Mối nguy từ sự chủ quan

11/09/2018 09:21

Tháng 8 vừa qua, trong tỉnh xảy ra 2 trường hợp người bị chó, mèo dại cắn dẫn đến tử vong.

Trong 8 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh có trên 1.800 người đến khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng bệnh dại, trong đó 1.564 trường hợp bị chó cắn. Số lượng người bị các loại động vật là thú nuôi trong nhà cắn cũng có xu hướng tăng cao hơn trước.

Sở dĩ có tình trạng này là do kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày càng khá giả nên nhu cầu nuôi thú cưng trong nhà như chó, mèo, thậm chí là các con vật bộ gặm nhấm như chuột, hải ly… tăng cao. Ngoài các giống loài truyền thống, bản địa, nhiều gia đình còn kỳ công tìm mua chó, mèo, vật nuôi nhập ngoại với giá tiền cao ngất ngưởng. Đây là một nhu cầu chính đáng, phù hợp với xu hướng phát triển chung của đời sống xã hội. Tuy nhiên, ý thức, sự hiểu biết của nhiều người nuôi thú cưng lại không được nâng cao như giá tiền của chúng. Đa phần mới chỉ chú ý đến khâu nuôi chứ chưa tiêm phòng bệnh dại và các loại bệnh truyền nhiễm khác cũng như huấn luyện chúng. Nhiều người không quan tâm tới việc lựa chọn vật nuôi phù hợp với điều kiện, môi trường sống, nuôi các giống chó dữ, ưa hoạt động trong môi trường chật hẹp, nuôi các giống chó của vùng lạnh trong khí hậu nhiệt đới… khiến chúng bị ức chế, khó chịu, dễ gây thương tích cho người. Nhiều người chủ quan trong tiếp xúc với vật nuôi, tới khi bị động vật cắn, nhiễm bệnh mới bắt đầu chạy chữa. Nhiều người vô ý thức khi không muốn nuôi nữa thì thả rông vật nuôi ra ngoài…

Khi nuôi thú cưng không gắn liền với ý thức, trách nhiệm của người chủ thì gây ra nhiều mối nguy mất an toàn cho những người xung quanh cũng như bản thân gia đình họ. Hàng nghìn người trong tỉnh bị chó, mèo, các loại động vật nuôi cắn; chó dữ cắn chết người thường xuyên xảy ra trong cả nước; nhiều người bị nhiễm bệnh do lây nhiễm ký sinh trùng từ thú cưng… là những minh chứng đáng buồn cho tình trạng này. Đó là chưa kể tới những bất tiện khác như chủ nuôi không tuân thủ quy định rọ mõm cho chó khi dắt ra đường hoặc thả rông không xích khiến những người xung quanh lo lắng, để chó phóng uế tùy tiện gây mất vệ sinh công cộng… Trong những trường hợp đó, thú vui của một số người đã trở thành sự khó chịu chung cho nhiều người khác.

Để hạn chế tình trạng vật nuôi gây hại cho chủ và những người xung quanh, các cơ quan chức năng cần tăng cường quản lý việc thực hiện các quy định liên quan tới nuôi động vật trong gia đình. Có quy định cấm nuôi một số loại động vật không phù hợp với môi trường đô thị, khí hậu nhiệt đới, đặc biệt là các giống chó dữ nhập khẩu. Người dân cần nâng cao ý thức trong việc nuôi dưỡng, tiếp xúc với vật nuôi. Khi nuôi động vật trong nhà, cần có trách nhiệm chăm sóc, huấn luyện, tiêm phòng bệnh; bảo đảm an toàn cho bản thân, người thân, khách tới nhà; không thả rông vật nuôi ngoài đường; dắt chó ra đường phải rọ mõm; học cách xử lý thương tích khi vật nuôi gây ra trước khi tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị.

LAM ANH

(0) Bình luận
Mối nguy từ sự chủ quan