Thú chơi sóc cảnh

30/12/2018 15:11

Thú chơi sóc cảnh đòi hỏi niềm đam mê và sự kỳ công chăm sóc, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến sức khỏe.

Sóc cảnh cần sự chăm sóc cầu kỳ

Tỉ mẩn thuần sóc

Anh Hoàng Văn Kỷ ở phường Chí Minh (Chí Linh) nuôi sóc cảnh hơn 1 năm nay. Vốn là người yêu thích động vật nên anh thường xuyên tham gia các hội, nhóm có cùng sở thích, từ đó anh biết đến thú chơi sóc cảnh. Anh chọn nuôi con vật này vì nó thông minh, dễ gần và dễ thích nghi với môi trường sống. Nhưng theo anh Kỷ, chăm sóc cảnh tốn khá nhiều thời gian, công sức. Sóc vốn là loài ăn tạp, tùy từng giai đoạn sẽ có chế độ ăn khác nhau. Nếu sóc chưa trưởng thành, thức ăn chính là sữa tươi không đường. Khi chúng trưởng thành chuyển sang ăn các loại hạt, hoa quả, côn trùng nhỏ. Người nuôi sóc cũng cần đặc biệt chú ý đến thân nhiệt của chúng, nếu thời tiết lạnh phải dùng đèn để sưởi ấm.

Nhận thấy nhiều người có cùng đam mê, anh Kỷ còn lập ra một nhóm trên mạng xã hội Facebook để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nuôi sóc cảnh. Anh còn nhận đặt mua sóc cảnh cho bạn bè có nhu cầu. “Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế và không gian của từng gia đình mà lựa chọn nuôi giống sóc cảnh thích hợp. Khi mua chú ý chọn sóc có lông óng mượt, mắt linh hoạt, móng đều và đuôi dài. Tránh mua sóc bị ướt đuôi vì sức đề kháng của chúng rất yếu”, anh Kỷ nói.

Tuy mới chơi được nửa năm nay nhưng anh Lương Đình P. ở phường Tân Bình (TP Hải Dương) đã có kinh nghiệm nuôi một số loại sóc cảnh như sóc đất, bông, nhạn lửa... Anh đang nuôi 2 con sóc Côn Đảo làm thú cưng trong nhà. Để sở hữu được chúng, anh P. đã lên mạng đặt mua từ trong Nam với giá khá đắt đỏ, vì đây là loại sóc hiếm, biết nịnh chủ và màu lông rất đẹp. Anh P. cho biết: “Cách chăm sóc cảnh cũng giống như các thú cưng khác. Khó khăn nhất là giai đoạn thuần chúng vì còn phụ thuộc vào tính tình, độ tuổi của từng loại sóc. Sóc càng lớn tuổi thì thuần càng khó. Người nuôi mà nhát tay cũng sẽ mất nhiều thời gian để thuần hơn. Quan trọng cần có niềm đam mê và tính kiên trì thì mới nuôi được. Đổi lại, khi sóc đã thuần rồi thì rất ngoan, dễ chăm và quấn chủ”. Người mới bắt đầu chơi nên mua loại sóc đất chưa mở mắt vì thời điểm này vừa dễ nuôi lại dễ thuần, giá mềm. Hơn nữa, sóc được nuôi từ bé đến lúc trưởng thành sẽ gần gũi với chủ hơn. Hiện nay, thú chơi sóc cảnh còn khá mới mẻ tại tỉnh ta và số người chơi cũng chưa nhiều. Trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook có các tài khoản rao bán sóc cảnh, gồm nhiều loại như là sóc đất, sóc bông, sóc lửa, sóc bay Thái, sóc Côn Đảo… Giá bán tùy thuộc vào kích cỡ, màu sắc, từ vài trăm đến hàng triệu đồng. Sóc có nguồn gốc ở cả trong và ngoài nước. Những vật dụng đi kèm khi nuôi sóc cảnh gồm lồng, nhà ngủ, túi xách đi chơi, túi đựng thức ăn, xích…                                           

Cảnh giác bị sóc cắn

Theo anh Kỷ, trong quá trình chăm sóc hằng ngày không tránh khỏi bị sóc cắn. Vì chúng là loài thuộc bộ gặm nhấm, móng dài, răng sắc nhọn. Nếu gặp tiếng động mạnh, sóc dễ bị giật mình, có thể quay sang cắn người. “Nuôi sóc cảnh mà bị cắn là chuyện bình thường, thậm chí khi chơi đùa với chúng có thể bị trầy xước da. Bản thân tôi cũng từng bị sóc cắn”, anh Kỷ nói.

Hiện các loại sóc cảnh được rao bán đa số là sóc chưa thuần vì giá sóc đã thuần thường đắt hơn khá nhiều và số lượng rất ít. “Không may bị sóc cắn nên vệ sinh vết thương và chú ý theo dõi thú nuôi trong khoảng 10 ngày xem có biểu hiện gì khác không. Nếu phát hiện sóc cảnh có dấu hiệu bất thường, trái với tập tính sinh hoạt của chúng thì người bị cắn cần đi khám kịp thời”, anh Kỷ chia sẻ. 

Các giống sóc cảnh thường có bộ lông tương đối dày và mượt. Nếu không giữ sạch sẽ, chúng sẽ rất dễ mắc ve, rận. Bị sóc cắn dễ bị nhiễm trùng vì chúng vốn sống ở môi trường tự nhiên, khi được nuôi ở nhà thì các mầm bệnh dễ phát sinh và lây sang người. Vì vậy, người chơi nên chọn mua sóc đã được thuần chủng. Trước khi nuôi nên tìm hiểu các kiến thức liên quan đến sóc cảnh, tiêm vaccine phòng ngừa bệnh. Người nuôi cũng cần quan tâm vệ sinh nơi ở, dọn dẹp khu lồng nuôi, dụng cụ cho sóc ăn... Với những sóc chưa thuần hoặc thuần chưa hoàn toàn có thể dùng xích để bảo đảm an toàn. Những gia đình có trẻ nhỏ cần cảnh giác khi cho trẻ tiếp xúc, chơi đùa với sóc cảnh. Đặc biệt, cần quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ của các loại sóc được rao bán. Người chơi nên theo dõi cách chăm sóc cho sóc cảnh thông qua các nhóm, hội trên Facebook như Hội Những người mê sóc cảnh, Sóc cảnh miền Bắc... để tìm được những điểm bán sóc cảnh uy tín, giá hợp lý, tránh mua phải sóc đang mắc bệnh hoặc sức đề kháng yếu.

THẢO NGUYỄN

(0) Bình luận
Thú chơi sóc cảnh