Người không cấp dưỡng cho con sau ly hôn, có bị đi tù?

12/03/2023 12:45

Người từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Bộ Tư pháp nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận, phản ánh văn bản hiện hành chưa có quy định chế tài với hành vi từ chối cấp dưỡng. Theo Luật Hôn nhân và gia đình, cha/mẹ không cấp dưỡng cũng không bị ràng buộc bởi pháp luật và không cưỡng chế thi hành được. Cử tri kiến nghị nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi luật này.

Tại văn bản trả lời ngày 1.3, Bộ Tư pháp nêu Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Trong trường hợp người có nghĩa vụ nuôi dưỡng trốn tránh nghĩa vụ thì theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền, tòa án buộc người đó phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng.

Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ.

Bộ luật Dân sự quy định bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì phải trả lãi với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra, bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác .

Về trách nhiệm hành chính, Nghị định 144/2021 quy định phạt tiền 5-10 triệu đồng với người từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng sau khi ly hôn.

Về trách nhiệm hình sự, Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Cụ thể, người có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng thực hiện mà từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ, làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Bộ luật hình sự nêu: Người có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Với trường hợp chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ; dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; tẩu tán tài sản, người vi phạm có thể bị phạt từ 2-5 năm và có thể bị phạt tiền từ 5 đến 50 triệu đồng.

Thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ đề ra giải pháp tuyên truyền, phổ biến nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về nội dung mà cử tri phản ánh.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Người không cấp dưỡng cho con sau ly hôn, có bị đi tù?