Hệ quả nếu phương Tây áp trần giá dầu Nga

25/11/2022 17:33

Phương Tây muốn áp giá trần dầu để hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Nga, song quyết định có thể ảnh hưởng tới kinh tế của chính họ.

Các nước phương Tây đang nhắm đến áp giá trần với nhiên liệu hóa thạch của Nga trong nỗ lực hạn chế nguồn tài chính của Nga cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ ngày 22.11 nói rằng Liên minh châu Âu (EU) đang tham khảo ý kiến các thành viên về mức giá và phương Tây sẽ thực hiện các bước áp giá trần ngay sau khi quy trình của EU hoàn tất, dự kiến từ ngày 5.12, thời điểm EU quyết định tẩy chay phần lớn dầu Nga được vận chuyển bằng đường biển.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen là người đã đưa ra đề xuất với các đồng minh trong nhóm G7 về biện pháp áp trần giá dầu như một cách hạn chế nguồn thu của Moskva, trong khi vẫn duy trì dòng chảy dầu Nga trong nền kinh tế toàn cầu.

Mục đích của quyết định là nhằm gây tổn hại cho nền tài chính Nga, trong khi tránh làm tăng giá đột biến nếu dầu Nga đột ngột bị loại khỏi thị trường.

Cơ sở khai thác ở mỏ dầu Vankorskoye phía bắc thành phố Krasnoyarsk, Nga tháng 3/2015. Ảnh: Reuters.

Cơ sở khai thác ở mỏ dầu Vankorskoye phía bắc TP Krasnoyarsk, Nga tháng 3.2015. Ảnh: Reuters

Theo biện pháp đề xuất của phía Mỹ, các công ty bảo hiểm và doanh nghiệp khác cần vận chuyển dầu bằng đường biển chỉ có thể giao dịch với Nga nếu dầu được định giá bằng hoặc thấp hơn giá trần.

Phần lớn các công ty bảo hiểm vận tải đường biển đều đặt trụ sở tại EU hoặc Anh, nơi giới chức có thể yêu cầu họ tuân thủ quy định về giá trần. Nếu không được bảo hiểm, các chủ tàu chở dầu có thể miễn cưỡng nhận hàng từ Nga và gặp nhiều trở ngại trong quá trình vận chuyển.

Việc thực thi lệnh cấm bảo hiểm trên toàn cầu, theo lệnh trừng phạt trước đó của Anh và EU, có thể khiến lượng lớn dầu thô Nga biến mất khỏi thị trường và làm giá tăng vọt. Điều này khiến các nền kinh tế phương Tây bị ảnh hưởng, trong khi thu nhập của Nga tăng lên từ bất cứ sản phẩm dầu mỏ nào mà họ có thể xuất khẩu bất chấp lệnh cấm vận.

Nga, nước sản xuất dầu lớn thứ hai thế giới, đã chuyển hướng phần lớn nguồn cung sang Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á khác với giá chiết khấu, sau khi phương Tây ngừng mua hàng của họ, ngay cả trước khi EU ra lệnh cấm.

Một trong những mục tiêu của lệnh áp giá trần là cung cấp khuôn khổ pháp lý "cho phép nguồn cung dầu của Nga tiếp tục, đồng thời giảm mạnh doanh thu của họ", Claudio Galimberti, Phó Chủ tịch phụ trách phân tích của Rystad Energy, nhận định.

"Điều cần thiết với thị trường dầu thô toàn cầu là sản phẩm của Nga vẫn tìm được thị trường tiêu thụ sau khi lệnh cấm của EU có hiệu lực. Nếu điều này không xảy ra, giá dầu toàn cầu sẽ tăng vọt", ông Galimberti cho biết.

Mức giá trần 65-70 USD/thùng có thể cho phép Nga tiếp tục bán dầu và duy trì được thu nhập hiện tại. Dầu của Nga đang được giao dịch với mức khoảng 63 USD/thùng, thấp hơn đáng kể so với dầu Brent có giá khoảng 85 USD/thùng.

Tàu chở dầu Pegas treo cờ Nga ngoài khơi đảo Evia, Hy Lạp tháng 4/2021. Ảnh: Reuters.

Tàu chở dầu Pegas treo cờ Nga ngoài khơi đảo Evia, Hy Lạp tháng 4.2021. Ảnh: Reuters

Nếu giá trần được phương Tây thiết lập ở khoảng 50 USD/thùng, nó sẽ gây ra nhiều khó khăn cho Nga trong đảm bảo nguồn thu ngân sách. Nga được cho là cần bán dầu với giá 60-70 USD/thùng để cân bằng ngân sách, điều này được gọi là "điểm hòa vốn tài chính".

Tuy nhiên, giá trần 50 USD/thùng vẫn cao hơn chi phí sản xuất của Nga là 30-40 USD/thùng, điều này có thể cho phép Nga tiếp tục bán dầu thô để tránh phải đóng cửa các giếng khai thác vốn khó khởi động lại.

Nga tuyên bố sẽ không tuân thủ quy định về trần giá dầu do phương Tây áp đặt, đe dọa sẽ ngừng giao hàng cho các quốc gia thực hiện quyết định này. Mức giá trần thấp hơn 50 USD/thùng nhiều khả năng sẽ khiến Nga phản ứng như trên hoặc ngừng nguồn cung khí đốt còn lại cho châu Âu.

Trung Quốc và Ấn Độ có thể không chấp nhận tuân thủ mức giá trần do phương Tây áp đặt. Trung Quốc cũng có thể thành lập các công ty bảo hiểm của nước này để thay thế những doanh nghiệp bảo hiểm bị cấm theo quyết định của Mỹ, Anh và EU.

"Trung Quốc và Ấn Độ mua dầu thô của Nga với mức chiết khấu rất lớn so với dầu Brent, do đó họ không nhất thiết áp giá trần", ông Galimberti nói. "Nếu làm theo quyết định áp giá trần của G7, họ có nguy cơ bị Nga xa lánh".

Nga cũng có thể sử dụng biện pháp chuyển dầu từ tàu này sang tàu khác trên biển để che giấu nguồn gốc hàng hóa, cũng như trộn hàng của họ đối với các loại dầu mỏ khác để lách lệnh cấm.

Tác động lớn nhất từ lệnh cấm vận của EU có thể không diễn ra ngay vào ngày 5.12, thời điểm quyết định có hiệu lực, khi châu Âu tìm được các nhà cung cấp mới và dầu mỏ của Nga được chuyển hướng. Thời điểm quyết định này gây tác động lớn nhất có thể là vào ngày 5.2.2023, khi lệnh cấm bổ sung của EU đối với các sản phẩm dầu mỏ Nga, như dầu diesel, có hiệu lực.

Châu Âu khi đó sẽ phải chuyển sang nguồn cung thay thế từ Mỹ, Trung Đông và Ấn Độ. "Sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt khiến giá thành tăng cao", ông Galimberti nhận định.

Tại châu Âu vẫn còn nhiều xe dùng dầu diesel. Loại nhiên liệu này dùng cho xe tải vận chuyển hàng hóa và vận hành máy móc nông nghiệp, do đó giá dầu diesel tăng sẽ tác động tới toàn bộ nền kinh tế của châu Âu.

Theo VnExpress

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hệ quả nếu phương Tây áp trần giá dầu Nga