Quần vợt Hải Dương dần khẳng định vị thế

11/06/2022 15:30

Dù gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và thiếu nguồn vận động viên nhưng đội tuyển quần vợt Hải Dương vẫn vươn lên trở thành đội mạnh trong làng quần vợt Việt Nam.


Đội tuyển quần vợt Hải Dương đã 8 lần vào chung kết quốc gia hoặc các giải tương đương trong khoảng 4 năm trở lại đây. Trong ảnh: Đội tuyển quần vợt Hải Dương giành huy chương bạc Giải quần vợt vô địch quốc gia-Cúp Hanaka 2021

Không phải môn thể thao thế mạnh và kén người hâm mộ nên quần vợt không gây được chú ý nhiều tại Hải Dương như một số môn thể thao khác. Nhưng vượt lên tất cả, các tay vợt đã giành thành tích cao ở nhiều giải đấu trong nước và dần trở thành một "thế lực" trong làng quần vợt Việt Nam.

Khổ luyện...

Bất kể nắng nóng, những ngày này các tay vợt thuộc đội tuyển quần vợt Hải Dương vẫn miệt mài luyện tập 2 buổi mỗi ngày, từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần. Sân bê tông, hơi nóng phả lên hầm hập, một buổi tập vận động viên (VĐV) phải nhiều lần thay áo đã ướt đẫm mồ hôi. Cực nhọc, vất vả, nhưng chưa khi nào các tay vợt bỏ bài hoặc không hoàn thành được giáo án mà huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Xuân Lúc đề ra, kể cả thành viên nhỏ nhất đội tuyển mới 8 tuổi.

Quần vợt là một trong những đội tuyển non trẻ nhất thuộc Trung tâm Đào tạo, Huấn luyện và Thi đấu thể thao Hải Dương khi mới thành lập năm 2010, chỉ trước đội aerobic và boxing một thời gian ngắn. Đội hiện có 12 tay vợt, gồm 6 nam, 6 nữ. "Đây là số VĐV đông nhất kể từ khi thành lập", HLV Nguyễn Xuân Lúc cho biết. 

Mặt bằng chung các bộ môn thể thao, trong đó có quần vợt hiện nay còn gặp nhiều khó khăn song không vì thế các HLV, VĐV ngừng cố gắng. Thầy trò bộ môn quần vợt đã phải thích ứng và linh hoạt để duy trì tập luyện, thi đấu. Đội tuyển hiện có 4 kiện tướng nhưng chỉ 2 người có lương, 10 VĐV còn lại chỉ có tiền ăn. Vì vậy, nếu không có đam mê và trách nhiệm chắc hẳn các VĐV sẽ tìm bến đỗ mới hoặc bỏ về. Tập luyện môn thể thao này vốn rất tốn kém với chi phí đắt đỏ hơn nhiều môn thể thao khác, nhất là tiền thuê sân và dụng cụ. Để duy trì tập luyện, HLV phải tìm mua cước với giá gốc để căng vợt cho VĐV, thay vì căng bên ngoài với giá 50.000 đồng mỗi lần. Bóng tập được tận dụng lại từ bóng cũ tại sân quần vợt Hà Hải để giảm chi phí...

Đội tuyển quần vợt cũng đang gặp nhiều khó khăn để tìm lớp VĐV kế cận. Nếu bóng bàn hoặc một số môn phổ biến khác, HLV căn cứ thành tích hoặc thông qua các giải để tuyển chọn thì quần vợt không thể làm thế do hằng năm có rất ít giải đấu nên khó phát hiện tài năng. Để có lớp kế cận, HLV phải dựa vào linh cảm để "chọn vo", sau đó đưa về đào tạo. Tay vợt nữ N.T.H. ở Tứ Kỳ cũng được chọn lựa theo cách đó và đã trở thành VĐV đánh đôi rất tốt, có sức nhanh, độ lỳ, thể hình, thể lực tốt, quả bắt lưới cực nhanh mà đến nay chưa tay vợt nào trong đội tuyển có được. Để đưa được tay vợt này về đội tuyển, HLV phải 3 lần về quê thuyết phục gia đình. N.T.H. đã vô địch đôi nữ U18, huy chương đồng đôi nữ quốc gia song nay đã bỏ đội tuyển do không có lương.


Bất kể thời tiết nắng nóng, đội tuyển quần vợt Hải Dương vẫn duy trì luyện tập 2 buổi/ngày từ thứ hai đến thứ bảy hằng tuần

...thành tài

Đặng Thị Hạnh sinh năm 1998, ở Thanh Hà là tay vợt lớn tuổi nhất của đội tuyển quần vợt Hải Dương hiện nay. Đây là VĐV lớp đầu tiên và giàu thành tích nhất đội tuyển với các chức vô địch đôi nữ, đơn nữ U16, U18, 2 huy chương bạc đồng đội, 3 huy chương bạc đôi nữ và 2 huy chương đồng giải vô địch toàn quốc. Trong trận bán kết đơn nữ giải vô địch toàn quốc năm 2016 tại Hải Dương, Đặng Thị Hạnh đã giành chiến thắng sau khi vượt qua đối thủ trong trận đấu kéo dài tới 4 giờ 53 phút. Trong một trận tứ kết đồng đội vô địch toàn quốc gồm 2 trận đơn, 1 trận đôi, tay vợt này từng thi đấu từ 9-18 giờ và chỉ có 2 khoảng nghỉ 45 phút.

Nguyễn Thị Mai Hương (sinh năm 2001, ở TP Hải Dương) cũng là một tay vợt giàu thành tích và triển vọng của quần vợt Hải Dương. Mai Hương từng giành 2 huy chương bạc ở mỗi nội dung đơn, đôi và đồng đội tại giải vô địch quốc gia. Đang trong giai đoạn phát triển thì tay vợt này gặp chấn thương vai và đúng vào thời điểm dịch Covid-19 nên Mai Hương đang có chiều hướng chững lại về phong độ. Đây là tay vợt bền bóng và khéo bóng bậc nhất tại Hải Dương hiện nay.

Ngoài các VĐV kể trên, một tiềm năng mới 8 tuổi của quần vợt Hải Dương hiện nay là Lương Gia Huy (TP Hải Dương). Đây là tay vợt nhỏ tuổi nhất trong đội tuyển và được dự kiến tham gia các giải trẻ.

HLV Nguyễn Xuân Lúc cho biết: "Mặc dù còn khó khăn nhưng đội tuyển quần vợt Hải Dương hoàn toàn đủ khả năng giành thứ hạng cao. Khoảng 4 năm gần đây, Hải Dương 8 lần vào chung kết giải vô địch quốc gia hoặc giải có tính chất ngang bằng và chỉ chịu thua trước các đội tuyển có truyền thống, đầu tư mạnh như Tây Ninh, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Về vị thế của quần vợt nữ tại Việt Nam hiện nay, Hải Dương cùng với TP Hồ Chí Minh và Quân đội là những đội tuyển mạnh. Ở phía Bắc, quần vợt nam có Hà Nội vượt trội, còn nữ phải nhắc đến Hải Dương".

Theo HLV Nguyễn Xuân Lúc, tuyển quần vợt Hải Dương đã 2 lần tham gia Đại hội Thể thao toàn quốc nhưng không thành công. Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX tới đây, đội tuyển phấn đấu giành huy chương bạc đồng đội nữ hoặc đôi nữ.

TIẾN HUY

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Quần vợt Hải Dương dần khẳng định vị thế