Bảo đảm an toàn giao thông nông thôn trong bối cảnh đô thị hóa

19/11/2020 11:30

Hàng nghìn km đường giao thông nông thôn đã được đầu tư nâng cấp, những khu đô thị hình thành, khiến bài toán giảm thiểu tai nạn giao thông nông thôn phải đặt trong hoàn cảnh mới.


Các địa phương cần rà soát, bổ sung những hạng mục còn thiếu trong kết cấu hạ tầng giao thông hiện tại như gồ giảm tốc, hệ thống chiếu sáng…

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng hoàn thiện. Cùng với đó, tốc độ đô thị hóa song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương ngày càng mạnh mẽ đặt ra yêu cầu mới trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) ở khu vực nông thôn.

Kết quả tích cực

Đầu năm 2017, UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương” giai đoạn 2017-2020. Sau gần 4 năm thực hiện, đề án đã mang lại nhiều kết quả tích cực.

Theo Ban ATGT tỉnh, từ năm 2017 đến hết năm 2019, toàn tỉnh xảy ra trên 530 vụ tai nạn và va chạm giao thông, làm hơn 550 người chết và hơn 200 người bị thương. Số vụ tai nạn và va chạm giao thông khu vực nông thôn chiếm 16% với hơn 80 vụ, số người chết và số người bị thương lần lượt chiếm 16% (gần 90 người) và 13% (gần 30 người). Đáng chú ý, số vụ và số người chết trong giai đoạn này có xu hướng giảm qua từng năm. Riêng 10 tháng năm nay, số vụ tai nạn và va chạm giao thông khu vực nông thôn chiếm 9% (18 vụ) làm 20 người chết và 4 người bị thương, lần lượt chiếm 13% và 4%.

Hằng năm, Ban ATGT cấp huyện đã phối hợp với đơn vị quản lý đường và chính quyền địa phương tổ chức giải tỏa các điểm gây mất ATGT, các trường hợp lấn chiếm hành lang ATGT. Ông Nguyễn Văn Giáo, Phó Chủ tịch UBND xã Kim Liên (Kim Thành) cho biết: “Để góp phần hạn chế TNGT, ngoài việc tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, địa phương thường xuyên cử lực lượng phát quang cây cối, bảo đảm tầm nhìn tại nhiều nút giao thông”.

Tầm nhìn dài hạn

Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực song việc bảo đảm ATGT nông thôn vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Số lượng xe máy đang lưu hành ở khu vực nông thôn tăng mạnh, phần lớn là xe máy cũ từ các đô thị dồn về. Xe tự chế vẫn còn. Kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông của người dân khu vực nông thôn còn yếu. 

Ông Vũ Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải nhận định: “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay hàng nghìn km đường giao thông nông thôn đã được đầu tư nâng cấp. Các địa phương dần hình thành những khu đô thị với đầy đủ tiện ích như nhà hàng, quán ăn, khu vui chơi giải trí… Điều này khiến bài toán giảm thiểu TNGT nông thôn phải đặt trong hoàn cảnh mới, góc nhìn mới”.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương phần lớn dồn sức đầu tư xây dựng, nâng cấp đường giao thông nhưng ít quan tâm đến các yếu tố kỹ thuật bảo đảm ATGT. Tầm nhìn tại rất nhiều nút giao của các tuyến đường nông thôn bị che khuất bởi cây cối, nhà cao tầng. Hệ thống gồ giảm tốc đa phần do Ban ATGT tỉnh và Sở Giao thông vận tải đầu tư xây dựng. Các điểm giao cắt giữa đường nông thôn với quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện thiếu hệ thống chiếu sáng...

Công tác quản lý, tổ chức giao thông tại khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế. Nhiều vi phạm giao thông chưa được xử lý triệt để, nhất là tình trạng vi phạm nồng độ cồn. Quy hoạch quỹ đất phục vụ cho hạ tầng đô thị tại nông thôn phát sinh một số bất cập. “Trong tương lai, đô thị nông thôn không chỉ có các tuyến đường mà còn cần bến xe, bãi đỗ xe, công trình phục vụ dịch vụ vận tải… Nếu không có giải pháp và tầm nhìn quy hoạch ngay từ bây giờ, hạ tầng giao thông nông thôn trong bối cảnh đô thị hóa mạnh mẽ thời gian tới sẽ vướng những hạn chế khó có thể xử lý”, ông Hạnh cho biết thêm.

Những bất cập trên đặt ra nhiều vấn đề trong việc bảo đảm ATGT khu vực nông thôn trong tình hình mới. Thời điểm cuối năm, dịp Tết tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các vụ TNGT. Đây cũng là năm cuối thực hiện Đề án “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, ATGT khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương” giai đoạn 2017-2020. Các địa phương cần sớm rà soát, phân bổ lại nguồn lực đầu tư theo hướng đô thị với quy hoạch, định hướng và tầm nhìn dài hạn. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATGT khu vực nông thôn, gắn công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông với bảo đảm an ninh trật tự. 

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Bảo đảm an toàn giao thông nông thôn trong bối cảnh đô thị hóa