Thấy gì từ Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công?

14/05/2022 07:30

2 năm gần đây, Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hải Dương liên tục giảm. Để tạo sự bứt phá trong cải thiện PAPI đòi hỏi các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa.


Hải Dương đang đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 cho người dân, doanh nghiệp. Trong ảnh: Cán bộ tư pháp-hộ tịch tại bộ phận “một cửa” xã Cộng Hòa (Kim Thành) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân qua mạng

4 chỉ số thành phần giảm điểm

Theo báo cáo PAPI, năm 2021, Hải Dương là 1 trong 16 tỉnh, thành phố trong cả nước thuộc nhóm trung bình cao về PAPI. Mặc dù vẫn nằm trong nhóm trung bình cao nhưng so với năm 2020 tổng điểm các chỉ số thành phần của Hải Dương giảm 0,13 điểm, so với năm 2019 giảm 3,06 điểm. 

Năm 2021, trong 8 chỉ số thành phần, Hải Dương có 4 chỉ số giảm điểm so với năm 2020 gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở (giảm 0,33 điểm); trách nhiệm giải trình với người dân (giảm 0,73 điểm); kiểm soát tham nhũng trong khu vực công (giảm 0,14 điểm) và quản trị môi trường (giảm 0,49 điểm). Đáng chú ý, đây là năm thứ hai liên tiếp chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở và trách nhiệm giải trình với người dân bị giảm điểm. Ở 8 chỉ số thành phần Hải Dương cũng không có chỉ số nào đạt điểm cao nhất trong cả nước. 

Gần đây, cử tri xã Kim Xuyên (Kim Thành) đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương về việc lấn chiếm đất công của một số cá nhân tại thôn Quỳnh Khê. Các cử tri cho rằng họ đã nhiều lần kiến nghị nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa có giải trình, trả lời thỏa đáng. Cũng chính sự không giải trình, giải quyết kịp thời này khiến cho cách đánh giá, nhìn nhận của người dân về trách nhiệm giải trình của chính quyền ít nhiều bị ảnh hưởng.  

PAPI được coi như thước đo sự hài lòng, là tiếng nói của người dân đánh giá về chính quyền nơi họ cư trú, sinh sống và làm việc. Thông qua sự đánh giá này là căn cứ để chính quyền các cấp nhìn lại mình, từ đó có những điều chỉnh để phục vụ nhân dân tốt hơn. Tuy nhiên, thông tin từ báo cáo cho thấy PAPI của Hải Dương những năm qua chưa có sự bứt phá rõ rệt, có chỉ số còn ở mức thấp so với cả nước như: kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, quản trị môi trường.

Những điểm sáng 

Mặc dù có 4 chỉ số giảm điểm so với năm 2020 nhưng Hải Dương cũng có 4 chỉ số tăng điểm gồm: công khai, minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công và quản trị điện tử. Trong đó, chỉ số cung ứng dịch vụ công đạt 7,8 điểm, tăng 0,86 điểm; công khai minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương đạt 5,45 điểm, tăng 0,62 điểm; quản trị đầu tư đạt 3,06 điểm, tăng 0,57 điểm; thủ tục hành chính công đạt 7,34 điểm, tăng 0,17 điểm. 

Kết quả này đã phản ánh đúng thực tế bởi thời gian qua vượt lên những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Hải Dương đã có nhiều giải pháp đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Hiện tỉnh có trên 90% số thủ tục hành chính đã được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4 trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng, trước hạn chiếm trên 90%. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm tập trung cắt giảm thời gian giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Nhiều địa phương, đơn vị có những cách làm hiệu quả giúp người dân tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Điều này giúp sự hài lòng của người dân với chính quyền trong giải quyết thủ tục hành chính công ngày càng tăng. 

Bà Trần Thị Phương Thảo ở phố Mai Hắc Đế (TP Hải Dương) cho biết đầu tháng 5 vừa qua bà cần làm thủ tục chứng thực bản sao giấy khai sinh. Khi ra phường Cẩm Thượng làm thủ tục, bà được cán bộ tại bộ phận “một cửa” ở đây hướng dẫn làm thủ tục thông qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. “Sau khi được cán bộ phường hỗ trợ mở tài khoản công dân điện tử và hướng dẫn tận tình các bước thực hiện, tôi thấy cũng không quá khó làm. Sau này có bất cứ thủ tục gì cần giải quyết tôi sẽ thực hiện qua mạng vừa không phải đi lại, vừa đỡ mất thời gian”, bà Thảo nói.

Để tạo sự bứt phá trong cải thiện Chỉ số PAPI thời gian tới đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh cần đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó cần chú trọng đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao đạo đức công vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. UBND các cấp tăng cường cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu chính quyền với nhân dân, doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các ý kiến, kiến nghị...

HÀ VY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Thấy gì từ Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công?