“Con đường” mang tên Bác huyền thoại trên Biển Đông

20/10/2021 13:31

Đường Hồ Chí Minh trên biển là sự sáng tạo và kỳ tích vĩ đại của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Là con đường huyền thoại “độc nhất vô nhị” không có ở bất cứ quốc gia nào.


Đường Hồ Chí Minh trên biển nhìn từ bản đồ

Tại lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (24.10.2011), nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã phát biểu: “Năm tháng sẽ qua đi, nhưng đường Hồ Chí Minh trên biển mãi mãi là niềm tự hào của quân đội ta, nhân dân ta, là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của trí thông minh, lòng dũng cảm, ý chí sắt đá, quyết tâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước của dân tộc ta...”

Đường Hồ Chí Minh trên biển là sự sáng tạo và kỳ tích vĩ đại của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Là con đường huyền thoại “độc nhất vô nhị” không có ở bất cứ quốc gia nào. Nhưng ít ai biết rằng, để có con đường ấy, là cả một trăn trở lớn của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, trong đó phải kể đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Cuối năm 1959, cùng với việc mở đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, một “con đường” trên Biển Đông được bí mật chuẩn bị để vận chuyển vũ khí nhằm đáp ứng yêu cầu của chiến trường miền Nam. Theo quyết định của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh, Tiểu đoàn 603 với phiên hiệu “Tập đoàn đánh cá Sông Gianh” đã cho một tàu không số và 5 người con ưu tú mở đường, xuất phát từ sông Gianh (Quảng Bình) đúng chiều 30 Tết năm 1959. Chuyến tàu đầu tiên chủ động từ miền Bắc xã hội chủ nghĩa vào Nam đã không thành. Bốn người trong số họ đã trở thành liệt sĩ, một người còn lại bị địch bắt giam ở Côn Đảo, khi tàu tuần tiễu của địch bắt được tàu ta một cách ngẫu nhiên ở ngoài khơi. Sau chuyến đi bất thành ấy, cần phải có một lộ trình mới và thích hợp. Bộ Quốc phòng -Tổng Tư lệnh đã phát một bức điện “Tối mật”: “Gửi Trung ương Cục và tất cả các tỉnh ven biển miền Nam. Các tỉnh tổ chức cho thuyền bí mật vượt biển ra Bắc báo cáo tình hình bến bãi, tình hình địch bố phòng ven biển và tuần tiễu trên mặt biển. Rồi trực tiếp dẫn tàu vào”. Nhiều địa phương như Liên khu V, Cực nam Trung bộ và Nam bộ đã cử người ra Bắc. Khu ủy khu VI quyết định cử đồng chí Đặng Văn Thanh đồng thời đem theo một bì thư ra Bắc, với nhiệm vụ: “Bằng mọi giá phải giữ được bì thư an toàn, nếu có phải hy sinh cũng không để rơi vào tay giặc. Ra Hà Nội, chỉ được giao tận tay cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Tháng 8.1960, vào một buổi tối mùa thu yên ả, tại căn phòng làm việc của Đại tướng, cuộc gặp gỡ lịch sử giữa một con người lẩn khuất trên một địa bàn bí mật ở miền Nam đã vượt muôn ngàn hiểm nguy để ra Bắc với Đại tướng -Tổng Tư lệnh, người chỉ huy quân sự tối cao của đất nước đã diễn ra. Đại tướng bắt tay rồi ôm chầm lấy đôi bờ vai đen sạm, rắn rỏi của anh Thanh. Đại tướng tự tay bóc thuốc lá và rót nước mời anh, giọng nghẹn ngào xúc động. Người hỏi thăm từ chuyện đi đường đến tình hình sức khỏe của anh Thanh, hỏi thăm bộ đội, du kích và bà con trong đó. Sau khi nhận bức thư Khu ủy gửi, Đại tướng bảo người sĩ quan giúp việc trải lên mặt bàn một tấm bản đồ lớn. Đại tướng đưa cho anh Thanh một cây bút chì mới vót rồi ân cần bảo: “Đây, đồng chí báo cáo đi, nhớ chỉ rõ từng chỗ trên bản đồ...”. Anh đứng lặng  trước tấm bản đồ rất lâu, rồi quay sang Đại tướng. Một thoáng đỏ mặt rồi ấp úng, lắp bắp mãi mới nói được mấy tiếng: “Dạ... Báo cáo Đại tướng...Tôi...Tôi không biết chữ ạ”. Căn phòng bỗng trở nên lặng ngắt, Đại tướng đứng lặng hồi lâu, giọt nước mắt lăn trên gò má. Ông nghẹn ngào nói với người sĩ quan Tham mưu: "Anh em ta trong đó vậy đấy"! Đại tướng kéo anh lại gần ông rồi cầm lấy cây bút chì từ tay anh, ông nhẹ nhàng bảo: “Thế này nhé! Bây giờ tôi sẽ chỉ từng chỗ trên bản đồ, đồng chí sẽ kể rõ tình hình từng nơi. Đây, cái vạch đỏ này là đường quốc lộ 1, đây là Phan Rang, đây là Phan Thiết. Còn chỗ có cái mũi nhọn này, Thanh nhìn rõ không? là Mũi Đèn. Còn đây là Vũng Găng, đây là Cà Ná"... Cứ như thế, anh báo cáo rành rọt từng chỗ theo Đại tướng chỉ. Đêm ấy họ gần như không ngủ. Anh không những kể cho Đại tướng về tình hình các nơi anh từng biết mà còn kể về cuộc đời anh, mồ côi cha lẫn mẹ từ nhỏ, 8 tuổi đã phải làm nghề lặn biển, bắt cá kiếm kế sinh nhai, 15 tuổi đi theo cách mạng, những ngày anh làm nhiệm vụ chở vũ khí bằng thuyền bí mật trong kháng chiến chống Pháp, các địa phương mà anh đã từng qua ở Nam Trung bộ, có khi vô tận Cà Mau. Câu chuyện anh kể thỉnh thoảng bị ngắt quãng khi Đại tướng giục: “Thanh uống nước đi đã!”.  Đến khi người sĩ quan tham mưu rời quyển số ghi chép và báo cáo Đại tướng cũng đã hơn một giờ sáng. Đại tướng đứng dậy, ông ôm chặt cả hai vai anh lắc nhẹ: “Cảm ơn, cảm ơn đồng chí Thanh nhiều lắm!” Rồi ông khẽ khàng bảo anh: “Bây giờ đồng chí Thanh có hai nhiệm vụ tôi giao nhé, nhớ là phải hoàn thành cho kỳ được. Một: Chữa bệnh, bồi dưỡng cho thật khỏe. Tóc rụng hết rồi đây này! Hai: Phải đi học. Học chữ và học chuyên môn. Khi nào làm xong những nhiệm vụ đó thì báo cáo cho tôi biết. Thôi, đồng chí về đi. Nhớ đêm nay ngủ cho thật ngon đấy”.

Với một nhãn quan chiến lược và một tác phong cụ thể, Đại tướng đã nghe anh Thanh, chăm chú, thận trọng, những phương án đã được lập ra cho những con tàu không số rẽ sóng vào Nam chi viện cho đồng bào, đồng chí trong ấy. Từ đây, những con tàu đã chở hàng trăm rồi hàng nghìn tấn vũ khí xuất phát từ các bến ở cửa sông Gianh (Quảng Bình), cửa biển Đồ Sơn (Hải Phòng)… vượt biển thắng lợi. Trong hàng trăm chuyến đi quan trọng, trong đó có chuyến vũ khí đưa vào trang bị đủ cho một Trung đoàn bộ binh, kịp thời tham gia chiến dịch Bình Giã (từ 2.12.1964 đến 3.1.1965). Số vũ khí được đưa vào các chuyến sau đã góp phần tạo nên sức mạnh cho lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam. Ngày 1.1.1967, Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Đặng Văn Thanh. Anh đã trở thành người anh hùng đầu tiên của Đoàn tàu không số trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Với các cán bộ, chiến sĩ trên đoàn tàu không số, có những chuyến đi, họ được chính Đại tướng đích thân ra tiễn ngoài cửa biển. Ông ra tận nơi, nắm tay chiến sĩ trước phút ra khơi, dường như không phải với tư cách Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh quân đội mà là với trái tim của người Anh cả Quân đội nhân dân Việt Nam.

LÊ QUÝ HOÀNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Con đường” mang tên Bác huyền thoại trên Biển Đông