Xã Chí Minh: Lúng túng ngày đầu hoạt động

03/12/2019 10:43

Bộ máy của xã Chí Minh (Tứ Kỳ) sau sáp nhập hoạt động còn lúng túng trong việc giải quyết thủ tục cho người dân.


Trụ sở xã Chí Minh ngày đầu tiên sau sáp nhập

Gián đoạn

Xã Chí Minh được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 xã Tây Kỳ, Đông Kỳ và Tứ Xuyên. Trụ sở đơn vị hành chính mới đặt tại xã Tây Kỳ cũ. Sau sáp nhập, xã Chí Minh có diện tích tự nhiên 14,64 km2, dân số 10.698 người.

Sáng 2.12 - ngày làm việc đầu tiên của bộ máy hành mới, tại bộ phận “một cửa” của UBND xã, một vài người dân đến xin chứng thực văn bản, xin chữ ký xác nhận giấy nghỉ phép, đăng ký kết hôn lại… nhưng tất cả đều phải ra. Chị Nguyễn Thị Tươi, cán bộ bộ phận "một cửa" cho biết các thủ tục ở đây chưa thể giải quyết. Cán bộ trực mới chỉ dừng lại ở việc tiếp dân, giải thích và hẹn người dân lùi lịch làm việc.

Giải thích về việc này, ông Nguyễn Thế Đậu, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Chí Minh cho biết con dấu mới của UBND xã Chí Minh đã có nhưng chưa thể sử dụng. “Các chức danh lãnh đạo UBND xã mới được bầu ngày hôm trước chưa có quyết định phê chuẩn nên chúng tôi chưa thể ký giải quyết thủ tục cho người dân”, ông Đậu nói.

Cũng theo ông Đậu, trong sáng 2.12, bộ máy của đơn vị mới vẫn chưa thể họp để phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, vị trí. Đảng ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã Chí Minh còn phải làm việc với Hội đồng Bàn giao tài sản, tài chính ngân sách của huyện.

Tại Công an xã, tuy có 3 đồng chí công an chính quy đã về địa phương nhưng chưa thể giải quyết thủ tục cho người dân do chưa có con dấu.

Theo đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, sau khi HĐND xã bầu và thông qua nghị quyết xác nhận kết quả bầu cử, các chức danh lãnh đạo HĐND, UBND xã có đủ thẩm quyền pháp lý để giải quyết các công việc theo quy định của pháp luật. Việc cho rằng phải đợi quyết định phê chuẩn kết quả bầu cử các chức danh lãnh đạo UBND mới giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân như ở xã Chí Minh là không đúng.   


Bộ phận "một cửa" ở xã Chí Minh chưa giải quyết thủ tục cho người dân ngày đầu sau sáp nhập

Nhiều khó khăn trước mắt

Ngoài việc sớm phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận, vị trí việc làm, ổn định tình hình ở địa phương thì việc sắp xếp nhân sự là khó khăn, vướng mắc nhất. Ông Nguyễn Doãn Dương, Bí thư Đảng ủy xã Chí Minh khẳng định việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã là chủ trương lớn của Đảng nhằm từng bước sắp xếp, kiện toàn bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, việc tinh giản được số cán bộ dôi dư theo đúng lộ trình, sắp xếp họ về đâu, làm gì là điều không dễ dàng.

Hiện nay, xã Chí Minh có 13 cán bộ gồm 1 Bí thư, 6 Phó Bí thư (1 Phó Bí thư là Chủ tịch HĐND, 1 Phó Bí thư là Chủ tịch UBND), 3 Phó Chủ tịch HĐND, 3 Phó Chủ tịch UBND; 51 cán bộ, công chức; 38 người hoạt động không chuyên trách.

Theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, chậm nhất 5 năm sau sáp nhập, số cán bộ lãnh đạo phải bảo đảm theo quy định. Theo tiêu chí hiện nay, Chí Minh có thể được xếp vào xã loại II, chỉ được bố trí 21 cán bộ, công chức, dôi dư 30 người; 12 người hoạt động không chuyên trách, dôi dư 26 người.

Lực lượng công an của 3 xã trước kia gồm 3 Trưởng Công an, 3 Phó Trưởng Công an cũng chưa có phương án sắp xếp. Lãnh đạo MTTQ và các đoàn thể cũng chưa được kiện toàn.

Ngoài ra, đường đi từ xã Đông Kỳ cũ qua cánh đồng sang trụ sở xã mới chưa được xây dựng, người dân vẫn phải đi vòng qua đường tỉnh 391 nên còn xa. Ông Dương cho biết thêm còn nhiều khó khăn phải chờ hướng dẫn cụ thể từ cấp trên như việc sử dụng trụ sở các xã còn lại sao cho hiệu quả. Việc công nhận xã nông thôn mới đối với Chí Minh khi 2 xã Tây Kỳ và Tứ Xuyên trước đây đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới còn xã Đông Kỳ thì chưa…

Hiện nay, hệ thống các trường học, trạm y tế xã ở địa phương vẫn giữ nguyên hiện trạng. Theo lãnh đạo xã Chí Minh, trong tháng 12 này, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch sáp nhập các đơn vị này.

LÊ HƯƠNG - THÀNH CHUNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Xã Chí Minh: Lúng túng ngày đầu hoạt động