Rủi ro từ món ăn chứa cần sa

27/09/2022 12:35

Cần sa có trong nhiều loại thực phẩm, mặt hàng tiêu dùng tại Thái Lan khiến một số người vô tình sử dụng mà không hay biết.

Khi đi nghỉ tại Chiang Rai, Thái Lan vào tháng 7, Sueanne, du khách người Singapore và gia đình đã gọi một tô mì để ăn tối ở khách sạn. Vì cảm thấy ngon miệng nên cô đã yêu cầu món ăn một lần nữa vào bữa sáng, cho cả mẹ chồng và hai con nhỏ. Tuy nhiên, khi xem kỹ thực đơn, cô bất ngờ nhận ra hình một lá cần sa bên cạnh món ăn.

"Chúng tôi khá sốc. Chúng tôi đã thấy cần sa trong đồ ngọt, đồ uống tại các cửa hàng chuyên về mặt hàng này. Nhưng chúng tôi chưa từng nghĩ nó sẽ xuất hiện trong món ăn bình thường như vậy", cô nói.

Ngoài hình ảnh lá cần sa ở thực đơn, Sueanne cho biết không có dấu hiệu nào khác trong tên món. Nhân viên phục vụ cũng không cảnh báo trước về điều này.

"Nếu để ý đến menu hoặc được người phục vụ thông báo, tôi đã không gọi món này", Sueanne cho biết. Cô cảm thấy may mắn khi con mình chưa ăn thử tô mì.

Các sản phẩm và món ăn chế biến từ cần sa ngày càng trở nên phổ biến ở Thái Lan những năm gần đây. Theo quy định của giới chức, nhà bán lẻ và cung cấp sản phẩm phải dán nhãn hoặc thông báo rõ ràng với người mua, song một số du khách vẫn cảm thấy lo lắng.

"Cần sa được nấu với súp như một loại rau bình thường, trông giống rau muống", Sueanne nói và cho biết không cảm thấy thay đổi tâm trạng hay bất kỳ tác dụng nào sau bữa ăn.

Khi biên giới mở cửa sau đại dịch, một số du khách bối rối trước sự hiện diện tràn lan của cần sa. Như Lim Ai Shi, 30 tuổi, người Singapore, làm việc trong lĩnh vực ngân hàng, đi qua một cửa hàng cần sa nhưng quyết định không ghé thăm.

"Có lẽ tôi bị hoang tưởng, nhưng tôi lo ngại dấu vết của cần sa có thể dính vào quần áo hoặc túi xách, khiến tôi gặp rắc rối tại hải quan, dù tôi không dùng", cô nói.

Để giảm bớt lo lắng, một số người bán hàng tại các điểm nóng du lịch như Chợ Chatuchak cũng đã treo biển không sử dụng cần sa.

Kreephet Hanpongpipat, 33 tuổi, người điều hành Kanom Siam, một chuỗi cửa hàng tráng miệng nổi tiếng của Thái Lan bán bánh có hương vị cần sa, cho biết doanh nghiệp cần đăng ký với cơ quan chức năng nếu muốn kinh doanh mặt hàng này.

"Tôi chỉ bán chúng ở đúng một cơ sở vì quy trình đăng ký quá phức tạp. Mọi người sẽ không bị ảnh hưởng về tâm thần sau khi ăn", Kreephet cho biết.

Hiện Thái Lan là quốc gia duy nhất tại Đông Nam Á hợp pháp hóa cần sa. Các nước khác, trong đó có Việt Nam, vẫn coi đây là chất ma túy.

Tháng 2/2021, Thái Lan cho phép sử dụng cần sa trong thực phẩm và đồ uống nếu lượng tetrahydrocannabinol (THC) - hóa chất tác động lên hệ thần kinh trong cần sa - nhỏ hơn 0,2% trọng lượng sản phẩm.

Gia vị tẩm cần sa tại một cửa hàng ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: Straits Times

Tháng 6.2022, Thái Lan gỡ bỏ hạn chế với cần sa và gai dầu, cho phép mọi người trồng và sở hữu chúng. Giới chức cho biết điều này sẽ thúc đẩy việc sử dụng vào lĩnh vực y tế, tạo lợi ích kinh tế. Người dân có thể trồng cây cho mục đích thương mại.

Tuy nhiên, sau khi được đưa ra khỏi danh sách các chất ma túy, cây cần sa hiện là một lỗ hổng về pháp lý. Thái Lan có luật tạm thời nhằm ngăn cấm bán cần sa và các sản phẩm liên quan cho người dưới 20 tuổi và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú. Người dân cũng được yêu cầu không hút cần sa nơi công cộng nếu làm phiền đến người khác.

Dù vậy, cần sa dần xuất hiện trong nhà hàng, siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Người dân có thể dễ dàng bắt gặp lẩu tẩm cần sa, gói gia vị chứa cần sa, thậm chí sản phẩm chăm sóc da bằng cần sa. Nếu không để ý kỹ, nhiều người vô tình sử dụng loại chất này mà không có chủ đích.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, việc sử dụng cần sa bừa bãi khiến nhiều người phát triển chứng rối loạn sử dụng cần sa, tức là không thể ngừng sử dụng dù chúng gây ra các vấn đề về sức khỏe.

Nghiên cứu của CDC ước tính cứ 10 người dùng cần sa thì khoảng ba người gặp tình trạng này. Công trình khác ước tính khoảng 10% người sử dụng cần sa có biểu hiện nghiện.

Nguy cơ phát triển chứng rối loạn sử dụng cần sa cao hơn ở người tiếp xúc chất này trong thời kỳ thanh niên, thiếu niên.

Các biểu hiện của rối loạn sử dụng cần sa gồm: dùng nhiều hơn dự định, cố gắng nhưng không bỏ được cần sa, dành nhiều thời gian dùng cần sa, tiếp tục dùng chất này dù chúng gây ra các trở ngại về xã hội, tâm lý, thể chất,...

Việc sử dụng cần sa thường có tác động lập tức đến suy nghĩ, sự tập trung, chức năng vận động và nhận thức về thời gian ở thanh thiếu niên.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Rủi ro từ món ăn chứa cần sa