Vì sao vẫn còn hủ tục trong việc tang?

05/01/2021 12:02

Ở nhiều địa phương một số tiêu chí khó thực hiện, nhất là còn tình trạng lãng phí và ít gia đình sử dụng dịch vụ hỏa táng.


Chủ trương lành mạnh việc tang khuyến khích người dân sử dụng hình thức hỏa táng. Trong ảnh: Hỏa táng ở Đài hóa thân hoàn vũ Hải Dương

Chủ trương lành mạnh việc tang trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cơ bản đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương một số tiêu chí khó thực hiện, nhất là còn tình trạng lãng phí và ít gia đình sử dụng dịch vụ hỏa táng.

Khó từ nếp nghĩ

Đám tang cụ P.T.H., hơn 80 tuổi ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng) dù đã được chính quyền vận động lành mạnh việc tang nhưng gia đình vẫn “làm gọn nhẹ” 50 mâm cỗ. Kinh tế của các con cụ không mấy khá giả, nhưng với lý do “để mẹ đỡ tủi”, “làm cho dân làng khỏi chê trách” nên dù đã có đội kèn thờ trống cây, gia đình còn thuê thêm đội kèn đồng trong lễ an táng với chi phí 6 triệu đồng. Chưa kể, trong đám tang cụ thỉnh thoảng gia đình lại đưa tiền cho đội kèn khóc thuê với giá 50.000 đồng/bài. Những năm gần đây, thuê kèn đồng, khóc thuê gần như trở thành phong trào ở địa phương nên nhiều gia đình coi việc này như cho đủ lệ bộ.

Còn đám tang ông P.V.N., hơn 70 tuổi ở xã Nam Chính (Nam Sách) dù có được tuyên truyền nhưng thực hiện di nguyện của cha, các con cụ vẫn chọn hình thức địa táng. Việc vận động hỏa táng là vấn đề khó trong nhiều năm qua ở xã Nam Chính. Năm 2020, địa phương có 27 người mất nhưng chỉ có 2 gia đình chọn hình thức hỏa táng, còn lại là địa táng.

Ông Vương Thừa Vũ, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Chính cho biết trước kia, việc tang ở Nam Chính vẫn còn các hủ tục như con cái đội mũ rơm, đi chân trần trong đám tang bố mẹ; lễ viếng của các gia đình, họ tộc nhất thiết phải có sỏ lợn, mâm xôi; kèn thờ trống cây thổi thâu đêm; khóc mướn diễn ra phổ biến; khi đưa tang, vàng mã rải đầy đường… Đến nay, một số hủ tục không còn. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-9, làm cỗ rình rang có giảm nhưng không chắc sẽ duy trì nếu dịch hết. “Những tiêu chí này liên quan đến tập tục đã ăn sâu vào nếp nghĩ của người dân nên không thể ngày một ngày hai mà thay đổi”, ông Vũ nói.

Đảng viên phải đi đầu

Ông Vũ Thạch Bồn, Chủ tịch MTTQ huyện Cẩm Giàng cũng chia sẻ khó khăn mà địa phương gặp phải hiện nay là khó vận động hỏa táng. Cẩm Giàng triển khai rất sớm cuộc vận động thực hiện lành mạnh việc tang. Ngay khi có chủ trương của tỉnh, huyện đã xây dựng và ban hành các quy định cụ thể như không làm cỗ, hạn chế vàng mã, kèn trống chỉ thổi đúng giờ, không tổ chức lễ viếng rườm rà... trong đám tang. Tuyên truyền về lành mạnh việc tang được lồng ghép trong các hội nghị và hướng vào người cao tuổi, trưởng dòng tộc để triển khai đến từng gia đình. Tuy nhiên, mỗi năm trên địa bàn huyện cũng chỉ có 30-40% số gia đình có người mất chọn hỏa táng. Ông Bồn cũng thừa nhận, vẫn còn nhiều gia đình làm cỗ to, sử dụng nhiều vòng hoa. Theo ông Bồn, việc sử dụng vòng hoa viếng chủ yếu từ nơi khác mang đến nên khó can thiệp.

Ông Bồn đề xuất quy định cán bộ, đảng viên phải làm trước, nếu cần có chế tài xử phạt những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ hỏa táng của tỉnh vẫn còn thấp nên cần nâng mức hỗ trợ cho người dân. “Không nhìn đâu xa, ngay như Lương Tài (Bắc Ninh) mức hỗ trợ hỏa táng 12 triệu đồng/trường hợp. Tỉnh hỗ trợ 2 triệu là quá thấp, chi phí mỗi đám hỏa táng phải từ 9-12 triệu đồng”, ông Bồn nói.

Quyết định số 2877/QĐ-UBND của UBND tỉnh về quy định mức hỗ trợ chi phí khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng cũng vừa hết hiệu lực ngày 31.12.2020. Qua khảo sát, nhiều địa phương đều đề xuất cần nâng mức hỗ trợ. Việc tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu về lợi ích của lành mạnh việc tang vẫn chưa tốt, đặc biệt hình thức tuyên truyền chưa phong phú, nhiều người dân chưa biết đến chính sách hỗ trợ của tỉnh; một số cán bộ, đảng viên chưa nêu cao vai trò gương mẫu... Hy vọng thời gian tới, các cấp, ngành liên quan sẽ phát huy vai trò đi đầu của đảng viên, có hình thức tuyên truyền phù hợp, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về lành mạnh việc tang.

HUY AN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vì sao vẫn còn hủ tục trong việc tang?