Kinh nghiệm khống chế dịch từ hai điểm nóng

31/12/2021 07:00

Tuy là hai điểm nóng về dịch Covid-19 nhưng nhờ linh hoạt trong triển khai các biện pháp phòng chống dịch, đồng thời nêu cao vai trò người đứng đầu nên Ninh Giang và Tứ Kỳ đã cơ bản kiểm soát được tình hình.


Lãnh đạo Huyện ủy Ninh Giang và Sở Y tế kiểm tra công tác chống dịch tại điểm nóng Tân Phong

Tứ Kỳ và Ninh Giang là hai điểm nóng về dịch Covid-19 tại Hải Dương trong đợt dịch này. Số lượng F0 nhiều, dàn trải ở khắp nơi nhưng cả hai huyện đã có những biện pháp chủ động, linh hoạt nên cơ bản kiểm soát được tình hình.

Linh hoạt trong xét nghiệm

Các đợt dịch trước, số ca mắc Covid-19 ở huyện Tứ Kỳ chưa bao giờ vượt quá con số 10. Tuy nhiên, đợt dịch bùng phát cuối tháng 11 đã nhanh chóng biến địa phương này trở thành ổ dịch lớn nhất Hải Dương với hàng trăm F0 phân bổ ở hầu khắp các xã, thị trấn. 

Những ngày đầu, huyện chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm gộp 10 bằng phương pháp PCR cho tất cả công nhân trong các doanh nghiệp có F0, người dân tại các xã, thị trấn có nguy cơ cao. Biện pháp này tiêu tốn nhân lực, vật tư, sinh phẩm, mất nhiều thời gian xét nghiệm do số lượng người dân, công nhân rất đông. Trong khi đó, yêu cầu đặt ra là phải trả kết quả xét nghiệm thật nhanh mới có thể đánh giá đúng, trúng tình hình để triển khai các biện pháp dập dịch hiệu quả.

Nhận thấy việc xét nghiệm dàn trải khó có thể “đi trước dịch một bước”, Tứ Kỳ lập tức thay đổi cách làm. Những thôn nào có 10 F0 trở lên thì xét nghiệm toàn bộ người dân thôn đó. Thôn nào có dưới 10 F0 thì xét nghiệm cho 100% số người dân ở xóm có nguy cơ cao, còn lại xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên mỗi gia đình 1 người. Đối với các doanh nghiệp, bộ phận nào có F0 thì xét nghiệm toàn bộ người lao động, các bộ phận còn lại xét nghiệm tầm soát ngẫu nhiên ít nhất 30% để đánh giá tình hình. Việc này không chỉ tiết kiệm được nhân lực, thời gian, sinh phẩm, vật tư mà còn giúp xét nghiệm, trả kết quả sớm hơn, phục vụ truy vết nhanh hơn. 

Trước Tứ Kỳ ít ngày, huyện Ninh Giang là điểm nóng nhất về dịch tại Hải Dương với ổ dịch ở xã Tân Phong. Cả xã phải phong tỏa để chống dịch do mầm bệnh trong cộng đồng rất lớn. Ban đầu, huyện tổ chức xét nghiệm tầm soát toàn bộ người dân Tân Phong bằng phương pháp PCR để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Phương pháp này cho kết quả chính xác gần như tuyệt đối nên giúp huyện sớm nhận định được tình hình, đánh giá nguy cơ và triển khai các biện pháp dập dịch đúng hướng. Trong lần xét nghiệm thứ 2, địa phương lại chuyển sang test nhanh cho người dân trong xã. Sau 30 phút, người nào có kết quả nghi ngờ dương tính sẽ được lấy mẫu lại và gửi đi xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp PCR ngay. Việc điều chỉnh lấy mẫu này được đánh giá là linh hoạt vì vừa nhanh, vừa tiết kiệm trong bối cảnh nguồn lực đã chi quá nhiều cho công tác phòng chống dịch.

Hải Dương hiện đã tạm thời thay đổi việc xét nghiệm SARS-CoV-2. Các địa phương tổ chức test nhanh cho nhóm có nguy cơ, nếu có kết quả nghi ngờ dương tính mới lấy mẫu xét nghiệm khẳng định lại bằng PCR.


Bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ kiểm tra, động viên một người cao tuổi tiêm vaccine phòng Covid-19 tại xã Hưng Đạo

Kiểm tra sát, kỷ luật nghiêm

Để dịch bùng phát, lây lan phức tạp tại xã Tân Phong, Huyện ủy Ninh Giang xác định có sự thiếu chủ động, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo của Chủ tịch UBND và Hiệu trưởng Trường THCS xã Tân Phong. Cả hai sau đó đã bị huyện phê bình và tạm đình chỉ công tác.

Một Huyện ủy viên phụ trách xã cũng từng bị Bí thư Huyện ủy Ninh Giang yêu cầu nêu tên phê bình trên hệ thống loa truyền thanh do chưa chỉ đạo cơ sở thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch. 

Một số địa phương, đơn vị chậm trễ, chủ quan, lơ là trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch cũng bị Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ nghiêm khắc phê bình bằng văn bản.

Tinh thần “5 rõ” đã được hai huyện Tứ Kỳ, Ninh Giang quát triệt sâu rộng và yêu cầu các cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thực hiện trong giai đoạn chống dịch vừa qua. Thời điểm dịch diễn biến phức tạp, hiếm thấy các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy phụ trách khu, Huyện ủy viên phụ trách xã của hai huyện ở cơ quan. Họ dành phần lớn thời gian đi kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng chống dịch, kể cả ban đêm. Nhiều cán bộ trực chống dịch nhiều ngày không về nhà.

Huyện ủy Ninh Giang thành lập Tổ công tác đặc biệt do một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Tổ trưởng thường trực tại xã Tân Phong trong nhiều ngày để vừa giám sát, vừa đôn đốc, chỉ đạo dập dịch. Không ít Huyện ủy viên ở Tứ Kỳ mang theo đồ dùng cá nhân xuống nằm vùng tại xã mình phụ trách để tham gia chống dịch. Đảng bộ các xã, thị trấn ở Tứ Kỳ còn phân công từng đảng viên chi bộ thôn, khu dân cư phụ trách quản lý, theo dõi các F1, F2 cách ly tại nhà...

Số ca mắc mới vẫn xuất hiện ở hai địa phương này những ngày qua nhưng về cơ bản cả Tứ Kỳ và Ninh Giang đều đã kiểm soát được tình hình. Kinh nghiệm có được trong thời gian trước sẽ giúp hai huyện tiếp tục triển khai linh hoạt, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch tiếp theo. Những kinh nghiệm ở Ninh Giang và Tứ Kỳ còn có ích rất nhiều cho các địa phương khác.

BÌNH MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh nghiệm khống chế dịch từ hai điểm nóng