Những "chiến binh" trở về từ tâm dịch

25/10/2021 08:55

Sau hơn 2 tháng thực hiện sứ mệnh cao cả hỗ trợ TP Hồ Chí Minh chống dịch, những "chiến binh áo trắng" của ngành y tế Hải Dương đã trở về trong niềm tự hào và sự trông ngóng đoàn tụ của gia đình, đồng nghiệp.


Cán bộ y tế đoàn công tác số 2 tại Bệnh viện dã chiến số 16, TP Hồ Chí Minh

Chia tay TP Hồ Chí Minh, 71 cán bộ của ngành y tế Hải Dương đã trở về trong niềm tự hào hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 tại đây.

Hết lòng vì người bệnh

71 cán bộ y tế Hải Dương được chia làm 2 đợt vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh và nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện dã chiến số 7. Đoàn 1 gồm 41 người do bác sĩ Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh làm trưởng đoàn nhận nhiệm vụ từ ngày 15.7. Ngày 29.8, đoàn cán bộ y tế thứ 2 được ngành y tế tỉnh điều động vào tăng cường chống dịch.

Bác sĩ Nguyễn Thế Anh chia sẻ, đây có lẽ là chuyến đi công tác dài ngày nhất đối với anh và các thành viên trong đoàn. Là người có nhiều kinh nghiệm trong điều trị bệnh nhân Covid-19 trong các đợt dịch tại Hải Dương nên anh đã sát cánh cùng đồng nghiệp thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Nhiều đề xuất của anh và thành viên đoàn được bệnh viện dã chiến tại TP Hồ Chí Minh áp dụng trong việc quản lý, điều trị bệnh nhân. 

Ngày 29.8, điều dưỡng Đồng Chí Hiếu ở Trung tâm Y tế TP Chí Linh lên đường vào TP Hồ Chí Minh chống dịch. Ngày anh đi, bố mẹ, vợ, con cùng tiễn tại sảnh trụ sở Sở Y tế. Chia tay bịn rịn song khi vào tới TP Hồ Chí Minh, anh đã gác lại nỗi nhớ người thân, đặt ra mục tiêu cho mình là không dao động, không tiếc nuối điều gì, chỉ cần nghĩ đến ý nghĩa những nhiệm vụ mình sắp phải làm. Tại Bệnh viện dã chiến số 7 ở phường An Khánh, TP Thủ Đức, điều dưỡng Hiếu cùng đồng nghiệp nhận nhiệm vụ tại tòa nhà B1, 24 tầng. Tại đây, khi cao điểm có tới 700 bệnh nhân Covid-19 điều trị. Nơi đây cũng điều trị cho những phụ nữ đang mang thai. Việc chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 thường đã vất vả nhưng việc điều trị, chăm sóc các thai phụ nhiễm Covid-19 càng áp lực và khó khăn hơn.


Thành viên đoàn cán bộ y tế Hải Dương tại sân bay Tân Sơn Nhất trước giờ bay về Hải Dương

Bác sĩ Trần Quốc Bảo ở Trung tâm Y tế huyện Cẩm Giàng chia sẻ: “Khi tiếp xúc với bệnh nhân Covid-19 ở rất nhiều vùng miền, nhiều cảnh ngộ nên ngoài việc đồng cảm, hết mình chăm sóc cho bệnh nhân, chúng tôi còn phải mềm mỏng, gần gũi, yêu thương pha chút dí dỏm để động viên và trấn an tinh thần họ".

Sau một thời gian làm việc tại Bệnh viện dã chiến số 7, 30 thành viên đoàn cán bộ số 2 của tỉnh Hải Dương được điều chuyển sang Bệnh viện dã chiến số 16. Bệnh viện gồm 5 khu nhà D, H, G, E và F, trong đó khu F là nơi điều trị bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng. Ở đây công việc nhiều, di chuyển thường xuyên, các khu rất rộng nên cán bộ y tế thường di chuyển bằng xe đạp điện hoặc đi bộ. Tại bệnh viện này, áp lực công việc nhiều hơn khi phần lớn bệnh nhân phải thở oxy và thở máy. Những lúc tiêm, truyền, điều trị, cán bộ y tế thường trò chuyện cùng bệnh nhân tạo không khí thoải mái và gần gũi. Với những bệnh nhân nặng, cán bộ y tế vừa chăm sóc, vừa cho bệnh nhân ăn, thay bỉm, thu dọn rác thải. Những hôm thời tiết nóng nực, mặc quần áo bảo hộ kín từ đầu tới chân, khu điều trị là nhà mái tôn rất nóng, nỗi vất vả, mệt mỏi càng nhiều hơn.


Điều dưỡng Đồng Chí Hiếu với bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 7

Lắng đọng những tình cảm đẹp

Trong lúc hoạn nạn, khó khăn, tình cảm của người thầy thuốc và bệnh nhân lại càng ấm áp. Điều dưỡng Hiếu đã không cầm được nước mắt khi chứng kiến gia đình người dân tộc Khơ-me với 6 thành viên đều nhiễm Covid-19. Người cao tuổi nhất 68 tuổi và nhỏ nhất mới 10 tháng tuổi. Toàn bộ gia đình mới vào TP Hồ Chí Minh sinh sống, tiếng Kinh nói chưa rõ nên khi cần trao đổi, điều dưỡng Hiếu và đồng nghiệp lại dùng những hành động để diễn tả. Với tình thương và sự chăm sóc nhiệt tình của đội ngũ cán bộ y tế, sau 11 ngày điều trị, cả gia đình người dân tộc Khơ-me đã được xuất viện. 

Rất nhiều những trường hợp vô cùng éo le được các bác sĩ, điều dưỡng của đoàn Hải Dương chứng kiến và nhớ mãi khi chia tay TP Hồ Chí Minh. Điển hình như trường hợp của cháu Nguyễn Văn Nhựt Tr. (8 tuổi), do bệnh bẩm sinh nên cháu rất nhỏ. Mẹ cháu mất vì nhiễm Covid-19, bố thì cách ly tại tỉnh Bình Dương nên bà phải chăm sóc cháu. Thấu hiểu thiệt thòi, mất mát của cháu nên những cán bộ của đoàn y tế Hải Dương đều dành những tình cảm đặc biệt và hỗ trợ cháu như người thân trong gia đình. 

Trở về Hải Dương, gia đình và đồng nghiệp đang trông ngóng sự đoàn tụ của các chiến binh áo trắng thực hiện sứ mệnh cao cả chống dịch tại TP Hồ Chí Minh. Các anh chị đã hy sinh thầm lặng. Có những cán bộ phải nhập viện cấp cứu điều trị bệnh lý thường, những cán bộ nữ có con nhỏ nhưng vẫn đi công tác, nhớ nhà, nhớ con chỉ biết lặng lẽ khóc một mình… Họ vẫn vượt lên mọi hoàn cảnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

ĐỨC THÀNH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những "chiến binh" trở về từ tâm dịch