Lưu ý khi trồng bưởi

13/03/2018 08:23

Bưởi có thể trồng được trên nhiều loại đất khác nhau, tuy nhiên trồng trên đất xấu đầu tư sẽ cao hơn.

Nhiệt độ là yếu tố quan trọng đối với sinh trưởng cũng như năng suất, chất lượng của bưởi, do đó việc chọn vùng trồng bưởi trước hết phải xem xét yếu tố nhiệt độ phù hợp không. Bưởi có thể trồng ở vùng nhiệt độ từ 12 - 39 độ C, trong đó nhiệt độ thích hợp nhất là từ 23 - 29 độ C. Nhiệt độ thấp hơn 12,5 độ C và cao hơn 40 độ C cây ngừng sinh trưởng. 

 Đất trồng bưởi thích hợp phải là đất có tầng dày từ 1 m trở lên, giàu mùn, thoát nước tốt, thành phần cơ giới cát pha hoặc thịt nhẹ và địa hình hơi dốc từ 3 - 8 độ. Trên thực tế, các vùng trồng bưởi nổi tiếng đều nằm ở ven sông, suối, trên các loại đất phù sa cổ, phù sa được bồi và không được bồi hằng năm, đất sa thạch cuội kết có thành phần cơ giới nhẹ, xốp, thoát nước tốt và giàu dinh dưỡng.

Bưởi ưa sáng hơn các loài cây có múi khác, song vẫn cần chế độ ánh sáng thích hợp. Tốt nhất là ánh sáng tán xạ, nên để phát triển cây bưởi cần có những biện pháp kỹ thuật thích hợp điều chỉnh chế độ chiếu sáng như trồng dày hợp lý, cắt tỉa cành, trồng cây che bóng…

Một số lưu ý khi chăm sóc bưởi thời kỳ kinh doanh:

Lượng bón phân chuồng: 15 tấn/ha, 300 kg vôi bột/ha; 250 kg đạm urê/ha, 450 kg supe lân/ha, 300 kg kali/ha.

Bón sau thu hoạch gồm 100% hữu cơ + lân + vôi bột; tháng 2-3, bón thúc cành xuân và đón hoa gồm 60% urê + 40% kali; tháng 7 - 8, bón thúc cành thu và tăng trọng quả gồm 40% urê + 60% kali.

Bón phân hữu cơ, lân, vôi bột bằng cách đào rãnh quanh vòng tán, rộng 20 - 40 cm, sâu 25 - 40 cm; trộn đều phân với đất bón vào rãnh sau đó lấp lại và tưới đẫm nước. Đạm và kali rắc quanh tán, xăm nhẹ, tưới đẫm nước, tránh đứt rễ.

- Phòng trừ sâu bệnh: 

Đối với sâu vẽ bùa: Sử dụng dầu khoáng DC-Tron plus 98.8 EC pha ở nồng độ 0,7% phun 800 lít/ha (30 lít/sào) khi lộc xuân ra đều hoặc Polytrin 400 EC pha ở nồng độ 0,1%, phun  800 lít/ha (30 lít/sào) khi có trên 10% lá hại để phòng trừ.

Nhện đỏ, rệp sáp: Sử dụng dầu khoáng DC-Tron plus 98.8 EC pha ở nồng độ 0,7% phun 800 lít/ha (30 lít/sào) khi có trên 10% lá hại để phòng trừ.

Sâu đục thân, đục cành: Nếu phát hiện có lỗ sâu thì dùng Ofatox... pha loãng, bơm hoặc tẩm bông nhét vào lỗ sâu, sau đó dùng đất dẻo bịt lại.

Sâu xanh bướm phượng: Dùng thuốc sinh học V-BT hoặc nước chiết xuất nấm ký sinh từ các cá thể bị ký sinh phun trở lại vườn.

Bệnh chảy gôm: Cắt bỏ những cành bị bệnh nặng, cạo sạch vỏ xung quanh vết bệnh, dùng Aliette 80WP pha 3g/l hoặc Ridomil MZ 72 WP pha 30g/l quét đẫm lên vết bệnh khi bệnh mới xuất hiện.

- Tỉa cành, tạo tán cho cây ngay sau trồng năm thứ nhất. Loại bỏ kịp thời các cành gầm, cành vượt, cành và lá cây bị sâu bệnh, tạo độ thông thoáng cho vườn, hạn chế sâu bệnh phát sinh, tăng cường khả năng sinh trưởng, phát triển của cây.

- Kỹ thuật tác động thúc cây ra nhiều quả: Trước thu quả 1 tháng dừng tưới nước vườn cây; khi kết thúc thu quả cần cắt tỉa sâu, kết hợp bón phân theo rãnh đào quanh tán cây (cách gốc 50 - 60 cm), có tác dụng kích thích cây ra nhiều hoa, nhiều quả (cắt tỉa triệt để loại bỏ các cành gầm, cành vượt, cành sâu bệnh kết hợp quét vôi gốc cây trừ sâu, bệnh lưu chuyển). Khi vườn bưởi ra nụ đồng loạt cần tưới dưỡng ẩm trở lại.

- Thu hoạch: 

Thu hoạch quả vào ngày nắng ráo, tránh các ngày có mưa, thời tiết âm u. Trong ngày, nên hái quả từ 8 - 10 giờ sáng (không thu quả vào sáng sớm, hoặc chiều tối khi có sương. Nếu vận chuyển đi xa, cần phơi bưởi dưới nắng nhẹ 6 - 8 giờ cho mềm vỏ quả, tránh trầy xước, giập vỏ.

KS. TRẦN THỊ LIÊN(Trạm Khuyến nông huyện Nam Sách)

(0) Bình luận
Lưu ý khi trồng bưởi