Kinh doanh cá nhân theo "tâm lý đám đông" làm méo mó thị trường bất động sản

02/06/2022 15:04

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương lo lắng về những bất ổn trong thị trường tài chính và bất động sản hiện nay.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng cần một hệ thống chính sách và giải pháp đồng bộ để lành mạnh hóa thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán

Trao đổi với phóng viên Báo Hải Dương bên lề Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khoá XV, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022 của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã phản ánh khá rõ nét bức tranh kinh tế - xã hội nước ta năm 2021, nhất là giai đoạn chuyển hướng từ chiến lược “phòng chống dịch Covid-19” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Nước ta đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện với 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt mục tiêu đề ra, GDP tăng trưởng 5,22% so với cùng kỳ, cả năm đạt 2,58%, thu ngân sách nhà nước tăng 16,8%.

Tuy nhiên, tình hình hiện nay có những dấu hiệu không lành mạnh trong hoạt động của thị trường tài chính và bất động sản. Do đó, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị 4 giải pháp trọng tâm để tiếp tục củng cố kinh tế vĩ mô, ngăn chặn những nguy cơ bất ổn, tạo tiền đề vững chắc cho sự phục hối kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Thứ nhất, cần làm rõ mối quan hệ giữa thị trường tài chính và thị trường bất động sản. Hiện nay, dòng tiền lưu chuyển qua 2 thị trường này thông qua kênh tín dụng của hệ thống ngân hàng thương mại và thị trường chứng khoán, nhất là trái phiếu doanh nghiệp thiếu minh bạch và thiếu cơ chế giám sát hiệu quả. Những vụ án gần đây là minh chứng rõ nét cho sự bất cập trong quản lý các kênh liên thông giữa 2 thị trường này. Một lượng vốn rất lớn được bơm vào qua kênh tín dụng, kênh trái phiếu doanh nghiệp, tiền tiết kiệm của người dân đổ vào đầu cơ các dự án bất động sản đang nằm "chết" ở khắp nơi, không tạo ra giá trị sử dụng. Thị trường nhà ở đô thị mất cân đối cung - cầu, tăng giá giả tạo trong khi nhiều khu dân cư mới bỏ hoang, chỉ mua đi bán lại của những người đầu cơ.

Thứ hai, chính sách tín dụng phải hướng đến mục tiêu sàng lọc những doanh nghiệp bất động sản yếu kém, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm ăn bài bản phát triển. Do đó, cần tiếp tục kiểm soát tín dụng bất động sản của ngân hàng nhà nước và kiểm soát lãi suất trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Chính phủ nên giao cho Uỷ ban chứng khoán quản lý thống nhất trái phiếu của mọi doanh nghiệp phát hành trên thị trường nhằm bảo đảm các điều kiện phát hành và minh bạch thông tin. Chấn chỉnh thị trường trái phiếu nhưng vẫn phải tiếp tục thúc đẩy phát triển, tạo thêm kênh đầu tư cho người dân có tiền nhàn rỗi ngoài gửi tiết kiệm ở ngân hàng thương mại.

Thứ ba, ngân hàng nhà nước cần tiếp tục điều hành chính sách tín dụng năm 2022 như đã ban hành, kiểm soát lạm phát nhưng không siết chặt tín dụng, thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ. Trong đó, việc quan trọng là kiểm soát dòng tín dụng đúng mục đích, nhất là trong lĩnh vực bất động sản. Trước mắt chỉ ưu tiên cho lĩnh vực bất động sản nhà ở và khu công nghiệp, hỗ trợ chương trình nhà ở của các địa phương. Bên cạnh đó, cần tập trung tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính khiến các dự án bất động sản không triển khai được là các quy định liên quan đến việc giao đất, cho thuê đất và định giá đất để Nhà nước thu tiền sử dụng. Việc tháo gỡ 2 điểm nghẽn này vừa tăng cung cho thị trường, vừa giúp kích thích tăng trưởng kinh tế năm 2022. 

Thứ tư, về lâu dài cần phải sử dụng 2 công cụ quan trọng của Nhà nước là quy hoạch và tài chính (thuế bất động sản, phí...) để kiểm soát đâu cơ thái quá trên thị trường bất động sản. Đồng thời xây dựng và phát triển các định chế đầu tư bất động sản mang tính chuyên nghiệp, giảm dần tình trạng cá nhân kinh doanh theo kiểu “bầy đàn” làm méo mó thị trường và tạo ra nhiều rủi ro. 

Đối với thị trường tài chính, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị nghiên cứu mô hình giám sát hiệu quả cả 2 thị trường tiền tệ và thị trường vốn (trung- dài hạn). Thị trường tài chính và bất động sản là 2 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng là nơi tiềm ẩn nhiều rủi ro gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Do đó, cần một hệ thống chính sách và giải pháp đồng bộ để lành mạnh hóa và phát triển cả 2 thị trường này.

PHẠM TUYẾT

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Kinh doanh cá nhân theo "tâm lý đám đông" làm méo mó thị trường bất động sản