Số vụ việc bạo lực gia đình được phát hiện, thống kê giảm dần

23/03/2022 17:40

Sáng 23.3, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm việc với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về đánh giá kết quả thực hiện Luật Phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên địa bàn tỉnh.


Đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu kết luận buổi làm việc

Tại buổi làm việc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh kiến nghị, đề xuất với Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều trong Luật Phòng chống BLGĐ, Dự thảo Luật Phòng chống BLGĐ (sửa đổi). Cụ thể như điểm d, khoản 1, điều 19 Luật Phòng chống BLGĐ quy định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc nạn nhân bị BLGĐ phải “có đơn yêu cầu của nạn nhân, có sự đồng ý của nạn nhân” là chưa phù hợp; theo điểm c, khoản 1, điều 20 thì điều kiện để cấm tiếp xúc là “người có hành vi BLGĐ và nạn nhân BLGĐ có nơi ở khác nhau trong thời gian cấm tiếp xúc" không khả thi. Tại điều 12 Dự thảo Luật Phòng chống BLGĐ (sửa đổi) đề nghị bổ sung thêm trách nhiệm, nghĩa vụ của người gây BLGĐ liên quan đến việc chăm sóc người bị bạo lực với trường hợp có quyết định áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc…

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao kết quả thực hiện Luật Phòng chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu tổ chức tuyên truyền nội dung này với nhiều hình thức như các cuộc thi, gameshow; tham mưu triển khai hiệu quả các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch, mô hình về phòng chống BLGĐ; đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong thực hiện Luật Phòng chống BLGĐ… Đồng chí Nguyễn Thị Việt Nga cũng chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong thực hiện công tác này như hệ thống luật còn một số mâu thuẫn, tổ chức bộ máy chưa thống nhất từ Trung ương đến địa phương, kinh phí thực hiện ít, hầu như chưa có cán bộ chuyên trách công tác gia đình ở cấp huyện, việc bố trí cán bộ văn hóa ở cấp huyện, xã còn chưa chú ý tới năng lực, tuyên truyền chỉ tập trung vào một số thời điểm trong năm như Ngày Gia đình Việt Nam, Quốc tế Hạnh phúc, các Tháng hành động quốc gia về phòng chống BLGĐ, Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới…

Những năm qua, số vụ việc BLGĐ trong tỉnh được phát hiện, thống kê giảm dần. Năm 2012 phát hiện 299 vụ, 16 nạn nhân dưới 16 tuổi bị BLGĐ. Năm 2019, số vụ giảm còn 39 vụ, năm 2020 là 28 vụ, năm 2021 là 17 vụ; số nạn nhân giảm xuống còn 2 người năm 2019; các năm 2020, 2021 không có nạn nhân nào.

VIỆT QUỲNH

(0) Bình luận
Số vụ việc bạo lực gia đình được phát hiện, thống kê giảm dần