Xử lý thế nào nếu chiếc Audi gây tai nạn ở Bắc Giang là xe đi mượn?

04/06/2022 10:16

Theo luật sư, do chiếc Audi là vật chứng vụ án, phương tiện sẽ bị tạm giữ. Nếu cơ quan chức năng thấy không làm ảnh hưởng tới việc xử lý vụ án, phương tiện sẽ được trả lại.

Đêm 2.6, ô tô Audi do Nguyễn Quốc Thịnh (sinh năm 1987, ở phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang) lái trên đường Hoàng Văn Thụ hướng đi Ngô Căn Cảnh. Tới khu vực ngã tư Hùng Vương - Hoàng Văn Thụ, xe này va chạm với xe máy do anh Nguyễn Mạnh Hưng (48 tuổi, ở phường Thọ Xương, TP Bắc Giang) cầm lái, chở theo vợ và con gái.

Vụ tai nạn khiến 3 người đi xe máy tử vong tại chỗ, 2 phương tiện hư hỏng nặng. Kết quả xác minh ban đầu cho thấy Thịnh có nồng độ cồn trong cơ thể là 0,604 mg/l khí thở.

Bên cạnh mức án Thịnh có thể đối mặt, nhiều người quan tâm việc nếu chiếc Audi là xe đi mượn và bị tạm giữ, chủ xe có quyền đòi lại phương tiện không. Và người này có phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cùng lái xe gây tai nạn?

Luật sư Lưu Kiều Trang - Phó Giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự

Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là hành vi bị cấm khi tham gia giao thông. Việc Thịnh điều khiển xe sau khi sử dụng rượu, bia và gây tai nạn làm 3 người chết là hành vi vi phạm quy định về giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng. Do vậy, lái xe sẽ không bị xử lý hành chính mà phải chịu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ:

Chiếc Audi nát đầu sau tai nạn

Khoản 3 Điều này quy định người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ làm chết từ 3 người trở lên sẽ bị áp dụng khung hình phạt 7-15 năm tù.

Đối với chiếc Audi, do đây là phương tiện gây tai nạn và người lái xe có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chiếc xe này sẽ được coi là vật chứng của vụ án. Việc xử lý vật chứng sẽ thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.

Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định việc xử lý vật chứng do cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do VKS quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Chánh án Tòa án quyết định nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử; do HĐXX quyết định nếu vụ án đã đưa ra xét xử. Việc thi hành quyết định về xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cơ quan có thẩm quyền có quyền trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án.

Bởi vậy, nếu chiếc Audi là xe đi mượn, chủ phương tiện có quyền đề nghị cơ quan đang tạm giữ xe của mình trả lại tài sản. Căn cứ tình hình của vụ án, giấy tờ chứng minh sở hữu của chủ xe, mức độ lỗi của chủ xe (nếu có), nếu cơ quan có thẩm quyền thấy không ảnh hưởng tới việc xử lý vụ án nữa thì sẽ ra quyết định trả lại cho chủ xe.

Về trách nhiệm của chủ xe, Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015 quy định chủ sở hữu phương tiện giao thông vận tải cơ giới là nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển tài sản theo đúng quy định của pháp luật. Chủ sở hữu có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trường hợp đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người đó phải bồi thường, trừ khi có thỏa thuận khác.

Khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Từ quy định trên, nếu chủ xe đã giao phương tiện cho Thịnh sử dụng đúng pháp luật thì lái xe phải bồi thường thiệt hại toàn bộ, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Nếu chủ xe giao xe cho Thịnh sử dụng khi biết người này đã sử dụng rượu, bia thì chủ xe có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị sử dụng trái pháp luật và phải liên đới với Thịnh bồi thường thiệt hại cho bị hại theo quy định tại khoản 4, Điều 601 Bộ luật Dân sự 2015.

Thậm chí, nếu có đủ các yếu tố cấu thành, chủ xe còn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ theo Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo Zing

(0) Bình luận
Xử lý thế nào nếu chiếc Audi gây tai nạn ở Bắc Giang là xe đi mượn?