Đổi thay từ phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân"

02/07/2018 17:47

Sau 5 năm thực hiện, phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân" đã lan tỏa rộng rãi, góp phần nâng cao sức khỏe người dân.

Đường hoa tại trung tâm xã Tứ Xuyên được Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân xã phối hợp trồng và chăm sóc

Những năm qua, phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân" đã được triển khai trên địa bàn tỉnh và tạo sức lan tỏa rộng lớn. Phong trào đã huy động được sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tham gia công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh.

Thời gian qua, Sở Y tế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân"; bổ sung các tiêu chí về vệ sinh yêu nước vào Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", các quy định trong hương ước, quy ước văn hóa của thôn, khu dân cư. Phối hợp tổ chức tuyên truyền về phong trào, nội dung tập trung thực hiện tốt các hành vi vệ sinh cá nhân như rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh răng miệng, thân thể; thực hiện nếp sống vệ sinh ăn sạch, uống sạch; thực hiện tốt vệ sinh ăn uống trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Phong trào còn được triển khai tại nơi làm việc. Toàn tỉnh chọn ngày 25 hằng tháng ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm, công sở, trường học, doanh nghiệp nhằm tạo những thói quen nếp sống văn minh tại cộng đồng dân cư.

Ngoài ra, Sở Y tế đã phối hợp với Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) triển khai nhân rộng mô hình vận động cộng đồng tham gia phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân" tại xã Nam Chính (Nam Sách) và xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ).


Vệ sinh cá nhân rửa tay bằng xà phòng là một trong những nội dung của phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân"

Nhiều năm nay, phong trào vệ sinh yêu nước đã ăn sâu vào ý thức của người dân xã Tứ Xuyên, góp phần thay đổi diện mạo nơi đây. Chị Đặng Thị Huệ ở thôn Làng Vực cho biết: “Khoảng chục năm trở lại đây, người dân trong xã đã xây dựng được thói quen hằng ngày quét dọn trong nhà, ngoài ngõ nên đường thôn, xóm luôn phong quang, sạch sẽ”. Ở Tứ Xuyên, phong trào vệ sinh yêu nước đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền, sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể. Các hoạt động từ vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng đến vệ sinh nhà tiêu trong gia đình, vệ sinh trong cơ sở y tế và nơi làm việc, vệ sinh chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt… đều được mọi người quan tâm. Năm 2014, khi xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ các hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ đạt khoảng 80%, thì đến nay gần như tất cả các hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh. Toàn xã hiện có hơn 3.600 nhân khẩu ở 3 thôn, tất cả các hộ đều có nước sạch. Nhiều năm liền địa phương không có dịch bệnh lớn xảy ra.

Năm 2012, xã Nam Chính được chọn để phát động phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân”. Năm 2016, UBND xã Nam Chính đã xây dựng "Bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn" với 12 tiêu chí rất cụ thể, như trồng cây xanh, mỗi gia đình có 1 tủ thuốc cá nhân… Cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các thôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc chỉ đạo thực hiện những tiêu chí được giao. Trong quá trình thực hiện, các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu. Đến nay, công tác vệ sinh môi trường ở xã Nam Chính đã từng bước đi vào nền nếp, tình trạng vứt rác nơi công cộng đã giảm bớt, đường làng, ngõ xóm và trong mỗi gia đình được vệ sinh thường xuyên. Đến tháng 4.2018, toàn xã có 1.085 hộ có nhà tiêu tự hoại, đạt 94,5%. Ông Ngô Bá Bắc, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Chính cho biết việc thực hiện các nội dung trong phong trào vệ sinh yêu nước đã góp phần thực hiện một số tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Hưởng ứng Ngày vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân 2.7 năm nay, UBND huyện Nam Sách đã chọn thôn An Thường, xã Nam Chính để triển khai mô hình điểm về thu gom, xử lý và phân loại rác thải tại gia đình. Các hộ trong thôn được hỗ trợ dụng cụ và hướng dẫn cách thu gom, phân loại, xử lý rác thải. Sau khi rút kinh nghiệm, dự kiến mô hình này sẽ được nhân rộng trong toàn xã.

Sau 5 năm thực hiện phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân", năm 2017, 88,7% số hộ trong tỉnh có nhà tiêu hợp vệ sinh, 98% số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định của Bộ Y tế, 67,8 % số hộ có chuồng trại hợp vệ sinh. Chất thải đã được thu gom và xử lý theo quy định. Các thôn, xóm đã thành lập tổ thu gom rác thải tập kết và xử lý rác tập trung bảo đảm hợp vệ sinh.

QUỲNH TRANG

(0) Bình luận
Đổi thay từ phong trào "Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân"