Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thảo luận tại hội trường

15/04/2022 13:51

Chiều 15.4, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII tiến hành thảo luận tại hội trường.

>>> Kiến nghị nhiều giải pháp phát triển nguồn nhân lực, xây dựng đô thị​

>>> Khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII


Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh phát biểu gợi ý thảo luận

Làm rõ những hạn chế và đề xuất các giải pháp

13 giờ 35: Đồng chí Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh điều hành thảo luận.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận làm rõ những hạn chế và đề xuất các giải pháp để thực hiện tốt Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030". Các đại biểu cần quan tâm, đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề cho các đối tượng chính sách, thanh niên hoàn thành nghĩa vụ công an, đối tượng mãn hạn tù trở về địa phương… Những đối tượng này đã được hỗ trợ từ những nhiệm kỳ trước nhưng kết quả khiêm tốn. Bên cạnh đó, các đại biểu cần đề xuất các giải pháp thu hút đầu tư vào các cơ sở giáo dục, đào tào nghề; thu hút nhà khoa học, tài năng trẻ. Làm rõ những giải pháp để nâng cao hiệu quả công tác phân luồng, đào tạo nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, THPT…

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Hiệu khẳng định sự cần thiết của việc xây dựng, ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 – NQ/TW, ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí đề nghị các đại biểu cần đánh giá các chỉ tiêu, đề xuất những giải pháp để thực hiện tốt chương trình, đúng với định hướng của Bộ Chính trị, phù hợp với thực tiễn của tỉnh và bảo đảm tính khả thi…

Cần quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa cho người lao động

Đồng chí Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Thanh Tùng kiến nghị quan tâm xây dựng thiết chế văn hoá đáp ứng cho người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh

13 giờ 45: đồng chí Bùi Thanh Tùng, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo làm rõ những vấn đề liên quan tới Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030". Theo đó, thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 8 hội nghị phản biện để hoàn thiện dự thảo đề án. Phạm vi đề án hướng tới là đào tạo lao động đáp ứng yêu cầu cho các doanh nghiệp.

Đồng chí Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bùi Thanh Tùng đề xuất nguồn lực thực hiện đề án này phải huy động cả từ ngân sách và xã hội hoá. Việc xây dựng thiết chế văn hoá đáp ứng cho người lao động, nhất là lao động ngoại tỉnh cần được quan tâm đúng mức. Hiện nay, lao động ngoại tỉnh chủ yếu thuê nhà trọ, đời sống văn hoá tinh thần chưa đáp ứng nhu cầu nên việc tái tạo được sức lao động còn hạn chế. 

Thu hút các nhà đầu tư vào giáo dục

Đồng chí Lương Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất cần có cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa các sở liên quan để nâng cao hiệu quả giáo dục, đào tạo nghề nghiệp

13 giờ 54: Đồng chí Lương Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị cần làm rõ một số mục tiêu nêu trong Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030" để phù hợp với thực tiễn như tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh được đào tạo nghề song song với học văn hóa, quy mô tuyển sinh đại học hằng năm. Các chỉ tiêu năm 2030 cần tiếp nối và đống bộ với chỉ tiêu năm 2025 để bảo đảm tính kế thừa, thể hiện sự phát triển.

Đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Lương Văn Việt đề xuất cần có cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa các sở liên quan để nâng cao hiệu quả giáo dục, đào tạo nghề nghiệp, nhất là đối với các trung tâm có chức năng đào tạo giáo dục, văn hóa và nghề nghiệp.

Quang cảnh thảo luận tại hội trường chiều 15.4

“Tỉnh cần rà soát lại bộ máy, tăng cường hợp tác liên kết của các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên trong tỉnh. Tỉnh cũng cần có những cơ chế cụ thể thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, nhất là hỗ trợ về đất đai để xây dựng cơ sở giáo dục; phát huy hiệu quả xã hội hóa và khu vực tư thục trong lĩnh vực giáo dục; tăng cường hỗ trợ các cơ sở giáo dục liên kết đào tạo trong nước và quốc tế”, đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất.

Các đô thị manh mún, xé lẻ

14 giờ 10: đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Xây dựng làm rõ về dự thảo Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, tỉnh có thuận lợi khi xây dựng chương trình hành động này vì trong Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đưa phát triển đô thị thành 1 trong 4 trụ cột, trong đó có đẩy mạnh phát triển đô thị xanh.


Đồng chí Nguyễn Văn Đoàn, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Xây dựng đánh giá các dự án đô thị hầu hết phân lô bán nền nên hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập

Liên quan tới tỷ lệ đô thị hoá năm 2021 mới đạt 32,8%, thấp hơn trung bình cả nước là 38%, đồng chí Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Đoàn đánh giá những năm vừa qua, tốc độ và số lượng đô thị có phát triển nhưng còn hạn chế vì quy hoạch thiếu tổng thể. Các đô thị manh mún, xé lẻ, thiếu công trình công cộng, hạ tầng kỹ thuật không đồng bộ, tính liên kết "đối nội, đối ngoại" chưa cao. Các dự án đô thị hầu hết phân lô bán nền nên hạ tầng đô thị còn nhiều bất cập. "Đô thị hoá là động lực quan trọng giúp tỉnh phát triển nên quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ. Các chỉ tiêu về đô thị hoá được đưa ra phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh và điều kiện thực tế về chỉ tiêu đất. Việc đặt chỉ tiêu quá cao sẽ gây áp lực lớn vì đất dành cho đô thị không nhiều", Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Đoàn cho biết. 

Do quan điểm của các bộ, ngành vẫn còn tranh cãi về chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến bất cập, trở ngại trong việc quy hoạch, kế hoạch triển khai các đề án, chương trình. Sở Xây dựng đã có 3 văn bản đề nghị các địa phương rà soát quy hoạch chung khi xây dựng nông thôn mới nhưng vẫn chưa được quan tâm. Vì vậy, các địa phương cần khẩn trương triển khai để đáp ứng điều kiện, yêu cầu phát triển đô thị trong thời gian tới.

Đẩy nhanh giải quyết thủ tục quy hoạch


Đồng chí Ngô Quang Giáp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng đề  nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp của các bộ, ngành đóng trên địa bàn 

14 giờ 28: Đồng chí Ngô Quang Giáp, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng kiến nghị nâng chỉ tiêu tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên và dạy nghề lên trên 30%, đồng thời bổ sung chỉ tiêu này vào năm 2030 để bảo đảm thống nhất. Tỉnh cũng cần có chiến lược thu hút, giữ chân người lao động ngoài tỉnh, trong đó quan tâm giải quyết các vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, nhà ở cho công nhân và bảo đảm an ninh trật tự khi có nhiều người lao động ở địa phương khác đến tỉnh sinh sống, làm việc. “Tỉnh cũng cần quan tâm hỗ trợ các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp của các bộ, ngành đóng trên địa bàn tỉnh để góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút nguồn nhân lực địa phương khác đến Hải Dương làm việc”, đồng chí Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng Ngô Quang Giáp đề xuất.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy Cẩm Giàng Ngô Quang Giáp cũng cho rằng các địa phương cần điều chỉnh, bổ sung các mục tiêu để bảo đảm thống nhất và phấn đấu đạt được mục tiêu trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch, xây dựng. Tỉnh cũng cần có cơ chế hỗ trợ các địa phương hoàn thành các tiêu chí đô thị, nông thôn mới nâng cao cần nguồn lực lớn như giao thông, thu gom xử lý chất thải, cây xanh; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho địa phương, phê duyệt công trình tạo nguồn thực hiện các dự án, công trình trọng điểm...

Thiếu lao động chất lượng cao

Đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng lao động tại tỉnh hiểu biết lý thuyết tốt nhưng thiếu năng lực thực hành 

14 giờ 45: Cho ý kiến vào Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030", đồng chí Phạm Thị Thanh Tâm, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho rằng Hải Dương đang thiếu lao động chất lượng cao. Vì vậy cần đánh giá chất lượng nguồn lao động hiện tại để có định hướng đào tạo phù hợp. Hiện lao động tại tỉnh hiểu biết lý thuyết tốt nhưng thiếu năng lực thực hành và khả năng thích nghi, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh công nghiệp ngày càng gắt gao.

Ngoài các nhóm giải pháp đã nêu trong đề án, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phạm Thị Thanh Tâm đề nghị bổ sung giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên tuyền về nhu cầu nguồn lực, định hướng nghề nghiệp để giảm bớt áp lực bằng cấp. Đồng thời, cần rà soát, đánh giá lại các đơn vị cơ sở đào tạo. Đơn vị nào có đủ năng lực sẽ tiếp tục đầu tư, tạo điều kiện phát triển còn những đơn vị yếu kém có thể tính toán đến phương án giải thể.

“Cần có cơ quan trung gian làm cầu nối giữa các cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp. Đơn vị này phải giám sát chương trình đào tạo, cam kết sử dụng lao động. Ngoài ra, cần quan tâm tổ chức các hội thi sáng tạo kỹ thuật trong công nhân lao động để khuyến khích người lao động đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực nghiệp vụ”, đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phạm Thị Thanh Tâm đề xuất.

Thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nước ngoài về tỉnh 

Đồng chí Mạc Minh Quang, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh đề nghị cần có những giải pháp cụ thể để thu hút lao động của tỉnh trở về địa phương và tỉnh khác về Hải Dương làm việc

14 giờ 53: Đồng chí Mạc Minh Quang, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh cho rằng cần sắp xếp lại các số liệu trong dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030” để bảo đảm tính logic, dễ hình dung bức tranh hiện trạng và tương lai về nguồn nhân lực tỉnh. Tỉnh cũng cần có những giải pháp cụ thể, sâu sắc hơn để thu hút lao động của tỉnh trở về địa phương và tỉnh khác về Hải Dương làm việc.

“Tỉnh và các địa phương cũng cần quan tâm nghiên cứu, giải quyết các vấn đề liên quan đến tội phạm, tệ nạn xã hội liên quan đến người lao động ở địa phương khác về Hải Dương làm việc. Một số vụ việc vi phạm pháp luật, vụ án xảy ra ở huyện Cẩm Giàng liên quan đến người lao động ở địa phương khác do nhận thức hạn chế, tập quán địa phương khác nhau”, đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Mạc Minh Quang kiến nghị.

Đồng chí Chánh án Tòa án Nhân dân tỉnh Mạc Văn Quang cũng cho rằng tỉnh cần có các giải pháp thiết thực, cụ thể hơn nữa để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao nước ngoài về làm tỉnh làm việc. Trong công tác đào tạo nghề cũng cần quan tâm đến giáo dục đạo đức, kỷ luật công việc, văn hóa, kỹ năng sống để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao toàn diện...

Cần có dự báo, hoạch định về sử dụng lao động

Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện cho rằng cần phải bổ sung dự báo nhu cầu lao động để chủ động triển khai đề án

15 giờ 5: Đồng chí Đồng Dũng Mạnh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Miện bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao về sự cần thiết, mục tiêu của Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030” và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 – NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tuy nhiên, đồng chí Bí thư Huyện uỷ Thanh Miện Đồng Dũng Mạnh cho rằng cần phải bổ sung dự báo nhu cầu lao động để chủ động triển khai đề án, đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp, tránh tình trạng chạy theo phong trào. Khi tỉnh đang thu hút đầu tư, cần có dự báo, hoạch định về sử dụng lao động, từ đó có kế hoạch đào tạo phù hợp theo tín hiệu của thị trường. Ngoài ra, cần sớm tính toán đối với các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, không để thực trạng 1 trường, 3 đơn vị quản lý dẫn đến chồng chéo.

Về xây dựng đô thị, đồng chí Bí thư Huyện uỷ Thanh Miện Đồng Dũng Mạnh nhấn mạnh việc nâng cấp từ đô thị phải tính toán về quy mô diện tích, dân số. Mục tiêu đưa ra phải phù hợp với tình hình thực tế và lộ trình phát triển. Những đô thị phấn đấu lên cấp cao hơn phải bám theo các quy định, trong đó quan tâm tới chỉ tiêu cứng để bảo đảm quy mô và chất lượng đô thị.

Hỗ trợ nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề


Đồng chí Ngô Thị Thanh Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị tỉnh quan tâm đào tạo nghề cho người lao động chuyển từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp

15 giờ 13: Đồng chí Ngô Thị Thanh Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đề nghị tỉnh nên có đánh giá tình hình, dự báo đúng nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới. Tỉnh cũng cần bổ sung mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân trong giai đoạn 2022-2025 để làm căn cứ thực hiện. Đối với vấn đề dịch chuyển lao động, tỉnh cần quan tâm đào tạo nghề cho người lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp; quan tâm giải quyết những vấn đề phát sinh liên quan đến người lao động từ địa phương khác về Hải Dương làm việc.

Đồng chí Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Ngô Thị Thanh Hòa cũng cho rằng tỉnh cần hỗ trợ nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề, làm tốt vai trò kết nối giữa doanh nghiệp với người lao động và dành nguồn lực thỏa đáng thực hiện Đề án “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2030”.

Đối với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh cần điều chỉnh một số chỉ tiêu để bảo đảm tính khả thi, ví dụ như tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh…

15 giờ 20: Hội nghị kết thúc phần thảo luận, các đại biểu nghỉ giải lao.

PV

(0) Bình luận
Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thảo luận tại hội trường