Mẹ mắc COVID-19 có nên tiếp tục cho con bú?

10/08/2021 18:42

Dù có mắc COVID-19 hay không, tất cả các bà mẹ và trẻ sơ sinh nên thực hiện biện pháp tiếp xúc da kề da ngay lập tức sau khi sinh, nên cho trẻ bú sữa mẹ sớm nhất có thể.

Đại dịch COVID-19 đang khiến thế giới phải đối mặt với những làn sóng lây nhiễm mới. Trong bối cảnh đó, nhiều bà mẹ đang cho con bú vẫn đang loay hoay với nhiều câu hỏi để bảo vệ những đứa trẻ trước loại virus nguy hiểm này.

Tuy nhiên, tất cả các cơ quan y tế quốc gia và quốc tế đều nhất trí khuyến cáo rằng, dù có mắc COVID-19 hay không, tất cả các bà mẹ và trẻ sơ sinh nên thực hiện biện pháp tiếp xúc da kề da ngay lập tức sau khi sinh, nên cho trẻ bú sữa mẹ sớm nhất có thể và để trẻ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời.

Tuy nhiên, các bà mẹ mắc COVID-19 nên đeo khẩu trang khi ở gần trẻ, giữ vệ sinh tay cẩn thận và tất cả các bề mặt thường xuyên tiếp xúc nên được làm sạch cẩn thận.

Cơ sở lý luận đằng sau những khuyến nghị này là dữ liệu cho đến nay đều cho thấy coronavirus không lây truyền qua sữa mẹ. Khi một phụ nữ đang cho con bú bị mắc COVID-19, cơ thể của người mẹ bắt đầu sản sinh kháng thể, cũng được tiết ra trong sữa mẹ, do đó cung cấp cho em bé kháng thể để chống lại coronavirus.

Sữa mẹ là thức ăn của trẻ sơ sinh, giúp hình thành khả năng miễn dịch của trẻ. Nuôi con bằng sữa mẹ là sức khỏe cho cuộc sống, vì vậy các khuyến cáo đều cho rằng bà mẹ nên cho con bú dù có bị mắc COVID-19 hay không.

Một số câu hỏi thường gặp đối với các bà mẹ cho con bú đã được các chuyên gia y tế uy tín giải đáp:

Hỏi: Tôi dương tính với virus SARS-CoV-2 và tôi vừa sinh con, tôi nên làm gì?

Trả lời: Vẫn ở cạnh trẻ, cho con bú theo nhu cầu và đeo khẩu trang, giữ vệ sinh tay và thường xuyên khử trùng các bề mặt mà bạn tiếp xúc.

Hỏi: Tôi dương tính với SARS-CoV-2. Tôi muốn tránh tiếp xúc với con bằng cách vắt sữa và nhờ người khác cho con bú?

Trả lời: Bạn có thể thực hiện được điều này. Tuy nhiên hãy xem xét 2 điều:

+ Đảm bảo rằng người giúp đỡ không mắc bệnh. Người đó có thể không có triệu chứng nhưng vẫn có khả năng mắc bệnh. Vì hãy biết chắc tình trạng sức khỏe của người cho con uống sữa.

+ Cho con bú không chỉ là thức ăn. Đó là sự phát triển của một mối liên kết, là sự ấm áp, an toàn, tình yêu thương và hỗ trợ sự phát triển cho khuôn mặt, hàm và răng của con bạn. Vì vậy, nếu bạn có thể cho con bú trực tiếp, hãy làm điều đó.

Hỏi: Điều gì xảy ra nếu một người mẹ dương tính với virus SARS-CoV-2, bị mệt mỏi và không thể cho em bé bú trực tiếp?

Trả lời: Người mẹ nên vắt sữa thường xuyên và gửi cho em bé. Ngay khi trẻ có thể, nên cho trẻ bú mẹ trực tiếp.

Hỏi: Tôi đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, làm thế nào để tôi có thể cho con bú hoàn toàn?

Trả lời: Liên hệ với bất kỳ nhà tư vấn có kinh nghiệm cho con bú trong khu vực của bạn. Một người hỗ trợ được đào tạo và có kỹ năng sẽ có thể giúp bạn giải quyết vấn đề này thông qua tư vấn trực tiếp hoặc qua video tư vấn.

Hỏi: Tôi bị mắc COVID-19 khi sinh và tôi không cho con bú, bây giờ con tôi được vài tuần tuổi và tôi cảm thấy sữa của tôi đã cạn kiệt, tôi có thể lấy lại nguồn sữa của mình không? Liệu nó có giúp ích cho con tôi nếu tôi cho nó bú sữa mẹ không?

Trả lời: Tất nhiên là có. Ngay cả khi ban đầu bạn không cho trẻ bú, với một kế hoạch phù hợp, sự kiên nhẫn và nỗ lực, bạn có thể tạo ra nguồn sữa của mình và mỗi giọt sữa mẹ đều có giá trị nên bất kỳ lượng sữa mẹ nào cũng đều có lợi. Hãy tìm một chuyên gia tư vấn cho con bú có kinh nghiệm, người có thể giúp bạn điều này.

Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo, khi đón các em bé chào đời, các bà mẹ hãy cho con bú. Tìm kiếm sự trợ giúp cho việc nuôi con bằng sữa mẹ sớm nhất nếu bạn gặp khó khăn.

Theo VOV

(0) Bình luận
Mẹ mắc COVID-19 có nên tiếp tục cho con bú?