Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam

14/01/2022 18:40

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao và biểu dương đội ngũ cán bộ Hội Người cao tuổi các cấp đã tâm huyết, trách nhiệm, phát huy vai trò của người cao tuổi...

Pho Chu tich Quoc hoi du Dai hoi lan thu VI Hoi Nguoi cao tuoi hinh anh 1

Quang cảnh Đại hội. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sáng 14.1, tại Hà Nội, Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam, nhiệm kỳ 2021-2026 đã chính thức khai mạc theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của trên 400 đại biểu, đại diện cho hơn 9,7 triệu hội viên trong cả nước. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Đại hội.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền cho biết: Trong 5 năm qua, biến đổi khí hậu, thiên tai bão lũ, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến mọi lĩnh vực kinh tế-xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức Hội Người cao tuổi.

Tuy nhiên, được Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo; sự phối hợp có hiệu quả của MTTQ, các bộ, ngành, đoàn thể; các cấp Hội và hội viên người cao tuổi cả nước đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, đạt được nhiều kết quả thiết thực, hoàn thành các chỉ tiêu Đại hội V đề ra, các chương trình công tác Hội và nhiệm vụ được Chính phủ giao đạt nhiều kết quả nổi bật.

Nhiệm kỳ qua, Hội đã chủ động, tích cực tham mưu đề xuất với Đảng, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác Hội, về pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến người cao tuổi; nhiều văn bản quan trọng đã được ban hành như: Quyết định số 1336/QĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau đến năm 2025; Đề án chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam; Chương trình quốc gia về người cao tuổi; chế độ bảo trợ xã hội, bảo hiểm y tế... tạo điều kiện để công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ngày càng được đẩy mạnh.

Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam khẳng định: Hội Người cao tuổi luôn là lực lượng nòng cốt trong công tác chăm sóc người cao tuổi: Tổ chức chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi, thăm hỏi, giúp đỡ người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức tốt các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao của người cao tuổi từ cơ sở.

Vai trò của người cao tuổi tiếp tục được phát huy trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; gìn giữ, phát triển các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc; gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức lễ hội; tham gia bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo, giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; tích cực đấu tranh chống tham nhũng, chống tiêu cực, tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; phong trào người cao tuổi làm kinh tế giỏi được đẩy mạnh.

Báo cáo tại Đại hội cho thấy, cả nước hiện có 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm gần 12% tổng số dân; bình quân mỗi năm tổ chức Hội kết nạp thêm 43.000 hội viên mới; tổng số hội viên có 9,7 triệu người, tăng thêm 1,1 triệu hội viên so với đầu nhiệm kỳ Đại hội V.

Hàng năm trên 1,9 triệu lượt người cao tuổi được tuyên truyền, phổ biến kiến thức chăm sóc sức khỏe, khoảng 3 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, gần 4 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ; có trên 95% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế, đa số các bệnh viện thực hiện ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên.

Pho Chu tich Quoc hoi du Dai hoi lan thu VI Hoi Nguoi cao tuoi hinh anh 2

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Công tác chăm sóc người cao tuổi được triển khai đồng bộ, sâu rộng đạt nhiều kết quả thiết thực. Các cấp Hội vừa chủ động, vừa tích cực tham gia phối hợp các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật Người cao tuổi, chính sách, chế độ đối với người cao tuổi theo quy định; tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học đóng góp ý kiến trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Người cao tuổi, Chương trình hành động quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020, chính sách, chế độ về chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi.

Ở nhiều địa phương, Hội tham mưu với cấp ủy, chính quyền ban hành một số quy định cụ thể hỗ trợ người cao tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người cao tuổi không có lương hưu, bảo hiểm xã hội; bố trí ngân sách địa phương hỗ trợ mua bảo hiểm xã hội cho người cao tuổi có độ tuổi từ 60 đến dưới 80 tuổi...

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương đội ngũ cán bộ Hội Người cao tuổi các cấp đã tâm huyết, trách nhiệm, tích cực trong chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi và trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Trong 5 năm qua, Hội Người cao tuổi các cấp đã và đang phát huy tốt vai trò là tổ chức xã hội, đại diện cho nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp của người cao tuổi, là thành viên của MTTQ Việt Nam, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến người cao tuổi, được người cao tuổi cả nước đón nhận, hoan nghênh và đồng tình cao. Tuy nhiên, vẫn còn những bất cập, cần phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, ban hành chủ trương, chính sách mới nhằm đáp ứng nhu cầu về đời sống vật chất, tinh thần và bảo vệ sức khoỏe của người cao tuổi, khi Việt Nam sẽ được xếp là quốc gia có dân số già trong tương lai gần (theo dự báo đến năm 2030 Việt Nam sẽ có số người cao tuổi chiếm 17% dân số cả nước và đến năm 2050 tỷ lệ này là 25%).

Để tiếp tục phát huy vai trò của người cao tuổi và tổ chức Hội trong giai đoạn mới, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và Hội Người cao tuổi các cấp tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động nhằm phát triển số lượng đi đôi với chất lượng, tập hợp đông đảo hơn nữa hội viên tham gia phong trào thi đua “Tuổi cao-Gương sáng”.

Đặc biệt, người cao tuổi phát huy những kinh nghiệm quý báu của người cao tuổi để tham gia các hoạt động chính trị-xã hội, kinh tế, khoa học, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh trật tự; phối hợp với MTTQ và các ban, bộ, ngành, đoàn thể thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Hội Người cao tuổi cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò nòng cốt trong chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người cao tuổi; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người cao tuổi để phản ánh kịp thời với các cơ quan có thẩm quyền, góp phần thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với người cao tuổi, nhất là người cao tuổi thuộc diện chính sách, người cao tuổi ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Người cao tuổi và tổ chức Hội tiếp tục phát huy trí tuệ và kinh nghiệm, tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, khuyến học, khuyến tài; động viên con cháu có ý chí vươn lên trong học tập, công tác, sản xuất, kinh doanh; chủ động tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện trong quá trình xây dựng, giám sát quá trình tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 93 ủy viên; Ban Thường vụ gồm 14 ủy viên, Ban Kiểm tra gồm 5 ủy viên. Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương được bầu làm Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam khóa VI.

Theo TTXVN

(0) Bình luận
Đại hội lần thứ VI Hội Người cao tuổi Việt Nam