Bộ Tài chính lý giải vì sao giá xăng giảm mạnh, giá hàng hóa vẫn cao

03/08/2022 17:12

Theo Bộ Tài chính, việc xăng giảm nhưng một số mặt hàng tiêu dùng vẫn tăng do nhiều yếu tố tác động đan xen như giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất.

Trước thực trạng giá xăng dầu giảm mạnh trong tháng 7 nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn tăng, ngày 3.8, Bộ Tài chính đã có văn bản làm rõ vấn đề này. Theo đó, cơ quan này đưa ra nhiều tác động như giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ...

Đặc biệt, một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm...

Đơn cử, giá thịt lợn và một số loại thịt gia cầm tăng do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá thủy hải sản tươi sống tăng do giá nhiên liệu tăng; giá trứng các loại tăng do đang vào mùa sản xuất bánh Trung thu.

"Giá vật liệu xây dựng và nhân công sửa chữa nhà ở tăng lên do nhu cầu nguyên liệu đầu vào tăng; giá dịch vụ vận tải tăng do vào mùa cao điểm du lịch; giá mặt hàng đồ uống tăng do nhu cầu tiêu dùng tăng lên trong mùa hè, đồng thời giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng...", Bộ Tài chính dẫn chứng.

Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài để tăng giá bất hợp lý, Bộ Tài chính cho biết mới đây Thủ tướng đã có công điện chỉ đạo kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng dầu giảm mạnh.

Về giá cước vận tải, theo quy định hiện hành, Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ trì quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Tài chính là cơ quan phối hợp khi có yêu cầu.

"Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo rà soát, tiết giảm chi phí để giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ đối với các dịch vụ vận tải do Nhà nước định giá thuộc thẩm quyền của bộ. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, đề nghị cơ quan tiếp nhận kê khai rà soát mức giá kê khai dịch vụ vận tải phù hợp", Bộ Tài chính yêu cầu.

Giá xăng dầu giảm mạnh nhưng giá một số hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng cao đã đẩy lạm phát tháng 7 lên 3,59%. Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, CPI tháng 7 đã tăng 3,14% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 7 tháng tăng 2,54% so với cùng kỳ; tín dụng tăng 16,6% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 77,5% dự toán, tăng 18,1%.

Cơ quan quản lý nhận định, từ nay đến cuối năm sẽ còn nhiều áp lực lên mặt bằng giá nhất là giá các mặt hàng năng lượng, lương thực, nguyên vật liệu cho sản xuất. Khi các gói trong Chương trình phục hồi của Chính phủ được triển khai quyết liệt cũng sẽ gây áp lực tới việc kiểm soát lạm phát do tổng cầu phục hồi tốt hơn, nhu cầu chi tiêu, du lịch của người dân tăng sau một thời gian dài bị hạn chế.

Từ đầu tháng 7 đến nay, giá xăng trong nước đã giảm hơn 7.000 đồng/lít, xuống quanh mức 24.500-25.600 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2. Mặc dù giá xăng đã 2 lần liên tiếp giảm sâu nhưng giá hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngược lại các mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt cá lại có xu hướng tăng.

Theo Zing

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bộ Tài chính lý giải vì sao giá xăng giảm mạnh, giá hàng hóa vẫn cao