục vụ du lịch trên đất nông nghiệp và việc chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp để xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch, đặc biệt là các công trình kiên cố như cơ sở lưu trú, nhà vệ sinh, khu dịch vụ nên không đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, nhất là lưu trú qua đêm. Nhiều công trình phục vụ du lịch đã phải phá dỡ do xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng dẫn tới lãng phí...

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Vụ Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng chính sách phát luật đất đai cần tiếp tục nghiên cứu về phân loại đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hỗn hợp trên đất nông nghiệp; điều kiện tách thửa đất nông nghiệp theo loại hình farmstay; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với loại hình farmstay... Hiện Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trong đó hướng đến tạo hành lang pháp lý cho mô hình kinh doanh nông nghiệp, nông thôn phát triển đúng hướng, đúng quy định và đảm bảo phát triển du lịch bền vững, sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả. Dự thảo này đã có quy định về việc sử dụng đất kết hợp nhiều mục đích khác nhau; dành 1 điều riêng quy định cụ thể về loại hình đất sử dụng đa mục đích.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch nông nghiệp, vì sao chưa phát triển mạnh?