Kinh tế Hải Dương phục hồi nhanh, rõ nét

27/09/2022 14:36

Sáng 27.9, đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 9 của UBND tỉnh.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 9.2022

Phiên họp thảo luận nội dung báo cáo, tờ trình do các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị.

Kinh tế phục hồi nhanh, rõ nét

Theo báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 9 tháng qua và nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm 2022 của Sở Kế hoạch và Đầu tư, kinh tế của tỉnh có sự phục hồi nhanh, rõ nét. Giá trị sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt hơn 15.600 tỷ đồng, bằng 73,1% kế hoạch năm và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Công nghiệp, xây dựng tiếp tục giữ đà tăng cao, tổng giá trị ước đạt hơn 24.800 tỷ đồng, bằng 73,4% kế hoạch năm, tăng 14,4%. Hoạt động thương mại, dịch vụ phục hồi nhanh, ước đạt khoảng 62.800 tỷ đồng, bằng 81,4% kế hoạch năm, tăng 12,8%. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội của tỉnh ước đạt 36.300 tỷ đồng, tăng 4,7%. Ước đến ngày 30.9, tỉnh sẽ giải ngân được hơn 3.400 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 57,6% kế hoạch. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được quan tâm, tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Trật tự xã hội, an ninh, quốc phòng được củng cố, giữ vững.

Cho ý kiến vào nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng ghi nhận nỗ lực của các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH 9 tháng qua. Kết quả khả quan đạt được thể hiện tinh thần, quyết tâm "thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá" của toàn tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, bức tranh kinh tế của tỉnh cũng bộc lộ một số hạn chế cần kiên quyết khắc phục. Đó là công tác lập quy hoạch tỉnh còn chậm so với kế hoạch đề ra, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công khiêm tốn, tiến độ đầu tư dự án còn chậm, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc...

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng nhấn mạnh nhiệm vụ cấp bách mà các cấp, các ngành cần quan tâm, lưu ý là hoàn thiện quy hoạch vùng tỉnh giai đoạn 2021-2030, tập trung giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm. Đầu tháng 10, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ làm việc với từng đơn vị, địa phương để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, đánh giá thực tế tình hình thực hiện dự án đầu tư công trên địa bàn, tham mưu phương án, biện pháp để hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công...

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lưu Văn Bản phát biểu tại phiên họp

Hoàn thành 6 khoản thu ngân sách nhà nước

Kết luận nội dung về thực hiện thu chi ngân sách 9 tháng, giải pháp thực hiện dự toán ngân sách 3 tháng cuối năm và dự kiến phân bổ dự toán ngân sách năm 2023, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cơ bản nhất trí với báo cáo do Sở Tài chính trình bày. Đồng chí giao Sở Tài chính có công văn đôn đốc các địa phương chủ động hoàn thiện dự toán chi phù hợp với tình hình thực tế và tuân thủ các quy định của pháp luật. Sở Tài chính phối hợp với Cục Thuế tỉnh xác định số tăng thu từ tiền sử dụng đất năm 2022, tham mưu UBND tỉnh phân bổ cho các công trình trọng điểm. Về phân bổ dự toán năm 2023, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng yêu cầu giao thu tiền sử dụng đất sát với tình hình thực tế của từng địa phương. Việc chi ngân sách cần đúng tiêu chuẩn, định mức, quy chế và thực hành tiết kiệm. Cùng với đó cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng để tránh thất thoát, lãng phí gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Theo báo cáo của Sở Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh 9 tháng qua ước đạt gần 14.000 tỷ đồng, bằng 94% dự toán năm và tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Có 6 trong tổng số 16 khoản thu đã hoàn thành dự toán năm là thu tiền sử dụng đất, thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, sử dụng đất phi nông nghiệp, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu khác ngân sách. Còn lại 6 khoản thu đạt khá và 4 khoản thu đạt thấp so với tiến độ dự toán. Tổng chi ngân sách địa phương 9 tháng ước đạt hơn 11.260 tỷ đồng, đạt 72,6% dự toán năm, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021...

Đồng chí Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tham gia ý kiến thảo luận tại phiên họp

Xử lý 4 sự cố đê điều

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Triệu Thế Hùng cơ bản nhất trí với nội dung báo cáo và đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc xử lý 4 sự cố sạt lở bãi sông và kè ở các huyện Nam Sách, Thanh Hà. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh khảo sát, lập phương án đầu tư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện theo đúng quy định. UBND các huyện Nam Sách, Thanh Hà rà soát phương án bảo vệ trọng điểm, thường xuyên kiểm tra để điều chỉnh biện pháp bảo vệ phù hợp với diễn biến của sự cố.

Cũng tại phiên họp này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, tổng hợp nhu cầu thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất tại các địa phương để UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét tại kỳ họp tới. Các dự án, công trình có nhu cầu thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất phát sinh năm 2022 phải phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển bức thiết của địa phương. Theo tờ trình, Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thu hồi 304.000 m2 đất và chuyển mục đích sử dụng gần 7.100 m2 đất trồng lúa, 8.000 m2 đất rừng phòng hộ để thực hiện 16 công trình, dự án ở các huyện Tứ Kỳ, Kim Thành, Cẩm Giàng, Ninh Giang, Thanh Miện và TP Chí Linh.

PV

(0) Bình luận
Kinh tế Hải Dương phục hồi nhanh, rõ nét