Chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư "choáng"

04/10/2022 06:07

Thị trường chứng khoán lao dốc, chỉ số VN-Index lùi về mức thấp nhất trong 2 năm qua, hàng loạt mã giảm sàn... khi tâm lý nhà đầu tư bi quan, dòng tiền rất yếu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 3-10, chỉ số VN-Index giảm tới 45,67 điểm (-4,03%) xuống 1.086,44 điểm; toàn sàn giao dịch có 449 mã giảm, trong đó có đến 147 mã giảm sàn; HNX-Index giảm 12,08 điểm (-4,83%) xuống 238,17 điểm, có 44 mã giảm sàn; UPCoM-Index cũng giảm 2,2 điểm (-2,59%) xuống 82,76 điểm. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng: "Thị trường chứng khoán toàn thế giới giai đoạn này xấu và Việt Nam không ngoại lệ, tâm lý nhà đầu tư tiêu cực và liên tục bán tháo".

Cổ phiếu giảm sàn, không có nhà đầu tư "bắt đáy"

Dù là phiên giao dịch đầu tuần nhưng thị trường phản ánh tiêu cực ngay khi mở cửa. Sắc đỏ ngập tràn nhưng không đến mức hoảng loạn. Đóng cửa phiên sáng, VN-Index chỉ giảm gần 27 điểm. Thế nhưng, sang phiên chiều, tình hình xấu đi khi một số thông tin bất lợi từ kinh tế thế giới tiếp tục khiến nhà đầu tư bất an. Chỉ số VN-Index trong phiên có lúc giảm lùi về chỉ còn 1.079,86 điểm. Thanh khoản sụt giảm mạnh gần 25% so với phiên trước, với giá trị chỉ 11.580 tỉ đồng.

Không chỉ khối ngoại tiếp tục bán ròng hơn 500 tỉ đồng tại HoSE ở phiên này mà tự doanh của các công ty chứng khoán cũng bán tháo, khi mua vào chỉ 233,7 tỉ đồng nhưng bán ra tới 686,2 tỉ đồng.

Gần cuối phiên giao dịch, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng thị trường sẽ phục hồi trở lại nhưng xu hướng bán tháo tiếp tục diễn ra đẩy chỉ số VN-Index trượt khỏi vùng 1.100 điểm, về mức thấp nhất từ cuối năm 2020 đến nay.

Chị Bảo Trân (ngụ TP HCM) cho biết chị mới tham gia thị trường chứng khoán khoảng 2 năm nay nhưng đã chứng kiến đợt sụt giảm của VN-Index từ vùng đỉnh 1.530 điểm xuống mức hiện tại dưới cả nhiều dự báo là 1.100 điểm. "Nhiều cổ phiếu trong danh mục của tôi đang lỗ 50%-60%, trong đó có cả những cổ phiếu của doanh nghiệp cơ bản, kết quả kinh doanh rất tốt" - chị Bảo Trân băn khoăn.

Đáng chú ý, dù thanh khoản trên thị trường cơ sở giảm sâu nhưng thị trường chứng khoán phái sinh lại tăng đột biến với giá trị giao dịch đến 40.000 tỉ đồng. Mức tăng cao nhất trong vòng 3 tháng qua.

Một chuyên viên môi giới của Công ty Chứng khoán VPS nhận định: Nguyên nhân chính là do lực cầu trong phiên sáng quá yếu, nhà đầu tư lớn bán ra nhưng vắng người bắt đáy, từ đó đội đánh phái sinh tiếp tục đẩy mạnh vị thế "short" để kiếm lời.

"Cùng với đà giảm sâu của những phiên vừa qua đã kéo nhiều tài khoản nhà đầu tư có sử dụng đòn bẩy rơi vào thế bị bắt bán giải chấp cổ phiếu (force sell) để bảo đảm tài khoản an toàn. Từ đó hiện tượng bán tháo cổ phiếu gia tăng. Chỉ tính riêng phiên ngày 3-10, có tổng cộng gần 375.000 hợp đồng được giao dịch, con số khá cao trong nhiều tháng qua" - chuyên viên môi giới này lập luận.

Chứng khoán tiếp tục lùi sâu về dưới vùng 1.100 điểm, mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua. Ảnh: TẤN THẠNH

Chứng khoán tiếp tục lùi sâu về dưới vùng 1.100 điểm, mức thấp nhất trong khoảng 2 năm qua

Vẫn còn nhiều rủi ro

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Đông Á (DAS), đánh giá thị trường chứng khoán giai đoạn này đã được dự báo là tiêu cực. Nhưng với nhiều yếu tố lo lắng cho một chu kỳ giảm sâu xuất phát từ những điều tương tự của thị trường chứng khoán vào năm 2007 tiếp tục khiến nhà đầu tư bán tháo.

"Việc chứng khoán Mỹ, châu Âu giảm sâu, kèm theo đó là thông tin một ngân hàng tầm cỡ quốc tế có thể có nguy cơ bị giống như Lehman Brothers trước đây, càng khiến tâm lý tiêu cực bao trùm. Nhà đầu tư bán cổ phiếu bất chấp mã tốt hay xấu với trạng thái cào bằng làm cho hàng loạt mã chứng khoán giảm kịch sàn" - ông Huỳnh Anh Tuấn nói.

Trước đó, ngân hàng tầm cỡ quốc tế này đã lên tiếng trấn an tâm lý khách hàng, đối tác lớn khi giá cổ phiếu giảm mạnh 55% từ đầu năm. Ngân hàng này thông tin đang rà soát chiến lược đầu tư, trong đó bao gồm cả việc rút vốn hoặc bán tài sản trên thị trường quốc tế.

Dưới góc nhìn khác, tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng hiện các kênh dẫn tiền đến chứng khoán đều bị "tắc" kèm tâm lý lo sợ khủng hoảng tài chính toàn cầu tái hiện nên nhà đầu tư bán tháo. Với thực trạng này, thị trường có thể sẽ lùi về 1.000 điểm và xoay quanh mốc này một thời gian chờ lực cầu trở lại.

Cùng quan điểm, ông Huỳnh Minh Tuấn, sáng lập Công ty Tư vấn và Quản lý tài sản FIDT, phân tích thị trường hiện tại cho thấy mức rủi ro vẫn còn cao. Tình hình thế giới chưa có nhiều điểm sáng, lạm phát ở mức cao, quan điểm của các ngân hàng trung ương là tiếp tục kế hoạch nâng lãi suất. Những thông tin về lạm phát chưa hạ nhiệt và việc nâng lãi suất trên phạm vi toàn cầu còn tiếp diễn đang phản ánh tiêu cực lên các lớp tài sản cổ phiếu và trái phiếu.

"Việt Nam vẫn là điểm sáng tăng trưởng trên thế giới nhưng áp lực lên tỉ giá, lãi suất và lạm phát là rất lớn. Với những giai đoạn rủi ro và lợi nhuận tương lai của các doanh nghiệp khó dự báo, thị trường hoàn toàn có thể giảm thêm vì chưa rõ VN-Index đã có thể tạo đáy. Tuy nhiên, với triển vọng kinh tế Việt Nam sáng trong trung hạn và định giá ở mức tương đối rẻ là cơ hội giải ngân dần vào các vị thế đầu tư trung, dài hạn" - ông Huỳnh Minh Tuấn nói.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư "choáng"