Dịch cúm A đến sớm, nhiều người chưa tiêm phòng dễ biến chứng nặng

09/08/2022 10:21

Theo các bác sĩ, năm nay, bệnh cúm A xuất hiện sớm hơn mọi năm, nhiều người chưa kịp tiêm phòng cúm nhắc lại dễ bị nặng hơn.

Điều trị bệnh nhân mắc cúm tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội).

Nhiều ca phải nhập viện

Mới đây, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận điều trị một bệnh nhân nữ (40 tuổi, ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) được chuyển từ tuyến dưới lên với chẩn đoán: Suy hô hấp, cúm, viêm phổi.

Bệnh nhân khởi phát với các biểu hiện: Sốt cao, gai rét liên tục, kèm theo ho khạc đờm, đau mỏi cơ, đau nặng đầu, không nôn, tức ngực khó thở tăng dần. Bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện điều trị nhưng sau 1 ngày không cải thiện, tình trạng nặng tăng dần, bệnh nhân được chuyển tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi.

Ngay lập tức bệnh nhân được cho thở oxy kính, sau đó chuyển sang thở oxy mask và đặt ống thở máy. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn không đáp ứng với thở máy nên các bác sĩ đã tiến hành đặt ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo).

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc cúm A trên nền suy tủy. Với biện pháp đặt ECMO phổi, tình trạng bệnh nhân có tiển triển hơn.

Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Với các trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm A trên nền suy giảm miễn dịch thì sẽ nặng hơn bệnh nhân thường. Các đối tượng có yếu tố nguy cơ bị nặng khi mắc cúm A như: Người cao tuổi (trên 65 tuổi), bệnh nhân có mắc các bệnh nền về tim mạch, hô hấp, tiểu đường, các bệnh lý về máu, trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai…

Còn tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cũng ghi nhận nhiều trường hợp nhập viện vì cúm A. Tại khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện có khoảng 20 ca mắc cúm A đang nằm điều trị.

BS CKII Trần Thị Hoài, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết: “Thời gian gần đây, số bệnh nhân đến khám và nhập viện do cúm tại Bệnh viện tương đối cao. Trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân đến khám, làm test cúm; trong đó, số ca dương tính với cúm A trung bình khoảng hơn 30 ca/ngày. Các bệnh nhân vào viện chủ yếu trong tình trạng: Sốt cao, mệt mỏi, có ghi nhận một số trường hợp viêm phổi; có gặp các trường hợp suy hô hấp nhưng không nhiều (khoảng 2 ca). Chủ yếu người bệnh nhập viện với các triệu chứng toàn thân, gây nên tình trạng khó chịu cho người bệnh, viêm long đường hô hấp, nhập viện để theo dõi, tránh biến chứng”.

Theo BS. Trần Thị Hoài, Bệnh viện bố trí các khu khám sàng lọc riêng tại các khoa để sàng lọc các bệnh nhân có dấu hiệu lâm sàng nghi cúm. Các trường hợp có biểu hiện như: Sốt, viêm long đường hô hấp, đau mỏi người thì được làm test cúm A. Tùy trường hợp và mức độ của người bệnh, các bác sĩ sẽ kê đơn cho người bệnh về tự theo dõi tại nhà hoặc cho vào điều trị nội trú; khi bệnh nhân vào nội trú được trí vào khu vực điều trị cách ly riêng tại khoa Truyền nhiễm.

Cũng theo BS. Trần Thị Hoài, với các trường hợp mắc cúm A kèm theo các dấu hiệu dễ chuyển nặng như: Đau mỏi người quá nhiều, mệt quá không ăn uống được, sốt cao liên tục, có tình trạng ho nhiều, tức ngực khó thở… thì phải đến các cơ sở y tế khám ngay để loại trừ trường hợp viêm phổi do cúm A; và để có phác đồ điều trị sớm nhất; tránh trường hợp nặng quá mới vào viện.

Các trường hợp mắc cúm A nhập viện chủ yếu do các triệu chứng toàn thân gây khó chịu cho người bệnh.

Dịch cúm A đến sớm hơn do miễn dịch từ tiêm vaccine giảm

“Qua quan sát tình hình các bệnh nhân mắc cúm A cho thấy, năm nay, dịch cúm A có sự khác biệt so với mọi năm. Nếu năm ngoái, thời điểm cao điểm của dịch vào khoảng tháng 9- tháng 10 thì năm nay ngay từ tháng 7 đã xuất hiện các ca mắc cúm A trên địa bàn Hà Nội”, BS. Trần Thị Hoài cho biết.

Theo đó, người dân thường tiêm phòng cúm vào thời điểm trước mùa đông- xuân (khoảng tháng 8 hàng năm); trong khi năm nay dịch cúm đến sớm hơn nên đa số các bệnh nhân đều trong tình trạng chưa tiêm phòng cúm. Đây cũng có thể là lý do khiến tình trạng người dân mắc cúm A nặng hơn mọi năm.

“Vaccine cúm được tiêm định kỳ hàng năm, lại chỉ phòng được một số chủng cúm; vì vậy gần đến mùa cúm thì miễn dịch trong cơ thể sẽ giảm xuống, người dân chưa kịp tiêm nhắc lại dễ bị nặng hơn, dễ lây lan hơn”, BS. Trần Thị Hoài nhận định.

Theo BS. Trần Văn Phúc, để phòng tránh cúm A, những người có yếu tố nguy cơ nên tiêm phòng cúm hàng năm để phòng bệnh. Đặc biệt, đối với những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ trở nặng khi bị nhiễm cúm A thì không nên tự điều trị mà nên đến các cơ sở y tế khám để được tư vấn chuyên khoa, cùng theo dõi và chỉ định phù hợp, tránh biến chứng nặng.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo, triệu chứng của bệnh cúm mùa rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác, việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Để chủ động phòng chống bệnh cúm mùa, bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân khi có triệu chứng: Ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Mỗi người cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp. Đặc biệt, cần đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi); không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

Người dân cũng hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Đồng thời, thực hiện lối sống lành mạnh, tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

Theo báo Tin tức

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch cúm A đến sớm, nhiều người chưa tiêm phòng dễ biến chứng nặng