Người trồng quất trái vụ ở Thanh Hà điêu đứng

24/03/2020 17:00

Giá xuống rất thấp, ít người mua làm cho người trồng quất trái vụ ở Thanh Hà điêu đứng.

Giá quất trái vụ năm nay chưa bằng 1/10 năm ngoái

Giá 1 kg quất chỉ bằng 1 ly trà đá

Những năm trước, dịp này, thương lái ở khắp nơi như Nam Định, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng... tấp nập về tận vườn thu mua quất, người dân Thanh Hà không phải lo đầu ra. Thế nhưng năm nay, người trồng quất nơi đây buồn bã do giá quất thấp, ít người mua. Một số nông dân đã phải hái bỏ quả quất chín vì để quả sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. 

Thanh Sơn có diện tích trồng quất nhiều nhất huyện Thanh Hà với khoảng 250 ha của hơn 900 hộ. Hộ trồng ít cũng vài sào, hộ trồng nhiều đến vài mẫu quất. Gia đình ông Trần Văn Ba ở thôn Tráng Liệt trồng 1,6 mẫu quất đang cho thu hoạch nhưng giá bán hiện nay chỉ từ 2.000-3.000 đồng/kg, chưa bằng 1/10 so với năm ngoái. “Hơn chục năm trồng quất tháng 3 nhưng chưa năm nào tôi thấy giá quất lại thấp như năm nay. Giá mỗi kg quất chỉ bằng ly trà đá. Thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào cây quất nên gia đình tôi phải tính tìm công việc khác để làm”, ông Ba nói.

Bà Vũ thị Oánh ở thôn Nhân Lư (xã Cẩm Chế) rất sốt ruột khi 5 sào quất của gia đình đang chín nhưng giá thấp, bán rất chậm. “Giờ bán được đồng nào thì bán chứ không hy vọng giá cao hơn”, bà Oánh nói. 

Xã Cẩm Chế trước đây nổi tiếng về trồng quất tháng 3 nhưng nay nhiều người đã chuyển sang trồng các loại cây có giá trị khác như ổi, bưởi. Tuy nhiên, vợ chồng bà Oánh vẫn “cố thủ” với cây quất vì đây là loại cây truyền thống của gia đình, trồng quất lại nhàn hơn một số cây khác. "Giá ổn định như mọi năm, gia đình tôi thu lãi mỗi vụ vài chục triệu đồng, nhưng năm nay thì lỗ", bà Oánh nói.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19

Bà Vũ Thị Oánh ở thôn Nhân Lư (xã Cẩm Chế) buồn bã vì giá quất năm nay thấp, ít người mua

Khác với tháng 3 của những năm trước, dịp này về Thanh Hà không khí thu mua quất trên đường tỉnh 390 rất trầm lắng. Lác đác bên đường chỉ có một vài thương lái trong huyện mua quất của bà con. Ông Nguyễn Đức Thanh - một thương lái người xã Tân Việt (Thanh Hà) cho biết quất năm nay ế ẩm, phải chọn những quả đẹp mới bán được. Quất không xuất bán được sang thị trường Trung Quốc vì ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. "Hiện tại, tôi chỉ thu mua để bán ở một số chợ đầu mối, hàng ăn trong tỉnh và một số tỉnh lân cận”, ông Thanh nói.

Chị Nguyễn Thị Uyên - một thương lái ở xã Thanh Sơn cho biết năm ngoái vào dịp này, mỗi ngày chị mua từ 3-5 tấn quất của bà con nhưng nay bán rất chậm nên mỗi ngày chị chỉ thu mua vài tạ để tiêu thụ ở Hà Nội, Hải Phòng. Khách hàng chủ yếu là các nhà hàng, khách sạn, người dân cũng hạn chế.  

Ông Lê Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Cẩm Chế cho biết năm nay, người trồng quất trái vụ gặp khó khăn do giá thấp, tiêu thụ chậm nên ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Một số hộ đã chuyển sang trồng các loại cây khác.  

Khác với những loại nông sản có thể kêu gọi người tiêu dùng “giải cứu” thì quất chỉ là một loại gia vị, trong bữa ăn và có thể thay bằng nhiều loại quả khác như chanh, me, sấu...

Để quả quất có hướng đi bền vững hơn, huyện Thanh Hà đã hoàn thiện hồ sơ xây dựng nhãn hiệu tập thể, đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Chanh quất Thanh Hà”.

Huyện Thanh Hà cần giúp nông dân liên kết với các doanh nghiệp thu mua, sơ chế quất thành các sản phẩm như mứt, nước uống... để tiêu thụ sản phẩm ổn định; mở rộng thị trường tiêu thụ quất trong nước. Nông dân các vùng trồng quất Thanh Hà cần áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, bảo đảm chất lượng, nâng cao giá trị của quả quất trên thị trường.  

Huyện Thanh Hà hiện có 374 ha quất, chủ yếu ở các xã Thanh Sơn, Cẩm Chế, Phượng Hoàng. Trồng quất trái vụ vào tháng 3 vốn là kinh nghiệm lâu năm của người dân Thanh Hà nhằm mang lại thu nhập cao vì thời gian này gần với mùa hè, chanh lại chưa đến mùa nên giá quất thường cao hơn chính vụ (tháng 8, tháng 9 hàng năm).

MINH NGUYỆT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người trồng quất trái vụ ở Thanh Hà điêu đứng