Đình Dậu Trì xuống cấp

Di tích - Ngày đăng : 10:28, 30/03/2022

Cùng với chùa làng, đình Dậu Trì nằm ở thôn Dậu Trì, xã Hồng Dụ (Ninh Giang) đã trở thành trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân địa phương.

Di tích đình Dậu Trì được công nhận Di tích cấp tỉnh năm 2005, nền sân đã xuống cấp, trũng thấp

Tôn thờ Trần Minh Công, người có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng đánh giặc   

 Đình Dậu Trì được khởi dựng vào năm Kỷ Sửu 1889, đã trải qua hai lần trùng tu từ khá lâu vào các năm 1906 và 1916. Di tích có kiến tích kiểu chữ Đinh gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung. Hai vì kèo trung tâm có kiến trúc kiểu con chồng giá chiêng truyền thống.

 Di tích gắn liền với việc tôn thờ Trần Minh Công, người có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng đánh giặc vào thế kỷ thứ X. Tương truyền, vào thời nhà Đinh, tại thôn Dậu có gia đình sinh được một người con trai, cha mẹ đặt tên là Nhật Giảo. Khi trưởng thành Nhật Giảo thường học chữ, thích đàn nhạc, tinh thông âm luật, binh thư, cung nỏ, không chỗ nào không biết. Khi Nhật Giảo 26 tuổi, nước ta có loạn 12 sứ quân, ông cũng tụ binh cai quản bản quận, xưng là Trần Minh Công.

Minh Công thi hành ân huệ rộng lớn, lấy lòng nhân đức để quy phục lòng người... Đinh Bộ Lĩnh đến thăm bằng lòng chuẩn y, cho nhập vào đại quân và sai Minh Công cầm quân diệt giặc. Minh Công phò nhà Đinh nhiều năm, có nhiều công lao được nhà vua khen ngợi. Ông qua đời ở tuổi 71 nhằm ngày 12 tháng 5. Sau khi ông mất, vua Đinh vô cùng thương tiếc, đã sai đình thần về làm lễ điếu.

Cổng đình mang nhiều nét cổ kính

Tương truyền về sau Minh Công có nhiều hiển ứng, âm phù với triều Trần và được Trần Nhân Tông ban sắc là Mậu Ngọ Đại vương và tặng một đạo sắc là "Chí đức tôn thần", ủy thác cho Bộ Lễ đến thăm hỏi và lập đền để xuân thu phụng thờ, tế lễ; ban tiền để xây dựng miếu... và giao cho khu Dậu phụng thờ, tế lễ, tối tú, tối linh, truyền cho muôn đời gìn giữ đình, miếu hương hoả.

 Với những giá trị đã được khẳng định cả về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật, năm 2005 di tích đình Dậu Trì được UBND tỉnh xếp hạng là di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Trước đây, di tích có khá nhiều cổ vật có giá trị nhưng trải qua chiến tranh và do thiên nhiên tàn phá nên nhiều cổ vật, di vật đã mất, hư hỏng.

Mái đình đang bị dột tại nhiều vị trí

Xuống cấp

Qua hai lần tu sửa từ lâu và tác động của nhiều yếu tố, một số hạng mục của đình Dậu Trì hiện đã xuống cấp. Do nhu cầu thực tế đi lại của người dân, đường sá ở thôn Dậu Trì được làm lại, đổ bê tông cao làm nền sân đình thấp hơn đường khoảng 30 cm. Xung quanh khu vực này, người dân cũng đã tôn cao nền nhà, vì thế mỗi khi trời mưa, nước dồn về phía đình. Hiện nay hệ thống mái đình tại gian chính đang bị dột lớn tại 4 vị trí rộng khoảng 10 m2. Một số cột lim, vì kèo đã bị mục, mối mọt.

 Do bị dột, nước mưa chảy theo xà gỗ xuống tường, nền nhà gây ẩm thấp. Ông Phạm Đình Luyện, người trông coi đình Dậu Trì cho biết: “Đã nhiều năm nay, cứ mỗi khi trời chuẩn bị mưa là tôi thêm lo, dù chuẩn bị đầy đủ thau chậu, khăn để hứng nước mưa dột nhưng cũng không thể khắc phục được hết. Ngói đã vỡ hỏng tại nhiều vị trí".

Trong gian chính là thế, sân đình cũng không khá hơn. Sân trũng thấp nên cứ sau mỗi trận mưa, nhiều người dân trong làng phải đến quét tước, dọn dẹp sạch không để rêu mốc trơn trượt gây nguy hiểm cho nhân dân đến thắp hương, lễ bái. "Nếu để tình trạng này kéo dài thì công trình sẽ càng nhanh xuống cấp, ảnh hưởng đến kiến trúc, mỹ quan của đình”, ông Luyện nói.

Cột trụ gian hậu cung đã có dấu hiệu mục, mối mọt

 Để khắc phục tình trạng trên, bà Nguyễn Thị Quế, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Dậu Trì cho rằng cần sớm nâng cao nền sân đình cho bằng hoặc cao hơn mặt đường nhằm hạn chế nước dồn về khu vực này. Sau đó tiếp tục cải tạo mái đình, đảo lại toàn bộ phần ngói để không bị dột, bảo đảm an toàn...

 "Vấn đề tu sửa các hạng mục công trình trên dự kiến cần từ 500 triệu đồng trở lên. Thôn cùng Ban công tác mặt trận đã báo cáo tình hình xuống cấp của mái đình Dậu Trì lên cấp trên. Hiện UBND huyện cũng đã đề nghị khảo sát tu bổ cấp thiết, chống xuống cấp di tích. Nhưng ngân sách địa phương còn khó khăn, nguồn đóng góp từ người dân hạn chế nên rất cần sự hỗ trợ kinh phí của cấp trên để tu sửa đồng bộ đình, góp phần giữ gìn di tích mang ý nghĩa to lớn trong đời sống tâm linh của người dân địa phương", bà Quế nói.

THÀNH ĐẠT