Đau ngực là triệu chứng của bệnh gì?

05/12/2022 09:05

Đau ngực là một trong những biểu hiện rất thường gặp. Nhiều người khi đau ngực thường lo sợ mắc bệnh lý tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim nhưng thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến đau ngực.

Có nhiều nguyên nhân gây đau ngực, trong đó có một số nguyên nhân rất nguy hiểm cần được phát hiện và xử lý kịp thời.

1. Một số nguyên nhân gây đau ngực

- Nguyên nhân đau ngực do bệnh động mạch vành

Đau thắt ngực do bệnh động mạch vành thường gặp nhất. Bệnh động mạch vành gồm: nhồi máu cơ tim, đau thắt ngực ổn định, đau thắt ngực không ổn định… Đây là một trong những nguyên nhân đau ngực hay gặp và cần có thái độ kịp thời. Các biểu hiện của bệnh mạch vành thường xảy ra ở những người có tuổi và ngày nay cũng không ít những người trẻ tuổi cũng mắc phải căn bệnh này. Các yếu tố nguy cơ của tim mạch như tăng huyết áp, hút thuốc, tiểu đường, rối loạn lipid máu…

Tuy nhiên, có những cơn đau ngực do thiếu máu cơ tim không phải do bệnh động mạch vành mà do các nguyên nhân khác cũng gây ra bệnh cảnh đau ngực trên lâm sàng gần giống với bệnh động mạch vành vì những nguyên nhân cơ học, huyết động hoặc thiếu hụt máu, oxy…dẫn đến tình trạng do cơ tim cũng bị thiếu máu.

Đau ngực không chỉ là bệnh lý tim mạch mà do nhiều nguyên nhân  - Ảnh 1.

Đau ngực có rất nhiều nguyên nhân khác nhau

Trong đó thường gặp là: Hẹp van động mạch chủ, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, tăng huyết áp nặng, tăng áp động mạch phổi và tim phải nhiều, hở van động mạch chủ, thiếu máu nhiều, thiếu oxy nhiều. Hoặc các rối loạn nhịp tim nặng, những đau ngực do một số bệnh tim mạch khác, tách thành động mạch chủ, bệnh màng ngoài tim, sa van hai lá.

- Nguyên nhân đau ngực do tâm lý

Nhiều người thường than phiền đau ngực nhưng không hề có biểu hiện tổn thương gì ngoài do tâm lý. Đây cũng là nguyên nhân khá hay gặp trong các phòng khám. Việc chẩn đoán hết sức tế nhị cần dựa trên việc loại trừ các nguyên nhân thực tổn khác. Các rối loạn lo âu, trầm cảm, hội chứng rối loạn thần kinh tim, tự kỷ ám thị…cũng có biểu hiện này.

- Nguyên nhân đau ngực do bệnh lý hệ tiêu hóa

Trên thực tế có người thấy biểu hiện đau ngực lo lắng tim mạch đi khám các bác sĩ thì phát hiện ra bệnh đường tiêu hóa. Bởi ở các bệnh tiêu hóa đôi khi gây cảm giác đau ngực nhiều mà rất dễ nhầm với đau thắt ngực do bệnh động mạch vành. Trong đó phải kể đến các bệnh như: Co thắt tâm vị; Trào ngược dạ dày-thực quản; Bệnh lý thực quản khác (do khối u, viêm, tách thành thực quản…); Loét dạ dày-tá tràng hay một số cơn đau cấp của viêm tụy cấp, bệnh gan mật…cũng đôi khi có biểu hiện đau vùng ngực.

- Nguyên nhân đau ngực do hệ thần kinh cơ

Một số bệnh lý do thần kinh cơ có thể đau ngực, cụ thể là các bệnh lý cột sống ngực, bệnh xương sườn, xương ức; Viêm khớp ức sườn (hội chứng tietze); Đau do bệnh cơ thành ngực, căng cơ và ngay cả nhiễm virus Herpes zoster hoặc Hội chứng đau thần kinh liên sườn… cũng có biểu hiện đau ngực.

- Nguyên nhân đau ngực do bệnh phổi và trung thất

Các bệnh liên quan đến phổi và trung thất cũng có biểu hiện đau ngực, cụ thể tắc mạch phổi là một trong những bệnh lý khá trầm trọng gây nhầm lẫn với bệnh mạch vành cấp hay tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, viêm màng phổi. Hoặc các bệnh lý trong phổi: viêm phế quản, viêm phổi, u phổi, áp xe phổi W…; Bệnh lý vùng trung thất ( u, tràn dịch, tràn khí…)… cũng gây đau ngực.

2. Những yếu tố tác động đến đau ngực

Các yếu tố khiến cho tình trạng đau ngực là người bệnh gắng sức, Stress tâm lý, thay đổi tư thế, nhịp thở, tác động bên ngoài vào (ví dụ ấn tay), hoặc dùng một số thuốc (nitroglycerin)… làm thay đổi tính chất đau ngực cũng là những thông tin quan trọng giúp thầy thuốc tìm nguyên nhân.

Thông thường, đau thắt ngực do bệnh động mạch vành thường xảy ra khi gắng sức, đỡ khi nghỉ hoặc dùng nitroglycerin, đau ngực do bệnh màng tim hoặc phổi thường bị ảnh hưởng của tư thế hoặc nhịp thở, đau khi chạm hoặc ấn vào thành ngực như viêm khớp ức sườn, hội chứng thần kinh liên sườn, virus herpes. Đau do nguyên nhân tiêu hóa lại thường liên quan đến bữa ăn (sau ăn hoặc khi đói), tăng khi nằm và không đỡ khi nghỉ hoặc dùng

3. Khi thấy đau ngực cần làm gì?

Khi thấy có biểu hiện đau ngực người bệnh cần bình tĩnh, không quá hoảng loạn. Cần ngồi nghỉ sau đó cần sự hỗ trợ của người thân để được đưa tới cơ sở y tế thăm khám toàn diện từ đó có thể có định hướng tốt nhất cho chẩn đoán phân biệt cũng như tiên lượng bệnh hoặc tim các biến chứng xảy ra.

Ngoài việc khai thác bệnh sử, người bệnh cần mô tả các biểu hiện của tình trạng đau ngực.

- Nếu là nguyên nhân bệnh động mạch vành thì đặc điểm rõ nhận biết là tình trạng đau như thắt, bóp nghẹt hoặc đè nặng (như hòn đá nặng đè hoặc như ai thò tay vào ngực bóp mạnh) ngay sau xương. Vị trí rất quan trọng trong định hướng đau ngực, do động mạch vành thường ngày sau xương ức và kinh điển là lan lên cằm rồi lan lên vai trái sau đó xuống mặt trong cánh tay trái. Đôi khi lan lên hàm hoặc vai phải. Nếu đau ngực nhiều, sâu và lan về phía sau lưng cần nghĩ tới tách thành mạch chủ.

- Nếu là nguyên nhân bệnh trào ngược thực quản có thể là tình trạng đau rát bỏng từ bụng lên. Vị trí những đau có liên quan đến vùng thượng vị hoặc lan đến thượng vị cần chú ý đến bệnh lý hệ tiêu hóa.

- Nếu là nguyên nhân bệnh màng tim hoặc màng phổi có thể là tình trạng đau rát theo nhịp thở. Vị trí rất quan trọng trong định hướng đau ngực

- Nếu là nguyên nhân thần kinh, tâm lý hoặc cơ học tại chỗ có thể là đau nhấm nhói như dùi đâm tại một điểm. Vị trí thường đau tại những vị trí cố định và liên tục thì cần tìm nguyên nhân do viêm nhiễm tại chỗ hoặc bệnh lý thần kinh - cơ…

Tóm lại: Đau ngực có rất nhiều nguyên nhân, nên không phải cứ đau ngực là biểu hiện của bệnh tim mạch nên người bệnh không quá lo lắng hoảng hốt nhưng cũng không được chủ quan. Để chẩn đoán ngoài khám lâm sàng các bác sĩ sẽ chỉ định làm các kỹ thuật như: Điện tim đồ; Chụp X-quang tim phổi; Các xét nghiệm máu cơ bản hoặc một số thăm dò sâu hơn có thể được thực hiện ở những cơ sở y tế phù hợp như: siêu âm tim, siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực, chụp động mạch vành…

Vì vậy, khi có biểu hiện đau ngực cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và đánh giá cụ thể để từ đó tìm được nguyên nhân đưa ra phác đồ điều trị. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc theo mách bảo, kể cả thuốc bổ.

Theo Sức khỏe và Đời sống

(0) Bình luận
Đau ngực là triệu chứng của bệnh gì?