Hành nghề mê tín dị đoan có thể bị phạt tù

07/02/2023 06:16

Đầu năm mới, nhiều người đã tìm về với lễ hội, đền, chùa để du xuân và cầu mong những điều tốt lành cho gia đình và bản thân. Lợi dụng điều này, dịch vụ mê tín dị đoan được dịp nở rộ.

Nhu cầu sinh hoạt tinh thần, trong đó có hoạt động tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo là quyền và nguyện vọng chính đáng của người dân. Thế nhưng nhiều kẻ hiện "mượn danh" tâm linh để mê hoặc, trục lợi người khác, làm hoang mang dư luận, làm nhiều người lo sợ, mất niềm tin vào đời thực, u mê lạc lối trong cõi huyền bí của ma quỷ, thần tiên, đổ lỗi cho số phận, cho tiền kiếp, tổ tông.

Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật TNHH Hưng Đông cho biết: Điểm đ khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021 quy định xử phạt hành chính đối với việc tổ chức hoạt động mê tín dị đoan như sau: Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

Ngoài ra, nếu người đó có hành vi lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan thì có thể sẽ bị phạt 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (Điểm C Khoản 6 Điều 20 Nghị định 38/2021/NĐ-CP). Đây được coi là hành vi Vi phạm quy định về bảo vệ di sản văn hóa.

Tại Điều 320 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau: Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Thực tế có những đối tượng cò mồi để lôi kéo, đóng giả…. người tham gia các hoạt động mê tín dị đoan nhằm mục đích lừa đảo người khác tham gia các hoạt động mê tín. Luật sư Nguyễn Hữu Toại, Công ty Luật TNHH Hừng Đông cho biết: Điểm b khoản 4 Điều 14, Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định đối với hành vi Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Như vậy, những đối tượng cò mồi hay kể cả những cá nhân có nhu cầu lại tham gia vào các hoạt động mê tín dị đoan đều có thể bị xử lý hành chính vì Tham gia hoạt động mê tín dị đoan trong lễ hội.

Hiện tại, pháp luật không quy định việc coi bói trực tiếp hay coi bói online mới vi phạm hành chính hay cấu thành tội phạm. Bộ luật hình sự năm 2015 còn quy định bao gồm cả “hình thức mê tín, dị đoan khác”, vì vậy có thể hiểu dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều vi phạm pháp luật, dù họ có nhận tiền hay không nhận tiền của những người xem. Những người xem bói online đều có khả năng bị xử lý như những người thực hiện xem bói trực tiếp.

Để tránh rơi vào cạm bẫy và những lời dụ dỗ, chiêu trò của những kẻ lợi dụng tâm linh, tín ngưỡng để mê hoặc lòng người, mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những tri thức, kỹ năng, vốn sống, vốn hiểu biết cần thiết để nhận diện, phân biệt được bản chất thật của những câu chuyện, vụ việc liên quan; giữa ranh giới của niềm tin, tín ngưỡng, phong tục truyền thống với mê tín dị đoan, lừa đảo; xây dựng thế giới quan khoa học, vững tin vào cuộc sống, không chạy trốn thực tại.

Các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Hướng dẫn công chúng, nhất là giới trẻ kỹ năng sử dụng, tương tác an toàn, lành mạnh, trách nhiệm, đúng chuẩn mực trên mạng xã hội. Xử lý nghiêm minh những hành vi lợi dụng niềm tin, tín ngưỡng, tôn giáo; tự do ngôn luận để truyền bá những tư tưởng sai trái, mê tín, dị đoan, dụ dỗ người dân đi theo các nhóm tà đạo, kinh doanh tâm linh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhận thức, lối sống của công chúng. Có như vậy mới đẩy lùi được nạn mê tín dị đoan ra khỏi cộng đồng.

Theo VOV

(0) Bình luận
Hành nghề mê tín dị đoan có thể bị phạt tù