Hiện đại hóa Cảnh sát Cơ động, cần nâng từ pháp lệnh lên luật

26/10/2021 09:55

Dự án Luật Cảnh sát cơ động được trình và cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV. Sáng 26.10, các đại biểu Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án luật.


Lực lượng cảnh sát cơ động thực hiện màn trình diễn chiến đấu và trấn áp tối phạm. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN

Lực lượng cảnh sát cơ động được định hướng “ưu tiên hiện đại hóa," tuy nhiên, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực cảnh sát cơ động mới là Pháp lệnh, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng này trong tình hình hiện nay.

Do đó, việc nâng từ Pháp lệnh lên luật về cảnh sát cơ động rất cấp thiết, tạo cơ sở pháp lý đủ mạnh để thực thi tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Việc xây dựng dự án Luật Cảnh sát cơ động nhằm bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; thống nhất với các quy định của pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động; luật hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; bảo đảm phù hợp với tính chất đặc thù của cảnh sát cơ động và yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới...

Dự thảo Luật Cảnh sát cơ động gồm 5 chương, 31 điều, quy định cụ thể 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của cảnh sát cơ động, trong đó kế thừa những nhiệm vụ còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động, đồng thời bổ sung hai nhiệm vụ cho cảnh sát cơ động.

Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã bộc lộ những hạn chế, bất cập

Lực lượng cảnh sát cơ động là một thành phần rất đặc biệt trong công an nhân dân, được coi là “lá chắn thép” để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Trong những năm qua, cảnh sát cơ động phải tham gia giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, tụ tập đông người, kích động, phá hoại gây rối an ninh trật tự, sử dụng dùng vũ khí để tấn công lực lượng chức năng.

Đối tượng đấu tranh rất đa dạng, phức tạp. Nhiệm vụ lại liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành. Cảnh sát cơ động được tổ chức theo mô hình vũ trang chiến đấu tập trung, được trang bị nhiều vũ khí công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật đặc chủng.

Vì vậy, xây dựng Luật Cảnh sát cơ động cần đáp ứng yêu cầu phù hợp với tính chất đặc thù của lực lượng này.

Theo chủ trương, quản điểm của Đảng, Nhà nước, xây dựng công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, “ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng,” trong đó có lực lượng cảnh sát cơ động.

Hiện thực hóa chủ trương đó, mới đây, Bộ Công an đã ra mắt Trung đoàn Không quân thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động. Trước đó, lực lượng Trung đoàn Kỵ binh Cảnh sát cơ động đã được Bộ Công an ra mắt vào giữa năm ngoái.

Tuy nhiên, hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật cao nhất trong lĩnh vực cảnh sát cơ động mới là Pháp lệnh, đã thi hành từ năm 2014. Qua thực tiễn hơn 7 năm thực hiện, Pháp lệnh Cảnh sát cơ động đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.

Tình hình thế giới, khu vực và trong nước dự báo rất phức tạp, khó lường đặt ra yêu cầu phải xây dựng lực lượng cảnh sát cơ động xứng tầm với nhiệm vụ được giao, đảm bảo các điều kiện để cảnh sát cơ động bảo đảm năng lực, sức chiến đấu cao.

Bên cạnh đó, cảnh sát cơ động là lực lượng nòng cốt áp dụng biện pháp vũ trang, vì vậy nhiều hoạt động của cảnh sát cơ động ảnh hưởng trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân như: huy động người, phương tiện; trưng dụng tài sản phục vụ hoạt động của cảnh sát cơ động; yêu cầu các cơ quan cung cấp sơ đồ, thiết kế, bản vẽ công trình và được vào nơi ở của cá nhân, trụ sở cơ quan, tổ chức khi thực hiện nhiệm vụ nhưng mới được quy định ở Pháp lệnh và các văn bản dưới luật.

Ngoài ra, một số quy định tại các luật chuyên ngành như: Luật An ninh quốc gia năm 2004, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Phòng chống khủng bố năm 2013... có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát cơ động nhưng mới dừng lại ở các nguyên tắc chung, chưa được quy định cụ thể gây khó khăn cho cảnh sát cơ động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cụ thể như: Chưa xác định cảnh sát cơ động là lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia; chưa quy định cụ thể thẩm quyền quyết định sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ khi ra quân thực hiện nhiệm vụ theo đội hình chiến đấu…

Làm rõ ba nội hàm “đặc thù”, “đặc biệt” và “tinh nhuệ”

Dự thảo luật được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động năm 2013, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của cảnh sát cơ động.

Đáng chú ý, dự thảo luật giữ 7 nhóm nhiệm vụ cơ bản của cảnh sát cơ động và bổ sung thêm hai quyền hạn mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát cơ động.

Thứ nhất, được mang theo người vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trường hợp sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền huy động để kịp thời cơ động giải quyết các vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự.

Quyền hạn thứ hai là ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của cảnh sát cơ động.

Về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động, Chính phủ xây dựng hai phương án trình Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Theo phương án 1, hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động để bảo đảm thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Phương án 2 đề xuất cơ cấu các lực lượng thuộc cảnh sát cơ động gồm 6 lực lượng, trong đó giữ nguyên 4 lực lượng (tác chiến đặc biệt, đặc nhiệm, bảo vệ mục tiêu, huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ); bổ sung hai lực lượng (sử dụng tàu bay, tàu thủy và cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu).

Cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí với dự thảo luật; tuy nhiên đề nghị, cần nghiên cứu các ý kiến sau đây để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật.

Một số ý kiến đề nghị chỉ quy định những nhiệm vụ trực tiếp liên quan đến việc thực hiện biện pháp vũ trang do cảnh sát cơ động chủ trì khi có tình huống phức tạp về an ninh, trật tự đang diễn ra để làm nổi bật tính chất đặc thù của cảnh sát cơ động; hạn chế sử dụng cảnh sát cơ động thực hiện một số nhiệm vụ của lực lượng, đơn vị khác trong công an nhân dân đang đảm nhiệm.

Có ý kiến cho rằng, phòng chống khủng bố đã có lực lượng chuyên trách đảm nhiệm, cảnh sát cơ động chỉ tham gia huấn luyện quân sự, võ thuật cho lực lượng này và lực lượng bảo vệ các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật, không chồng chéo về nhiệm vụ với các lực lượng khác, đồng thời không phát sinh thủ tục hành chính (các loại giấy phép con...). Các đại biểu đề nghị chỉnh lý cho phù hợp với nhiệm vụ của cảnh sát cơ động đang thực hiện.

Một số ý kiến đề nghị quy định bổ sung nhiệm vụ phối hợp giữa cảnh sát cơ động với các lực lượng thuộc quân đội trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; ý kiến khác đề nghị chuyển nội dung “sử dụng động vật nghiệp vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội” sang Điều 10 dự thảo luật cho phù hợp về nội dung.

Về quyền hạn của cảnh sát cơ động, đa số ý kiến Ủy ban Quốc phòng và An ninh nhất trí quy định như dự thảo luật. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các trường hợp được “ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái” ở khoản 3; đồng thời rà soát, đối chiếu với quy định của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và pháp luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 4 vì thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của cảnh sát cơ động đã được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Tại Kỳ họp thứ 2 này, các đại biểu và cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục thảo luận, cho ý kiến và làm rõ 3 nội hàm “đặc thù,” “đặc biệt” và “tinh nhuệ” của lực lượng cảnh sát cơ động, làm rõ vị trí, vai trò của lực lượng cảnh sát cơ động so với các lực lượng khác trong công an nhân dân, từ đó làm nổi bật sự thuyết phục cần thiết phải ban hành đạo luật riêng cho lực lượng này.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hiện đại hóa Cảnh sát Cơ động, cần nâng từ pháp lệnh lên luật