Dịch bệnh bung khắp nơi, đại gia đổ đi buôn thuốc kiếm đậm

28/03/2022 15:11

Ngành bán lẻ thuốc ngày càng chuẩn hóa từ chất lượng đến dịch vụ, do đó các ông lớn đã đổ hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ để chiếm lĩnh mảng thị trường tỷ đô này.

Trong báo cáo tài chính quý 4/2021 của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail, FRT) ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 7.093 tỷ đồng gấp hơn 2 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 333 tỷ đồng, gấp 12 lần so với năm 2020.

Lũy kế năm 2021, FRT đạt doanh thu hợp nhất đạt 22.500 tỷ đồng, tăng 53% so với năm 2020, gấp 1,4 lần mục tiêu đặt ra trong năm 2021; lợi nhuận trước thuế đạt 554 tỷ đồng, gấp 19,5 lần, gấp 4,6 lần kế hoạch lợi nhuận so với năm trước.

2021 là một năm thắng lợi lớn của FRT, đặc biệt là chuỗi nhà thuốc FPT Long Châu đạt doanh thu 3.977 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với năm 2020, vì thế đã giúp chuỗi bán thuốc của FPT lãi đậm. Tuy lợi nhuận thấp, nhưng FPT Long Châu đã vượt trước hai năm so với kế hoạch đặt ra của lãnh đạo FRT.

FPT Long Châu đang sở hữu 400 cửa hàng trên 53 tỉnh thành

Kết thúc năm 2021, FPT Long Châu đang sở hữu 400 cửa hàng trên 53 tỉnh thành, tăng thêm 200 cửa hàng so với đầu năm. Chỉ tính riêng quý 4/2021, số cửa hàng được mở thêm đạt gần 100 cửa hàng, nhờ đó số cửa hàng năm ngoái đã vượt 150 cửa hàng trong kế hoạch năm.

Từ khi Chính phủ chỉ đạo chuyển sang giai đoạn sống chung với dịch Covid-19, FRT là doanh nghiệp hưởng lợi nhất từ chiến dịch này. Gần đây, chuỗi nhà thuốc Long Châu đã ký hợp đồng mua 1 triệu liều thuốc trị Covid Molnupiravir, chính thức trở thành đơn vị phân phối thuốc Molnupiravir. Nhờ đó, từ trước Tết Nguyên đán, cổ phiếu của FRT đã tăng rất tốt.

Chốt phiên giao dịch ngày 21.3, cổ phiếu FRT đạt 147.100 đồng/cp, tăng 45% so với đầu năm 2022 cho đến thời điểm hiện tại.

Một trong những ông lớn bản lẻ hàng gia dụng và công nghệ, Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) cũng lấn sân sang mảng bán lẻ thuốc. Khi dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, MWG tập trung đầu tư mạnh hơn để gia tăng sức ảnh hưởng.

Đầu tháng 11.2021, MWG đã mua thêm 1,294 trệu cổ phiếu của An Khang với giá trị hợp đồng lên 52,2 tỷ đồng, chính thức nắm giữ 100% cổ phần của chuỗi nhà thuốc này.

An Khang đã trở thành công ty con của MWG từ hồi tháng 4.2021, khi hãng bán lẻ công nghệ này tăng sở hữu lên 49%. Từ đó, báo cáo kinh doanh của An Khang chính thức được hợp nhất vào MWG, hàng quý vẫn báo cáo lãi/lỗ về mảng An Khang cho MWG.

Việc lấn sân sang thị trường bán lẻ của MWG đã có kế hoạch trước, thay vì 2-3 năm đi tìm hiểu mở rộng hệ thống kinh doanh, tập đoàn bán lẻ xác định thâu tóm toàn bộ nhà thuốc này. Sau khi An Khang nhượng 49% cổ phiếu cho MWG vào tháng 4.2021, ngay trong quý 3 năm đó, MWG đã lỗ lỹ kế 16,9 tỷ đồng từ An Khang, tổng vốn đầu tư từ 62 tỷ đồng xuống còn 42 tỷ đồng tại thời điểm đó.

Chốt phiên giao dịch ngày 21.3, cổ phiếu MWG đang giao dịch ở mức 134.900 đồng/cp.

Có thể nói, Việt Nam xác định chủ trương sống chung với Covid là thời điểm vàng cho các ông lớn kinh doanh bán lẻ thuốc có cơ hội tăng trưởng mạnh.

Theo đà này, thương hiệu hàng đầu trong ngành bán lẻ thuốc Pharmacity đang ôm mộng phát triển ứng dụng có thể đáp ứng được 5.000 cửa hàng vào năm 2025, kỳ vọng doanh thu đạt 63.000 tỷ đồng. Đây là nhà thuốc có mạng lưới lớn nhất Việt Nam, số lượng cửa hàng của chuỗi này đã chạm con số 1.000 cửa hàng. Theo Pharmacity, quý đầu năm nay, công ty tiếp tục mở thêm 200 cửa hàng.

Hiện các nhà thuốc của Pharmacity trên toàn quốc chính thức phân phối thuốc điều trị Covid-19 chứa hoạt chất Molnupiravir, sẵn sàng điều trị cho bệnh nhân.

Theo Vietnamnet

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dịch bệnh bung khắp nơi, đại gia đổ đi buôn thuốc kiếm đậm