Xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đồng hành cùng phụ nữ

20/10/2020 09:33

Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều cách làm đổi mới, sáng tạo, thu hút được hội viên tham gia.


Phong trào thi đua do các cấp Hội Phụ nữ phát động đã góp phần vào sự phát triển của địa phương

90 năm đồng hành cùng dân tộc, phụ nữ Hải Dương đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tô thắm thêm trang sử hào hùng, xứng danh con cháu Bà Trưng - Bà Triệu.

Lịch sử vẻ vang

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 10.1930, tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất, Đảng đã ra Nghị quyết về công tác vận động phụ nữ. Căn cứ vào Nghị quyết về phụ nữ vận động và Điều lệ phụ nữ Liên hiệp hội do Trung ương Đảng đề ra (tháng 10.1930), Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ IV (năm 1974) đã quyết định lấy ngày 20.10.1930 là ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam. 

Năm 1940, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Hải Dương, các nhóm phụ nữ và một số gia đình cơ sở cách mạng được phát triển ở nhiều nơi, trong đó tổ chức Phụ nữ phản đế ở Tạ Xá (Nam Sách) hoạt động tích cực nhất. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Ban Cán sự Việt Minh tỉnh, hệ thống tổ chức phụ nữ cứu quốc các cấp trong tỉnh dần hình thành. Đầu năm 1947, Hội LHPN Hải Dương được thành lập. Qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, cùng quân và dân trong tỉnh, các tầng lớp phụ nữ Hải Dương vừa chiến đấu và phục vụ chiến đấu, vừa sản xuất cung cấp lương thực cho tiền tuyến, chăm sóc thương binh, tham gia tự vệ, dân quân du kích… Đội nữ du kích Hoàng Ngân, du kích đường 5, nữ du kích Mạc Thị Bưởi, phong trào "đòn gánh đánh Tây"… đã trở thành nỗi ám ảnh đối với quân địch. Từ phong trào "Hũ gạo kháng chiến", "Ba đảm đang", "Phụ nữ 5 tốt"... đã xuất hiện những nữ anh hùng trong chiến đấu, lao động sản xuất và hàng nghìn phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực. 

Khi đất nước thống nhất, Hội Phụ nữ Hải Dương lại tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động cho phù hợp với nhiệm vụ của giai đoạn cách mạng mới. Những phong trào thi đua "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", "Lao động sản xuất, tiết kiệm xây dựng cuộc sống mới"… đã lôi cuốn đông đảo các tầng lớp phụ nữ tham gia, tạo nên bầu không khí thi đua sôi nổi, hăng say trên khắp các cánh đồng, nhà máy, xí nghiệp, công sở... Năm 1997, tỉnh Hải Dương được tái lập, bên cạnh việc sắp xếp bộ máy, phụ nữ Hải Dương tiếp tục ra sức phấn đấu, thi đua, triển khai thực hiện hai phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc" và "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước". 

Đổi mới hoạt động

Đất nước bước vào công cuộc đổi mới, đời sống người dân được nâng cao đòi hỏi tổ chức hội phải vừa đại diện cho phụ nữ, vừa là nơi tập hợp, gắn kết chị em. Vì thế, các cấp hội đã có nhiều cách làm đổi mới, tạo sân chơi hấp dẫn, thật sự đồng hành cùng chị em để thu hút hội viên tham gia.

Đến nay, các cấp hội trong tỉnh đang quản lý, điều hành nguồn vốn gần 3.000 tỷ đồng từ các tổ chức tín dụng cho hơn 60.200 lượt hội viên vay phát triển kinh tế, xây dựng các công trình vệ sinh, đầu tư cho con em ăn học, cải tạo nhà ở. Toàn tỉnh hỗ trợ thành lập được 6 HTX do phụ nữ quản lý; kết nối kinh doanh, tìm đầu ra cho sản phẩm của 2 tổ hợp tác, 71 tổ liên kết phát triển kinh tế và 22 mô hình dịch vụ gia đình. Chỉ tính trong 10 năm (2010-2020), hơn 42.000 lượt hộ phụ nữ nghèo được các cấp hội giúp đỡ, trong đó có gần 20.000 hộ thoát nghèo. Quan tâm đến các gia đình chính sách, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo, hằng năm các cấp hội đã trao tặng hàng nghìn suất quà trị giá hàng tỷ đồng. Từ năm 2009, các cấp hội đã vận động cán bộ, hội viên quyên góp cùng sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân xây và sửa chữa được 588 ngôi nhà "Mái ấm tình thương", công trình nước sạch vệ sinh môi trường với tổng số tiền gần 15 tỷ đồng.

Chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, các cấp hội có nhiều sáng tạo với các mô hình mới, cách làm hay. Hằng năm, các cấp hội phối hợp tổ chức hàng trăm lớp tập huấn, truyền thông kiến thức gia đình, nuôi dạy con cho hàng chục nghìn lượt cán bộ, hội viên; thành lập được 1.301 câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc với 59.773 thành viên. Toàn tỉnh hiện có 50 mô hình  "Phụ nữ với công tác an ninh trật tự", "Xóm tự quản về an ninh trật tự". Hội Phụ nữ tỉnh nhận giúp đỡ 2 xã biên giới Phu Luông, Mường Lói (Điện Biên). Với những cố gắng của các cấp hội, nhiều mô hình tập hợp hội viên có hiệu quả được hình thành và nhân rộng. Hiện tỷ lệ tập hợp phụ nữ từ 18 tuổi trở lên tham gia sinh hoạt đạt 84,5%. 

Thời gian tới, các cấp hội tiếp tục thực hiện hiệu quả các phong trào, cuộc vận động, nội dung đã đăng ký với cấp ủy các cấp trong tham gia xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; tập trung triển khai hiệu quả các đề án của Chính phủ về hỗ trợ phụ nữ phát triển trên địa bàn tỉnh, chương trình đồng hành cùng phụ nữ biên cương; thực hiện 2 khâu đột phá về nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động hội và làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tham mưu đề xuất chính sách, góp phần giải quyết các vấn đề thiết thân của phụ nữ...

VŨ THỊ THỦY
Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh

(0) Bình luận
Xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đồng hành cùng phụ nữ