Ngày thơ "Hải Dương-Nhịp điệu mới"

04/02/2023 13:00

Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI năm 2023 tại Hải Dương với chủ đề “Hải Dương-nhịp điệu mới” thu hút hàng trăm tác giả và người yêu thơ tham gia.

Sau hơn 2 năm bị trì hoãn bởi dịch Covid-19, sáng 4.2, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Văn học - Nghệ thuật Hải Dương tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI năm 2023, với chủ đề “Hải Dương-Nhịp điệu mới”, thu hút hàng trăm người yêu thơ tham gia.

Nơi gặp gỡ của những người yêu thơ

 Các hội viên Câu lạc bộ thơ Chí Linh (TP Chí Linh) biểu diễn màn trống hội chào mừng Ngày Thơ Việt Nam

Ngoài 70 tuổi, ông Nguyễn Văn Hinh (ở phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương) vẫn yêu thích sáng tác thơ. Có mặt ở Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI tổ chức tại Bảo tàng tỉnh từ sớm ông Hinh không quên mang theo những bản thảo thơ do mình sáng tác để tặng những người yêu thơ. 

Ngày thơ Việt Nam tại Hải Dương lần này thu hút đông đảo người yêu thơ cao tuổi nhưng cũng có không ít bạn trẻ. Mỗi người đều mang theo đầy ắp bầu nhiệt huyết và đam mê với thơ ca.

Nhiều người cao tuổi tham gia Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI tại Hải Dương

Em Tô Thị An, học sinh lớp 9A, Trường THCS Trần Phú (TP Hải Dương) cho biết em đến đây để được gặp các nhà thơ của tỉnh. Em ngưỡng mộ nhiều bác cao tuổi nhưng vẫn cần mẫn sáng tác.

Không gian Ngày thơ Việt Nam năm nay khá đặc biệt khi được tổ chức ở Bảo tàng tỉnh trong không gian Tết Việt xưa cùng với nhiều hoạt động bên lề như: cho chữ đầu xuân, trải nghiệm trò chơi dân gian, chiêm ngưỡng những tác phẩm ảnh nghệ thuật qua các thời kỳ và bán sách văn học để gây quỹ tặng trẻ em vùng cao.

Các nghệ sĩ trình diễn bài thơ "Nguyên tiêu" của Bác Hồ

Mở đầu Ngày thơ Việt Nam tại Hải Dương bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh do các nghệ sĩ biểu diễn. Theo mạch thơ xuân, nhiều tác giả thơ trong tỉnh và các nghệ sĩ thể hiện nhiều bài thơ với nội dung ca ngợi Đảng, bác Hồ, sự đổi mới của quê hương, đất nước, nhất là những bài thơ về Hải Dương ...

Lan tỏa tình yêu thơ ca

Một tác phẩm thơ được thể hiện bằng hình thức sân khấu hóa

Nhà thơ Phạm Ánh Sao cho rằng Ngày thơ Việt Nam không chỉ là sân chơi cho những người yêu thơ mà còn là cách để lan tỏa tình yêu thơ ca đến nhiều người. Đến với Ngày thơ Việt Nam với chủ đề “Hải Dương-Nhịp điệu mới” đầu xuân Quý Mão, mọi người đều cảm nhận được nét độc đáo, phong phú của thơ ca Hải Dương. Nhiều tác giả thơ được giao lưu, học hỏi và trao đổi kinh nghiệm sáng tác.

Nhiều bạn trẻ tham gia chương trình và mua sách gây quỹ ủng hộ trẻ em vùng cao

Theo ông Phạm Quốc Bính, Chủ tịch Câu lạc bộ thơ Phú Lương (TP Hải Dương) để tình yêu thơ thêm lan tỏa, Hải Dương cần có nhiều câu lạc bộ, chương trình dành cho những người sáng tác thơ và thích đọc, nghe thơ, từ đó chắp cánh cho những tầm hồn thơ xứ Đông, giúp đời sống tinh thần của người dân thêm phong phú…

Bên lề Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXI tại Hải Dương còn ctrưng bày ảnh thời sự nghệ thuật của các tác giả Hải Dương qua các thời kỳ

Năm 1468, nhân một dịp đi kinh lý vùng Đông Bắc, vua Lê Thánh tông ghé vào chân núi Truyền Đăng, giáp với Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) vãn cảnh đề thơ. Xúc động trước cảnh sắc thiên nhiên sơn thủy hữu tình, vua đã ứng khẩu thành thơ và cho khắc bài thơ lên vách đá. Từ đây, núi Truyền Đăng thường được gọi là núi Bài Thơ. Xuất phát từ ý nghĩa lịch sử này, theo đề nghị của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, năm 1988, UBND tỉnh này quyết định lấy ngày 29.3 dương lịch hằng năm làm Ngày thơ Quảng Ninh. Trước sức lan tỏa rộng rãi và ý nghĩa tốt đẹp mà Ngày thơ Quảng Ninh mang lại và sau nhiều lần bàn bạc, thảo luận, xin ý kiến chấp thuận của các ban, ngành cấp trên, tại kỳ họp thứ 8, khóa VII, ngày 26.12.2002, Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định lấy ngày rằm tháng giêng hằng năm (ngày Tết Nguyên tiêu) làm Ngày thơ Việt Nam.

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ngày thơ "Hải Dương-Nhịp điệu mới"