Việt Nam - Lào: Hợp tác thương mại bền vững và hiệu quả

14/05/2022 12:20

Kể từ khi thiết lập quan hệ hữu nghị, Việt Nam và Lào không ngừng phát triển và đạt nhiều thành tựu trên mọi lĩnh vực, đem lại lợi ích thực sự cho nhân dân hai nước.

Đặc biệt, quan hệ thương mại, hợp tác giữa hai nước luôn phát triển theo chiều hướng tích cực, ngày càng thực chất và đi vào chiều sâu. Vì vậy, chuyến thăm chính thức Lào của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từ ngày 15- 17.5 là dịp quan trọng để hai bên trao đổi các định hướng, biện pháp lớn nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa hai nước tiếp tục phát triển trong giai đoạn mới. 

Chú thích ảnh

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh

Tăng trưởng ổn định

Nhận định từ các chuyên gia, giai đoạn 2016-2020, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Lào tăng trưởng ổn định và đã đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD/năm. Sau 2 năm bị tác động bởi dịch COVID-19 và thiên tai, lũ lụt khiến thương mại giữa Việt Nam và Lào gặp một số trở ngại, khó khăn. 

Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 trở lại đây, giao thương giữa hai bên đã tăng trưởng mạnh mẽ nên cán cân xuất khẩu và nhập khẩu tương đối cân bằng. Do đó, cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa thay đổi theo hướng bền vững, danh mục hàng hóa trao đổi giữa hai nước ngày càng được mở rộng, đa dạng và phong phú hơn. 

Đây là thành quả từ quyết tâm chính trị của Lãnh đạo cấp cao hai nước, sự chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng, kịp thời giải quyết và khắc phục những vướng mắc, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp hai nước để thích ứng nhanh với bối cảnh đại dịch COVID-19.

Theo thống kê từ Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương), kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào năm 2020 đạt hơn 1 tỷ USD, giảm 11,5% so với năm 2019; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 571,7 triệu USD, giảm 18,5% so với năm 2019. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 458,1 triệu USD, giảm 0,7% so với năm 2019.

Sang năm 2021, kim ngạch ngạch thương mại Việt Nam – Lào đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Trong số này, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 594,7 triệu USD, tăng 4% so với năm 2020 và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 778,2 triệu USD, tăng 69,8% so với năm 2020.

Riêng 4 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào đạt 558,2 triệu USD, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 192,2 triệu USD, giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2021. 

Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, phân bón các loại, sản phẩm từ chất dẻo, rau quả.

Bà Lê Hoàng Oanh- Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi cho biết: Nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang Lào giảm trong thời gian gần đây bởi doanh nghiệp Việt Nam tập trung xuất khẩu sản phẩm từ sắt thép vào thị trường EU, đạt 269 triệu USD, tăng gần 40% vì thiếu hụt nguồn cung, ảnh hưởng từ xung đột giữa Nga – Ukraine. 

Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 366 triệu USD, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, phân bón các loại, rau quả, quặng và khoáng sản. Do đó, dự báo 5 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Lào đạt 717,1 triệu USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2021.

Đánh giá về quan hệ Việt Nam- Lào, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: Kể từ Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới giữa hai nước lần thứ XI vào năm 2018 đến nay, quan hệ thương mại nói chung và thương mại biên giới giữa hai nước nói riêng đã có những bước phát triển mới.

Điều này thể hiện qua mức tăng trưởng ấn tượng, không những so với thương mại Việt-Lào những năm trước đây mà còn so với cả tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và nhiều nước khác trong khu vực. 

Tuy nhiên, tiềm năng phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn còn rất lớn và Hội nghị Hợp tác phát triển thương mại biên giới Việt Nam - Lào lần thứ XII là một trong những bước đi quan trọng để góp phần khai phá tiềm năng đó.

Đặc biệt, mục tiêu kim ngạch thương mại giữa hai nước không chỉ tăng trưởng ở mức độ 10 - 15%/năm mà còn phải để thương mại giữa hai nước phát triển thật ổn định và bền vững. Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.

Cùng với đó, hai bên cần khai thác được tiềm năng, lợi thế góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị và đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế-xã hội của cả hai nước Việt Nam - Lào. 

Tận dụng lợi thế

Nhìn nhận lại những điểm hạn chế và nguyên nhân khiến thương mại Việt Nam - Lào chưa phát triển tương xứng, giới phân tích chỉ ra những chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, cơ sở hạ tầng, giao thông, logistics tại khu vực cửa khẩu chưa hiệu quả.

Hơn nữa, việc phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là xây dựng các tuyến đường kết nối tới cửa khẩu, tuyến đường liên huyện tại một số khu vực còn chậm và chưa tương xứng với nhau, chưa đáp ứng được tiềm năng và nhu cầu của hoạt động mua bán, trao đổi, lưu thông hàng hóa tại khu vực biên giới.

Để có thể tận dụng và phát huy cơ hội, vượt qua các khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực của dịch COVID-19, theo các chuyên gia doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tính chủ động để khai thác hết lợi thế xuất khẩu sang Lào, gia tăng quy mô xuất khẩu.

Cụ thể, doanh nghiệp cần định vị đúng đắn tầm quan trọng của thị trường Lào, xác định những tiềm năng và thuận lợi của doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác khi thâm nhập thị trường này để có chiến lược kinh doanh phù hợp.

Trên cơ sở mối quan hệ chính trị-ngoại giao rất tốt đẹp với Việt Nam, Chính phủ Lào rất ủng hộ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào quá trình đầu tư, kinh doanh tại Lào. 

Với 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ, hoạt động trao đổi về kinh tế cũng như đi lại, xuất nhập khẩu hàng hóa, lao động giữa Việt Nam và Lào đều rất nhiều thuận lợi. 

Ngoài ra, thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Các thuận lợi khác như thị trường Lào không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều thiện cảm với hàng hóa từ Việt Nam.

Mặt khác, doanh nghiệp cần tận dụng làn sóng đầu tư của Việt Nam sang Lào để gia tăng quy mô xuất khẩu. Đáng lưu ý, Việt Nam đang là nhà đầu tư lớn thứ 3 tại Lào và ngược lại Lào là nước nhận nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Các dự án đầu tư lớn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp năng lượng, ngân hàng, trồng cây công nghiệp, may mặc... 

Hiện nay, Lào tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển trồng trọt, chăn nuôi để khai thác hết tiềm năng đất đai ở Bắc và Nam Lào. 

Cùng với làn sóng đầu tư, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội gia tăng xuất khẩu mặt hàng như sắt thép, phương tiện vận tải và phụ tùng, máy móc, thiết bị dụng cụ, phân bón, thức ăn gia súc.

Đặc biệt, việc tăng cường liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm, xây dựng thương hiệu hàng Việt Nam tại Lào là cần thiết, tạo chỗ đứng vững chắc cho hàng hóa Việt Nam tại Lào. 

Trước mắt, doanh nghiệp Việt Nam - Lào có thể phối hợp xây dựng, hình thành các chuỗi sản xuất-cung ứng các sản phẩm mà hai nước có lợi thế. Chẳng hạn như khai thác, chế biến, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ; sản xuất và xuất khẩu mặt hàng cao su, cà phê, hạt điều, sản phẩm dệt may…mang thương hiệu hàng Việt Nam.

Bộ Công Thương luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, đảm bảo cho hoạt động thương mại và thương mại biên giới thuận lợi, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, đóng góp vào sự tăng trưởng thương mại giữa hai nước.

Về phát triển thương mại biên giới, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Việt Nam - Lào sẽ nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá để thu hút nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng tại khu kinh tế cửa khẩu, hoạt động sản xuất và thương mại tại khu vực biên giới. Bên cạnh đó, hai bên thúc đẩy đàm phán để ký kết Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào.

Ngoài ra, hai bên sẽ rà soát, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung các văn kiện đã ký kết như Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào, Thoả thuận Hà Nội 2007 cho phù hợp với thực tế.

Mặt khác, đề xuất phương án giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam - Lào; tạo thuận lợi cho hàng hóa của mỗi nước lưu thông, tiêu thụ tại thị trường của nhau, nhất là hàng nông sản.

Đặc biệt, hai bên sẽ tiếp tục phối hợp ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, tạo môi trường lành mạnh cho thương mại biên giới phát triển.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Việt Nam - Lào: Hợp tác thương mại bền vững và hiệu quả