Khát vọng làng chài Đồng Xá

21/11/2021 06:30

Làng chài Đồng Xá giờ đây đã "thay da đổi thịt", cuộc sống của người dân ngày càng khấm khá, chuyện học hành của con em cũng được quan tâm.


Hai chị em Đào Thảo Nguyên và Đào Gia Khiêm tung tăng đến trường (ảnh tư liệu)

Làng chài Đồng Xá, nay là khu 5, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) từng có đến 80% số dân mù chữ. Cuộc sống người dân một thời lênh đênh, dập dềnh theo con nước thì nay đã an cư lạc nghiệp. Đời sống người dân tốt lên, con em nơi đây cũng đã bám vào con chữ để vươn lên. 

An cư

Chớm đông, trời bắt đầu se lạnh, ông Đào Văn Phương, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư số 5 đón chúng tôi ngay đầu đường: "Trời lạnh quá, nhà báo phải để xe ở đây thôi và đi bộ vào làng vì đường đang được trải nhựa chưa đi được". Thong dong đi bộ vào làng chài, ngắm hai bên đường tôi thực sự bất ngờ vì sự thay đổi của nơi này. Làng chài Đồng Xá nay đã mang dáng dấp của phố thị. Những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát, thấp thoáng sau những hàng cây. Cửa hàng tạp hóa mở ở nhiều nơi. Người dân nơi đây đã thực sự an cư lạc nghiệp. Ông Phương bảo nhìn cơ ngơi ở làng chài bây giờ ít ai ngờ nơi đây đã từng được ví là "làng nổi" vì cả làng làm nghề chài lưới, nay đây mai đó. Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, gần như cả làng không ai biết chữ. Ngày đó, cuộc sống khó khăn, cái ăn còn chưa đủ nói gì đến chuyện cho con cái đến trường.

Làng chài Đồng Xá vài năm trở lại đây đã thay da đổi thịt. Kể từ năm 2005, khi tỉnh quan tâm thực hiện dự án tái định cư cho người dân, nhiều hộ đã quyết định lên bờ tìm công việc mới để mưu sinh. Năm 2007, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam và Ủy ban MTTQ tỉnh đã hỗ trợ người dân ở đây xây nhà, với mức 15 triệu đồng/hộ. Sau đó tổ chức phi chính phủ Habitat for Humanity International (Mỹ) đã hỗ trợ xây dựng thêm hơn 30 căn nhà kiên cố nữa. 

Ông Phương phấn khởi giới thiệu, đa phần người dân Đồng Xá hiện nay làm công nhân ở những nhà máy, xí nghiệp. Số còn lại ở nhà bán hàng tạp hóa, làm nghề cơ khí, mộc dân dụng, phụ xây... Thu nhập nhờ đó cũng khá hơn nhiều so với trước. Cả làng hiện chỉ còn gần 20 hộ bám trụ với sông nước chưa lên bờ định cư. “Chúng tôi cũng đang cố gắng vận động họ lên bờ an cư. Nghề chài lưới bây giờ bấp bênh, thu nhập thấp bởi nước sông ô nhiễm, tôm cá tự nhiên không còn nhiều”, ông Cao Văn Kỳ, Công an viên của khu dân cư số 5 nói.

Rời xa sông nước, nhờ cần cù, siêng năng, sáng tạo trong làm ăn mà thu nhập bình quân đầu người ở Đồng Xá năm 2020, đã đạt hơn 50 triệu đồng. Cả làng có 300 hộ thì chỉ còn 6 hộ nghèo. Chi bộ khu 5 có 8 đảng viên thì có tới 7 người ở làng Đồng Xá. Nhiều gia đình có cả ô tô để làm ăn buôn bán. "Tuy chưa thực sự giàu có nhưng so với nhiều năm trước cuộc sống như vậy đã tốt lắm rồi. Huyện vừa đầu tư trải nhựa cho con đường chính vào làng rộng lớn. Chỉ nay mai thôi nhiều ngành nghề dịch vụ mới lại được mở ra. Giờ đây, nhiều gia đình đã không muốn quay lại nghề chài lưới mà thực sự muốn bám lấy mảnh đất này để mưu sinh", ông Phương nói.


Người dân mong ước có một cây cầu để trẻ nhỏ không phải đi đò qua sông đến trường (ảnh tư liệu)

"Ấm cái bụng, no con chữ"

Khi cuộc sống tốt lên, người dân làng chài Đồng Xá không phải lo cái ăn, cái mặc nữa thì cũng là lúc việc học của con cháu được quan tâm hơn.

Nhắc đến sự học của làng chài hơn chục năm về trước, bà Vũ Thị Cân năm nay đã ngoài 70 tuổi bảo ngày xưa lênh đênh sông nước nên chẳng mấy con em làng chài được đến trường. Hễ có việc gì liên quan đến giấy tờ, viết lách là người làng rất sợ. "Hồi dự án tái định cư mới triển khai, chính quyền địa phương gửi thông báo đến xin ý kiến từng hộ dân xem có đồng thuận hay không mà nhiều người không đọc nổi. Đọc không thông, viết không thạo nên nhiều hộ phải nhờ người biết chữ đọc cho mà biết. Không biết ký nên nhiều người còn phải điểm chỉ”, bà Cân cười ngượng nhớ lại.

“Nhưng sự học ở làng chài giờ đã khác. Khi người dân ấm cái bụng sẽ no con chữ”, bà Cân vui vẻ nói. Giờ ở Đồng Xá không có trẻ nào phải nghỉ học giữa chừng vì phải theo cha mẹ lên thuyền đi làm ăn xa như trước. Vì tương lai của con trẻ, đa phần người dân lên bờ định cư, tìm nghề khác phù hợp hơn để mưu sinh. Đến thăm gia đình nào ở làng chài Đồng Xá họ cũng đều khẳng định sẽ cố gắng hết sức cho các con ăn học.

Mặc dù đang bận làm mấy con tiện cho một người dân chuẩn bị hoàn thiện nhà cuối năm nhưng thấy chúng tôi đến thăm, anh Đào Văn Vinh vội pha nước mời khách. Trên lớp áo bảo hộ bám đầy bụi gỗ, anh Vinh bảo: "Vất vả như vậy cũng chỉ mong các con ăn học thành tài. Đời tôi thiệt thòi không được ăn học đến nơi đến chốn thì giờ các con phải khác. Phải bám vào con chữ mà vươn lên”. Chính vì quyết tâm này mà anh Vinh đều cho 2 con ăn học tử tế. Các cháu chăm ngoan, học giỏi, không phụ lòng tin tưởng của bố. Con gái lớn của anh Vinh đang du học ở Hàn Quốc để lấy bằng thạc sĩ, còn con trai thứ hai cũng đang là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Ở làng chài Đồng Xá, học sinh đỗ đại học, cao đẳng giờ không còn là chuyện hiếm. Theo thống kê của ông Phương, 5 năm trở lại đây bình quân mỗi năm làng có từ 3-5 cháu đỗ đại học, còn đỗ vào các trường cao đẳng, trung cấp hay trường nghề rất nhiều. Đặc biệt năm học 2020-2021, cả làng có 13 cháu thi vào THPT thì cả 13 cháu đều đỗ. 

Để có được thành tích đáng tự hào đó là cả một quá trình dài cố gắng của người dân Đồng Xá. Nhiều gia đình tuy còn khó khăn nhưng vì tương lai của các con sẵn sàng bán thuyền lên bờ ổn định cuộc sống, lo cho các con ăn học. Nhiều năm trước, vợ chồng chị Cao Thị Huyền lênh đênh khắp nơi mưu sinh, các con phải gửi ông bà nội chăm nom và đưa đi học. “Nhiều đêm hai vợ chồng thức trắng bàn cách làm thế nào để các con không phải bỏ học giữa chừng. Ông bà đã già yếu không thể kèm cặp các con học tốt được. Vì tương lai của con, vợ chồng tôi đã quyết bán thuyền lên bờ tìm nghề mới để có thể chăm lo cho các con ăn học, quyết không để các con thất học, thiệt thòi như mình nữa", chị Huyền nói.


Anh Đào Văn Vinh chăm chỉ làm nghề mộc dân dụng để nuôi các con ăn học

Mơ ước một cây cầu

Thầy giáo Vũ Đình Thuấn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kẻ Sặt cho biết con em làng chài đã đến lớp đầy đủ, không có tình trạng bỏ học giữa chừng như những năm trước. Các em học khá, nhiều em là học sinh xuất sắc. Nhưng điều mà thầy cũng như nhiều người dân Đồng Xá mong ước bấy lâu nay là có một cây cầu bắc qua sông Sặt nối làng chài với thị trấn để học sinh đi học an toàn hơn. 

Bao năm qua người dân cũng như con em Đồng Xá phải đi đò đi học hoặc phải đi vòng qua cầu Sặt khá xa mới đến được trường. Chị Cao Thị Huyền cho biết năm 2011, ở đây đã từng xảy ra đắm đò khi người dân đưa các cháu qua sông đi học. Cũng may khi ấy các cháu không sao. Bây giờ ở đây các cháu học cấp 2 thì tự đạp xe đến trường còn học tiểu học vẫn phải đi đò vì bố mẹ đi làm từ sáng sớm không thể đưa đón. Người già chở các cháu qua cầu Sặt không an toàn, có lần đã xảy ra tai nạn ngay đầu cầu. Chỉ cần có một cây cầu nối đôi bờ Đồng Xá và thị trấn Kẻ Sặt là các cháu đi học thuận lợi mà người dân đi lại, thông thương cũng dễ dàng. 

Theo ông Đào Xuân Phương, năm 2018, UBND tỉnh đã có phương án làm một cây cầu nối đường Quang Trung của thị trấn Kẻ Sặt với làng chài Đồng Xá nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu. Ngày đó, người dân Đồng Xá nghe được tin xây cầu thì mừng lắm vì nếu có cầu bắc qua, thế ốc đảo sẽ không còn. Các cháu chỉ mất vài phút đi bộ đến trường, không phải lo đợi đò muộn học hay bất an phải qua đò vào ngày mưa gió.  

Chia tay làng chài Đồng Xá, chúng tôi mừng vì sự đổi thay của nơi đây và hy vọng một ngày nào đó con em làng chài có một cây cầu hoặc ít ra cũng có một chiếc thuyền lớn được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ để các em đến trường an toàn, không còn phải lo sự học chòng chành theo con nước. 

HẢI MINH

(0) Bình luận
Khát vọng làng chài Đồng Xá