Đình Thọ Xuyên - Nơi thờ thành hoàng Khai Thông

11/08/2021 17:46

Đình Thọ Xuyên (xã Lam Sơn, Thanh Miện) thờ thành hoàng làng Khai Thông thời Hùng Vương, có công trị thủy nhập điền và giúp Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc Ân.


Đình Thọ Xuyên

Đình được xây dựng ở trung tâm làng Thọ Xuyên, trên một gò đất cao, mặt tiền quay về hướng tây, phía trước là giếng tròn, với quan niệm là nơi tụ linh, kết phúc của làng. Cách đình khoảng 300 m có một ngôi chùa cổ kính và nhiều tượng phật, tạo thành một quần thể di tích.

Theo thần tích, sắc phong còn tại đình, vào đời Hùng Huy vương, ở xã Thiên Bản, huyện Thiên Bản, phủ Thiên Trường, xứ Nam Định có một vị quan Bộ Chúa họ Hùng, tên húy là Tuệ công, con trai của Lạc Long Quân - bậc thứ 6 bộ Thủy thần. Một hôm, ngài mang quân chế ngự các vùng sông nư­ớc, đến xã Nguyễn Xuyên, tổng Thọ Trư­ơng, huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng (nay là thôn Thọ Xuyên, xã Lam Sơn, huyện Thanh Miện), thấy thế đất rồng hổ bao quanh bèn truyền binh sĩ xây dựng một tòa cung sở, giáo hóa, khuyến khích nhân dân lấy nông tang (cấy lúa và trồng dâu) làm gốc.

Tại xã Nguyễn Xuyên có gia đình họ Trần, tên húy là Sùng công, có một cô con gái tuổi 18 tên gọi Quỳnh Hoa rất xinh đẹp. Quan Bộ Chúa đem lòng yêu mến, xin hỏi Quỳnh Hoa làm vợ và lập làm Cung phi. Sau đó, họ sinh được một người con trai thể mạo khôi kỳ, sau l­ưng có 28 điểm sao dọc một hàng giống vẩy lân, đặt tên là Khai Thông.

Năm 16 tuổi, Khai Thông đã văn võ kiêm toàn, uy danh nổi tiếng triều đình, lại có lòng độ l­ượng khoan dung, ai nấy đều kính phục. Lúc này, thiên hạ có nạn hồng thủy dâng cao. Thủy tặc (giặc n­ước) xâm lấn xuyên phá đê điều, hoa màu bị hại rất nhiều, nhân dân vô cùng đói khổ.

Bằng tài thao lược, lại có kinh nghiệm chống lụt, chỉ một thời gian ngắn, Khai Thông cùng binh sĩ đã chiến thắng giặc nước, đắp đê điều, giúp nhân dân tiếp tục cấy lúa, trồng màu, ổn định đời sống. Do có công lao lớn, Khai Thông được vua ban chiếu hồi triều, phong thư­ởng làm quan Tả thái giám kiêm Tri thủy bộ ch­ư quân các sự, nhậm chức Ch­ưởng quan Bộ Chúa Kinh Bắc, Hải Dương, kế thừa công việc của cha ngày trước và ban cho kim ngân 300 hốt.


Sắc phong niên hiệu Duy Tân 3 (1909)

Khai Thông xin vua cho về Hải Dư­ơng bái yết cha mẹ nhưng ở đ­ược 3-4 ngày, cha mẹ đều qua đời. Khai Thông an táng cha mẹ rồi trở về nơi mình nhậm sự.

Đ­ược hơn 10 năm, nhân dân hư­ng thịnh, Khai Thông lại ngự giá trở về cung Nguyễn Xuyên, truyền cho binh sĩ, nhân dân tu sửa hành cung. Bấy giờ, tướng giặc là Thạch Linh từ đạo Bắc mang 50 vạn binh đến xâm chiếm nư­ớc ta. Vua Huy lệnh cho Khai Thông - quan Thống lãnh thủy đạo tướng quân phụ chiến cùng Phù Đổng Thiên Vương tiến thẳng đến đồn giặc đóng tại chân núi Võ Ninh - An Việt đại chiến với quân giặc. Tướng giặc bị chém làm ba đoạn.

Dẹp giặc xong, Phù Đổng Thiên Vương cư­ỡi ngựa trở về đỉnh núi Sóc Sơn, xã Vệ Linh, tổng Kim Hoa, cởi áo cư­ỡi ngựa bay lên trời. Khai Thông về đến cung cũ tại xã Nguyễn Xuyên ngự thuyền rồng mở đ­ường nước rồi cũng biến mất. Vua vô cùng thương tiếc, gia phong mỹ tự “Đô đại thành hoàng Khai Thông bảo hựu linh ứng trợ quốc Đại v­ương” và cho phép xã Nguyễn Xuyên xây dựng đình thờ hương hỏa.

Do có công lao to lớn với dân, với nước, Khai Thông và thân phụ, thân mẫu, trải qua các triều đại phong kiến đều được ban sắc ghi nhận công lao. Hiện nay, trong đình còn lưu giữ 5 đạo sắc phong, trong đó có 2 đạo sắc phong cho Khai Thông vào ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân 3 (1909) và 25 tháng 7 năm Khải Định 9 (1924).


Ngai và tượng thờ thành hoàng Khai Thông vào thời Nguyễn

Các cụ cao tuổi trong làng cho biết đình Thọ Xuyên trước đây được xây dựng từ khá sớm. Nghi môn đình ở phía tây, trước trình có hai dãy giải vũ ở phía bắc và phía nam, tất cả đều bằng gỗ tứ thiết quý hiếm. Trải qua thời gian, các hạng mục chính, phụ của công trình đều xuống cấp và hư hại. Đến năm Nhâm Dần, niên hiệu Thành Thái (1902), ngôi đình được xây dựng lại. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đình là cơ sở hoạt động cách mạng bí mật của địa phương và hội họp của Đảng bộ xã Lam Sơn.

Ngôi đình mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn khá đẹp. Tại đây, bài trí ngai và tượng thờ Khai Thông, hai bên là ngai thờ thân phụ, thân mẫu của thành hoàng. Ngoài ra, còn nhiều hiện vật khác có giá trị vào thời Nguyễn gồm 1 bức đại tự, 1 đôi câu đối, 3 roi thờ, 2 thanh long đao, 5 đạo sắc phong, 1 long bành, 1 quyển thần tích và 1 bát hương.

Để tưởng nhớ công ơn to lớn của Khai Thông, xưa kia nhân dân địa phương thường mở lễ tế vào mùng 10 tháng giêng (ngày sinh Khai Thông), 10.8 âm lịch (ngày mất Khai Thông), 10.12 (lễ thay mũ, áo cho Khai Thông). Trong các ngày trên, lễ mùng 10 tháng giêng được tổ chức trọng thể và lớn nhất trong năm, kéo dài từ mùng 9-15. Mùng 9 mở cửa đình, bao sái đồ thờ tự, làm lễ cáo yết, xin phép mở lễ hội. Mùng 10 chính hội. Buổi sáng có lễ tế thành hoàng với lễ vật gồm tam sinh (lợn, trâu, dê) long trọng, sau lễ tế là lễ rước kiệu thần từ đình ra miếu. Từ ngày 11-15, ngoài phần lễ, còn có hát chèo và các trò chơi bắt vịt, đập niêu… Hiện nay, đình mở hội vào 15.2 (âm lịch). Trong lễ hội chủ yếu là tế lễ.

Với những nét độc đáo, những giá trị còn lưu giữ, năm 2010 đình Thọ Xuyên được công nhận di tích cấp tỉnh thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật.

ĐẶNG THU THƠM

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đình Thọ Xuyên - Nơi thờ thành hoàng Khai Thông