[Video] Ngành ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó

Công nghiệp - Ngày đăng : 15:09, 03/08/2021

Trước bối cảnh đại dịch Covid-19 một lần nữa tác động tới Hải Dương, ngành ngân hàng xác định vừa hỗ trợ tối đa cho khách hàng, nhất là doanh nghiệp, vừa ứng biến linh hoạt các chiến lược kinh doanh.


Toàn ngành ngân hàng xác định hỗ trợ tối đa cho khách hàng, nhất là doanh nghiệp

Hỗ trợ tối đa

Sau gần 50 ngày không ghi nhận ca mắc Covid-19 mới, tối 27.7, Hải Dương đã ghi nhận một trường hợp dương tính với SARS-Cov-2 tại Nam Sách, sau đó là nhiều ca nhiễm mới. Toàn tỉnh đã ngay lập tức kích hoạt các biện pháp cấp bách để khóa chặt ổ dịch, khoanh vùng và hạn chế tối đa sự lây nhiễm trong cộng đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các kế hoạch sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp ảnh hưởng nhất định. Ông Nguyễn Công Hải, Giám đốc Công ty TNHH Minh Hải cho biết: “Qua những đợt dịch trước, chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp đã có sự chuẩn bị cho kịch bản dịch bệnh quay trở lại. Tuy nhiên, xét chung trên toàn chuỗi sản xuất, kinh doanh sẽ rất khó tránh khỏi biến động, gián đoạn". Theo ông Hải, miễn, giảm lãi suất hay những gói tín dụng ưu đãi đã và đang được thực hiện giống như “liều thuốc bổ” tiếp thêm khả năng chống chịu cho doanh nghiệp.

Để đáp ứng nhu cầu hỗ trợ thực tế từ doanh nghiệp cũng như thực hiện các thông tư về cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn, giảm lãi, phí... nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đã thực hiện nhiều biện pháp cụ thể.

Với gần 6.900 tỷ đồng dư nợ được miễn, giảm lãi suất cũng như cho vay ưu đãi đối với hơn 1.300 khách hàng, trong đó có nhiều doanh nghiệp, BIDV Hải Dương đang là một trong những tổ chức tín dụng tích cực trong hỗ trợ khách hàng. Bên cạnh đó, đơn vị đã thay đổi thời gian trả nợ cho hàng chục khách hàng với tổng dư nợ gần 600 tỷ đồng. 

Ông Lã Huy Vĩ, Phó Giám đốc BIDV Hải Dương cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục rà soát, tăng cường nắm bắt thông tin về tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như ảnh hưởng của dịch bệnh đối với khách hàng để đưa ra những biện pháp hỗ trợ kịp thời, đầy đủ hơn.

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hải Dương, đến nay, ngành ngân hàng trong tỉnh đã thay đổi thời gian trả nợ cho hơn 100 doanh nghiệp với tổng dư nợ gần 1.900 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 1.500 doanh nghiệp với tổng dư nợ gần 23.500 tỷ đồng. Một số ngân hàng lớn như Agribank, VietinBank, Vietcombank… cũng đã triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp theo các hình thức khác nhau. 

Kích cầu giao dịch online

Câu hỏi được đặt ra là các ngân hàng sẽ thực hiện mục tiêu tăng trưởng như thế nào khi vừa hỗ trợ tối đa cho khách hàng vừa xoay xở trước những rào cản từ dịch bệnh.

Với Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13.3.2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid- 19, áp lực nợ xấu đối với ngành ngân hàng đã phần nào được giải tỏa. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đang gặp rất nhiều khó khăn do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Từ ngày 27.4 đến nay, số lượng các địa phương có ca mắc Covid-19 nhiều hơn hẳn những đợt dịch trước. Giao thương bị đình trệ, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất bị “tắc chốt”, doanh nghiệp gặp áp lực khi thực hiện “3 tại chỗ”… cho thấy sự khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đối tác quan trọng của ngành ngân hàng.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, hoạt động cho vay và huy động vốn của ngành ngân hàng gặp nhiều rào cản. Dòng tiền đang bị phân tán vào các kênh thu hút vốn khác ngoài ngân hàng như trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm liên kết, bảo hiểm, quỹ đầu tư, đặc biệt là chứng khoán và bất động sản. Thực tế này khiến việc huy động vốn của ngành ngân hàng những tháng cuối năm chịu nhiều thách thức.

Chuyển hướng giao dịch từ trực tiếp sang trực tuyến đang là một trong những giải pháp được nhiều ngân hàng áp dụng. Bà Vũ Thị Thu Nga, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chi nhánh Hải Dương nhận định, giao dịch trực tuyến sẽ là giải pháp hiệu quả góp phần giải tỏa áp lực đối với ngành ngân hàng trong bối cảnh hiện tại. “Vừa phòng chống dịch vừa bảo đảm lưu thông, thu hút dòng vốn là lợi ích thiết thực mà giao dịch điện tử mang lại. Việc đầu tư xây dựng và ban hành chương trình, sản phẩm mới dành cho doanh nghiệp sẽ giúp ngân hàng tiến gần hơn đến hệ sinh thái doanh nghiệp, từ đó mở rộng thị trường huy động cũng như cho vay”, bà Nga nói.

Đồng quan điểm, ông Mai Văn Trường, Giám đốc Phòng giao dịch Nguyễn Lương Bằng thuộc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chi nhánh Hải Dương cho rằng phương thức thanh toán phi tiếp xúc tuy còn nhiều hạn chế nhưng mang lại hiệu quả cao trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. “Khi giao dịch trực tuyến tại tất cả các ngân hàng, khách hàng sẽ được hưởng những ưu đãi vượt trội so với giao dịch trực tiếp truyền thống. Qua đó vừa khuyến khích khách hàng gia tăng giao dịch online, vừa là một trong những biện pháp để ngân hàng duy trì mục tiêu tăng trưởng”, ông Trường nói.

Xem clip

HÀ KIÊN